Tín dụng HSSV mở đường cho nữ sinh nghèo

07/01/2014
(VBSP News) Mặc dù sống trong hoàn cảnh nghèo khó, thiếu sự dạy bảo của cha mẹ nhưng ba chị em Phạm Thị Hoài ở thôn 1, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hoá) vẫn ngoan ngoãn, học giỏi, bản thân Hoài còn thi đỗ vào trường đại học danh tiếng...
Từ nguồn vốn vay, em Phạm Thị Hoài thêm vững tin để theo đuổi ước mơ giảng đường

Từ nguồn vốn vay, em Phạm Thị Hoài thêm vững tin để theo đuổi ước mơ giảng đường

Vượt khó học giỏi

Khi biết tin Hoài đỗ đại học, họ hàng đều ra sức ngăn cản: “Nếu cháu đi học, hai đứa em sẽ phải nghỉ học hoặc vào trại trẻ mồ côi đấy”. Lời khuyên bảo chân thành của người lớn như nhưng nhát dao cứa vào lòng cô nữ sinh đã trải qua quá nhiều mất mát trong cuộc sống.

Trong suốt câu chuyện kể về gia đình mình, Hoài luôn đưa tay lau những dòng nước mắt ướt nhòe trên khuôn mặt. Trái tim cô bé mồ côi dường như có quá nhiều nỗi đau đang được dịp thổn thức. Cũng vì cảnh đói nghèo, ngay từ nhỏ, bố mẹ đã để ba chị em Hoài cho ông bà ngoại rồi lên tận vùng núi thuộc tỉnh Sơn La làm nghề buôn đồng nát. Hằng tháng, bố mẹ Hoài trở về đưa vội cho ông bà ít tiền để nuôi cháu rồi lại tất bật ra đi.

Rồi sau một cơn đột quỵ, bố em vĩnh viễn ra đi, bỏ lại 4 mẹ con. Sau ngày bố mất, mẹ Hoài không lên Sơn La nữa mà chuyển sang Lào buôn bán đồng nát, cho đến cuối năm ngoái thì đổ bệnh ung thư và cũng qua đời sau đó không lâu. Bởi thế, ba chị em Hoài từ bé cho đến bây giờ, dường như chưa có một ngày được hưởng một niềm vui đoàn tụ gia đình trọn vẹn.

Hoài bảo, từ ngày bố mất rồi đến mẹ, em đã hiểu cuộc đời ba chị em bắt đầu rẽ sang một con đường khác, nơi ấy sẽ nhiều đau đớn, cay đắng, thiệt thòi bởi thế em đã sẵn sàng đón nhận. Nhưng cho đến bây giờ, khi đối mặt với những cay đắng của cuộc đời, Hoài vẫn thấy mình chới với và tuyệt vọng vô cùng. Điều đáng khâm phục là dù sống thiếu bàn tay chăm sóc của bố mẹ nhưng ba chị em Hoài luôn nghe lời ông bà và bảo ban nhau học hành. Ngoài giờ học, Hoài theo ông bà ra đồng làm ruộng; hai em trai thì đi câu lươn, bắt cua về bán lấy tiền đi học.

Cả ba chị em Hoài đều tham gia các ký thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và đều đoạt giải cao. Năm lớp 9, Hoài giành giải Khuyến khích cấp huyện và giải Khuyến khích cấp tỉnh môn Văn. Em trai thứ hai là Phạm Thế Hoàng đoạt giải Nhất cấp huyện và giải Khuyến khích cấp tỉnh môn Hóa. Em trai út là Phạm Thế Long cũng giành giải Khuyến khích môn Văn cấp huyện lớp 6.

Con đường nào cho em?

Kỳ thi tuyển sinh vừa qua, Hoài đỗ vào trường Đại học thương mại với số điểm 20. Nhưng vì bố mẹ đã qua đời, dưới em còn 2 cậu em đều đang đi học khiến ông bà ngoại già yếu không thể đủ sức cưu mang, bởi thế khi bà và các cô bác trong gia đình nói với Hoài rằng: “Nếu cháu đi học, hai đứa em sẽ phải nghỉ học hoặc vào lại trẻ mồ côi”. Hoài đã chấp nhận hy sinh cuộc đời mình để các em được tiếp tục đến trường.

Gạt những giọt nước mắt như không muốn ai nhìn thấy nỗi đau đang khiến trái tim mình rỉ máu, Hoài kể: “Em vẫn nhớ những ngày một mình ra Hà Nội đi thi, tự đến trường, tự lo cho bản thân và cũng tự an ủi mình khi nhìn thấy những bạn khác có bố hay mẹ bên cạnh rồi lại tự nhủ mình phải cố gắng”.

Ngồi bên đứa cháu gái tội nghiệp, bà Phạm Thi Long, bà ngoại của Hoài, cũng không cầm lòng được. Bà đau đớn vì quá nghèo mà bất lực để các cháu dở dang việc học hành, vì quá nghèo, bà đã không làm tròn ước nguyện của con gái trước lúc ra đi. Trong đôi mắt hõm sâu của gương mặt già nua, héo úa ấy, nước mắt bà cũng lã chã rơi. “Mấy đứa nhỏ nó thèm từ gói mì tôm cô ạ. Thế mà chúng nó vẫn học giỏi. Chỉ vì tôi nghèo quá mà không lo được cho chúng nó… Tôi già rồi, để Hoài nó đi học thì tôi nuôi làm sao được đây, anh em cũng nghèo cả”, bà nghẹn ngào.

Cô Nguyễn Thị Hương, giáo viên chủ nhiệm của Hoài, chia sẻ: “Là giáo viên chủ nhiệm của Hoài, khi biết em có hoàn cảnh như vậy, tôi vô cùng xúc động. Hoàn cảnh éo le là thế nhưng điều khiến tôi khâm phục là em luôn là học sinh giỏi của lớp. Những ngay sau khi mẹ mất. Hoài đã có lúc muốn bỏ học để lo cho các em. Nhưng tôi cùng các bạn trong lớp đã luôn động viên em cố gắng và em đã không làm tôi bất ngờ khi đậu đại học. Chỉ có điều khiến tôi hết sức băn khoăn, trăn trở đó là giờ đây, hoàn cảnh gia đình em quá khó khăn, không thể đi học được nữa. Tôi cũng đang phối hợp với nhà trường cố gắng tìm cách nào đó có thể giúp em đến được với giảng đường đại học”.

Biết hoàn cảnh của em, nhiều cá nhân, tổ chức đã đến động viên, giúp đỡ Hoài tiếp tục con đường học hành của mình. Cùng lúc đó, biết tin NHCSXH triển khai cho vay Chương trình tín dụng HSSV, Hoài và gia đình làm thủ tục để em được Nhà nước hỗ trợ học phí, sinh hoạt hằng tháng. Như vậy, với sự giúp đỡ của cá nhân, tổ chức và Nhà nước, cánh cửa vào giảng đường đại học đã dễ dàng hơn rất nhiều đối với Hoài.

Tùng Minh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác