“Chiếc cần câu” bắc cầu no ấm

03/01/2014
(VBSP News) Đối với người nghèo vốn để sản xuất vừa là giấc mơ, vừa là công cụ thoát nghèo. Vốn không phải là “con cá” mà là “cái cần câu” để làm tiền đề cho những dự định, hoài bão bứt phá khỏi cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Với các chương trình cho vay ưu đãi từ NHCSXH thì chiếc cần câu đầy ý nghĩa đó đã đến được với những người đang đêm ngày khát khao, mong mỏi.
Mô hình sử dụng vốn vay đầu tư trồng ngô vụ đông mang lại hiệu quả kinh tế cao ở bản Tiên Bình, thị trấn Tam Đường (Lai Châu)

Mô hình sử dụng vốn vay đầu tư trồng ngô vụ đông mang lại hiệu quả kinh tế cao
ở bản Tiên Bình, thị trấn Tam Đường (Lai Châu)

Tiền về với người nghèo

Trước đây, ở bản Nậm Tường, thị trấn Tam Đường (Lai Châu), bà con trong bản đều cám cảnh thay cho gia đình chị Bàng Thị Chủ. Họ bảo “giời đày nhà ấy. Mình nó (chị Chủ) vừa làm vừa nuôi con, đã không có mấy ruộng, không có trâu lại ốm đau liên miên thế có mà nghèo suốt đời”. Cứ ngỡ tạo hóa an bài, nhưng vừa rồi, khi gặp ông Lò Văn Khớm - Trưởng bản Nậm Tường mới hay: “Chị Chủ thoát nghèo rồi! Gia đình mừng lắm, tôi cũng thế! may mà có NHCSXH”, chúng tôi cũng thấy mừng lây cho gia đình người đàn bà ấy. Trước đây từ diện thiếu đói, phải thường xuyên chờ vào những đồng tiền trợ cấp của Nhà nước thì nay chị Chủ đã có cơm nó áo ấm. Điều góp phần sang trang cuộc sống mới của gia đình chị Chủ là khoản tiền 30 triệu đồng chị được vay từ NHCSXH. Với 30 triệu đồng chị đầu tư chăn nuôi lợn nái và gia cầm. Nhờ chăm chỉ chịu khó, lại được cán bộ tín dụng tận tình hướng dẫn kỹ thuật, mỗi năm 2 lứa lợn giống cùng đàn gia cầm cho xuất thường xuyên nên giờ chị Chủ đã thoát nghèo ngoạn mục. Trên gương mặt dường như còn ghi đầy dấu tích khó khăn, chúng tôi thấy dòng nước mắt chứa chan nỗi niềm khi kể về những ngày khốn khó và một nụ cười hiền từ và mãn nguyện lúc người đàn bà ấy thổ lộ mong ước cho tương lai.

Hiếm có năm nào rét mướt như năm nay. Tuyết phủ trắng khiến những người nông dân lại nước mắt ngắn dài vì “đầu cơ nghiệp” đội nón ra đi theo những bọt tuyết tan. Thật may, cặp trâu của chị Hồ Thị Tím ở bản Séo Làn Than, phường Quyết Thắng (Lai Châu) vẫn khỏe mạnh. Chú nghé con mới sinh được gần tháng vẫn tung tăng chạy nhảy bởi mẹ con nó đang được sự bao bọc của cả gia đình chủ nhà. Chị Tím bộc bạch: “Phải chăm cẩn thận chứ. Đây là vốn liếng của cả gia đình tôi đấy, nó cũng là phần vốn vay ưu đãi”. Chị Tím cũng là một hộ nghèo tiêu biểu trong sử dụng vốn vay của NHCSXH. Năm 2010 chị được vay 30 triệu đồng từ chương trình vay vốn hộ nghèo. Có tiền, hai vợ chồng chị lặn lội hết huyện gần, xã xa mới chọn được con trâu. Từ ngày có trâu, hơn 1.000m2 ruộng của chị cứ thế mà “nở” ra thóc, ra gạo. Trước đây, do không có sức kéo, toàn bộ diện tích đó đều bỏ hoang, vợ chồng chị hết phụ hồ, xách vữa đến đào đất gánh đá thuê khắp thành phố hòng kiếm cái ăn, cái mặc. Đắp đổi lần hồi mãi mà quanh năm cứ đến tết vợ chồng lại nhìn nhau mắt đỏ rưng rức vì 4 đứa trẻ chẳng có nổi manh áo mới. Nhưng giờ cuộc sống đã khá hơn rất nhiều. Con trâu đã góp phần mang về mỗi vụ hơn chục bao thóc (có năm được mùa được đến 18 bao). Giấc mơ thoát nghèo chưa bao giờ đến gần hơn thế với gia đình chị khi cuối tháng 11 vừa qua, con trâu đã cho ra đời một chú nghé con trong sự mong chờ và vỡ òa hạnh phúc của gia đình chị. Chỉ còn khoảng 1 năm nữa là chị phải trả tiền cho NHCSXH, mặc dù hiện giờ tích cóp cũng chẳng được là bao nhưng nhìn chú nghé con tôi thấy trong mắt chị ngời lên sự lạc quan tin tưởng.

Ấm no nẩy mầm

Theo thống kê của NHCSXH, hiện nay tổng số hộ dư nợ trong chương trình vay hộ nghèo, hộ cận nghèo là hơn 26.600 hộ với hơn 512 tỷ đồng. Có thể hiểu con số này nghĩa là đã có hơn 26.000 hộ dân được cung cấp “cần câu” bắc cầu đến với sự ấm no. Điều đáng mừng là trong đó chỉ có khoảng 1% (hơn 5 tỷ đồng) là nợ xấu, nợ khó đòi, còn lại hơn 500 tỷ đồng kia đang sinh sôi nảy nở dưới bàn tay chăm bón của những hộ nghèo và sự quan tâm, trợ giúp đắc lực của cộng đồng, đặc biệt là những cán bộ NHCSXH. Ông Lê Xuân Hùng - Giám đốc NHCSXH tỉnh Lai Châu cho biết: “Mục đích hoạt động của NHCSXH là thực hiện các chính sách xã hội. Bởi vậy, gần như 100% các xã, phường, thị trấn của tỉnh đều có Điểm giao dịch, các tổ dân phố, khu dân cư có Tổ tiết kiệm và vay vốn, các hội, đoàn thể cũng trở thành một kênh ủy thác vay vốn. Không chỉ vậy, cán bộ tín dụng còn có trách nhiệm hướng dẫn bà con sử dụng đồng vốn làm sao cho hiệu quả, đúng mục đích. Bởi vậy, hầu như mỗi đồng vốn cho vay đều đến được đúng cái đích mà nó hướng đến”.

Năm nay, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí cũ của tỉnh chỉ còn có 21,94%, trong năm đã có khoảng 5% số hộ thoát nghèo. Điều này không chỉ có ý nghĩa với tỉnh mà còn mang lại ý nghĩa thực sự cho những mảnh đời khốn khổ. Trong sự quan tâm của Đảng, Nhà nước phải kể đến vai trò tích cực của NHCSXH tỉnh. Đồng vốn của họ cộng với công sức, khát khao của người dân đã mang đến những bữa tất niên mới, tươm tất hơn, vui tươi hơn và chắc chắn là bền vững hơn.

Bài và ảnh Dư Khánh Kiên

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác