Giúp đồng bào dân tộc thoát nghèo

31/12/2013
(VBSP News) Chỉ tính riêng chương trình cho vay hộ nghèo ở tỉnh Nghệ An trong 11 năm qua đã có tổng dư nợ đạt 2.004 tỷ đồng với 108.792 hộ vay còn dư nợ. Từ đầu năm 2013 đến nay, đã giải ngân cho 27.479 hộ nghèo vay 606 tỷ đồng.
Nhiều hộ nghèo ở Nghệ An nuôi bò sinh sản đạt hiệu quả

Nhiều hộ nghèo ở Nghệ An nuôi bò sinh sản đạt hiệu quả

Ông Hoàng Sơn Lam - Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng NHCSXH tỉnh Nghệ An cho biết: Từ nguồn vốn thu hồi nợ vay hằng năm khoảng 500 - 600 tỷ đồng, chi nhánh đã chủ động được nguồn vốn để cho vay. Hiệu quả từ nguồn vốn vay rất rõ rệt. Trước đây, các hộ dân nghèo vay vốn chủ yếu để chăn nuôi thì nay nhiều bà con đã đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa đa dạng.

Mấy năm nay, nhiều hộ nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng núi cao Kỳ Sơn phát triển kinh tế trang trại, trồng cây công nghiệp là một minh chứng về hiệu quả của nguồn vốn tín dụng ưu đãi.

Ở bản Hoa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn có ông Lương Văn Hoan là một điển hình về việc sử dụng vốn vay, vượt khó làm giàu. Năm 2009, ông Hoan được vay 15 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo để làm kinh tế. Ông tâm sự: “Trước đây gia đình chỉ quen lối canh tác “chọc lỗ tra hạt” trên nương rẫy, nên cuộc sống quanh năm thiếu thốn. Nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH, tôi mua 2 con bê về nuôi, dần dà nhen nhóm đã phát triển lên được 10 con bò. Đợt đầu tiên bán được 3 con, tôi đã trích số tiền để đầu tư làm chuồng trại, chăn nuôi đúng kỹ thuật. Cùng với chăm sóc đàn bò, tôi cũng dành công sức, tiền vốn trồng hơn 1ha cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn cho gia súc”. Hiện, ông Hoan đã tạo dựng cho mình một cơ ngơi trang trại tổng hợp có doanh thu khoảng 200 triệu đồng/năm.

Hay như mô hình kinh tế của ông Vừ Giả Mùa, dân tộc Mông ở bản Sơn Hà. Thông qua Hội Nông dân, năm 2010 ông Mùa đã vay 25 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH huyện Kỳ Sơn. Thời gian đầu do chưa có kinh nghiệm sản xuất nên ông Mùa gặp không ít khó khăn. Nhưng nhờ vừa làm vừa học hỏi lại được cán bộ khuyến nông hướng dẫn việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nên trang trại của ông không ngừng phát triển. Trên vùng đất đồi rộng chưa đến 1,5ha, ông đã biết cách xây dựng chuồng trại nuôi trâu, bò, lợn. Mặt khác, ông đã sử dụng vốn vay ưu đãi hợp lý mua cây, con giống tốt đầu tư thả cá trên diện tích mặt nước 1.000m2 và gieo trồng 3 sào lúa thơm. Đến nay, trang trại tổng hợp của ông có 10 con trâu, bò cùng với hồ cá, ruộng lúa, mỗi năm cho thu nhập trên 150 triệu đồng. Gia đình ông Mùa đã thoát nghèo và trả hết nợ cho ngân hàng trước kỳ hạn 4 tháng.

Ông Vừ Mà Chả - Phó Chủ tịch UBND xã Tà Cạ cho biết: Lâu nay người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề nương rẫy và ban đầu rất ngại vay vốn vì nhận tiền về chẳng biết làm gì ra ngô lúa. Nhưng được sự động viên, hướng dẫn của cán bộ tín dụng ngân hàng và các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương, bà con đã quyết định vay vốn ngân hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh, dần dần biết cách sử dụng vốn vay vào trồng trọt, chăn nuôi. Hiện nay, toàn xã Tà Cạ còn dư nợ của NHCSXH huyện trên 20 tỷ đồng, riêng vốn vay hộ nghèo là 16 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực như xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, chuyển đổi sản xuất từ tập quán cũ phá rừng làm nương rẫy sang trồng rau màu, bí xanh, chuối xuất khẩu.

Ông Phó Chủ tịch xã còn khẳng định: “Nguồn vốn của NHCSXH huyện Kỳ Sơn đã cho hộ nghèo vay, góp phần đắc lực giúp xã vùng cao biên giới chúng tôi phát triển mạnh về kinh tế, đời sống nhân dân được nâng cao, đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 61% (năm 2010) xuống còn 41% trong (năm 2013). Năm 2014, nhân dân xã Tà Cạ đề nghị NHCSXH tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn để thoát nghèo bền vững và hoàn thành chương trình xây dựng Nông thôn mới của địa phương.

Bài và ảnh Trần Đởng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác