Tự tin thoát nghèo bền vững
Không lo tái nghèo
Khi chúng tôi đến thăm nhà bà Huỳnh Thị Ngọt ở thôn Hiền Hòa 1, xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) khoe sáng nay bà vừa trả xong món vay 20 triệu đồng chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn cho NHCSXH.
Bà Võ Thị Nhi - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Hiền Hòa 1 do Hội Phụ nữ phụ trách cho hay, hộ nhà bà Ngọt xưa rất nghèo, gia đình 8 khẩu trông chờ vào sự xoay xở của bà. Chồng bà bị bệnh, các con thì người có gia đình ở xa, đứa còn bé đi học, rồi nhờ các chương trình tín dụng chính sách mà thoát nghèo. 20 triệu đồng chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn cũng được bà đầu tư vào đàn heo, và công sức của bà được đền đáp khi 2 năm nay, mấy lứa heo nái, heo thịt đều có lãi. Chỉ vào mấy con heo giống cho lứa heo mới trong chuồng, bà bày tỏ: “Đang tính toán xin vay thêm vốn chương trình hộ cận nghèo để có thể xây chuồng rộng hơn. Tôn chuồng cao hơn, nước lũ không làm ảnh hưởng đến đàn heo. Tiền còn lại thì thuê thêm ruộng để làm. Nếu thuận lợi, kinh tế gia đình sẽ được củng cố đáng kể. Đã mất nhiều năm để thoát nghèo, giờ đây chúng tôi hoàn toàn vững tin rằng gia đình có thể thoát nghèo bền vững, bởi Nhà nước đã quan tâm dành cho chúng tôi nhiều chính sách để đầu tư phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho chúng tôi bứt hẳn cái nghèo”, bà Ngọt nói.
Nói về tác dụng của nguồn vốn chính sách trong phát triển kinh tế địa phương ở xã vùng đầm phá Vinh Hiền, Chủ tịch xã Võ Văn Lợi cho hay, toàn xã hiện dư nợ tới hơn 8,3 tỷ đồng. “Nợ quá hạn được xử lý tốt do người vay đã được chính bà con bình chọn kỹ. Lãi suất thấp phù hợp với nhu cầu có vốn phát triển sản xuất của bà con ở đây, nhất là để đầu tư nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi theo hộ gia đình… - ông Lợi nói - Thực tế ở địa phương cho thấy, đồng vốn tín dụng chính sách đã đóng vai trò không nhỏ trong giảm nghèo, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần cho địa phương thực hiện các chỉ tiêu xây dựng Nông thôn mới. Nếu như nguồn vốn cho chương trình hộ cận nghèo và hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn được đáp ứng kịp thời hơn thì hiệu quả của các chương trình này có thể còn rõ ràng hơn nữa”.
Tìm biện pháp tăng hiệu quả các chương trình tín dụng
Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế là hơn 1.483 tỷ đồng. Trong đó, riêng chương trình hộ cận nghèo được triển khai trong năm 2013 mới chỉ chiếm một con số khiêm tốn là 94,5 tỷ đồng. “Kế hoạch tăng trưởng nguồn vốn cho vay hộ cận nghèo và hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn còn thấp, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các hộ vay”, ông Trương Công Lân - Giám đốc NHCSXH tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết.
Thời gian qua, NHCSXH tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có nhiều biện pháp nâng cao chất lượng tín dụng. Nếu như trước đây chất lượng tín dụng ở một số địa bàn còn thấp, tỷ lệ nợ quá hạn cao, và khi xây dựng đề án củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng, năm 2012 nợ quá hạn toàn chi nhánh trên 41 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn là 3%, thì nay nợ quá hạn đã giảm xuống còn 21,2 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn là 1,44%.
Công tác kiểm tra, giám sát cũng đã được Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh quan tâm. Ngay từ đầu năm, Ban đại diện HĐQT đã lập kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng ưu đãi trên địa bàn, chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt kế hoạch để ra. “Nhìn chung, thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi đã giúp cho các hộ nghèo có nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh, thu hút được lao động nhàn rỗi trong cộng đồng, cải thiện được cuộc sống gia đình. Nhiều hộ đã vươn lên làm ăn khá giỏi, qua đó thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề, thực hiện đúng mục tiêu giảm nghèo, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác”, ông Lân nói.
Hoàng Thuỷ
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Nước sạch đã về với người dân vùng nông thôn tỉnh Hải Dương
- » Chuyển biến mới ở Hậu Giang
- » Tín dụng HSSV mở đường cho nữ sinh nghèo
- » Nam Định với chương trình cho hộ nghèo vay làm nhà ở
- » Nhà mới, phố mới cho cộng đồng nghèo nông thôn
- » “Chiếc cần câu” bắc cầu no ấm
- » Vượt khó trên vùng đầm phá
- » Giúp đồng bào dân tộc thoát nghèo
- » Nỗ lực của cán bộ tín dụng vùng biên
- » Đổi thay vùng đất bưng biền