Vượt khó trên vùng đầm phá
Vinh Hiền là một xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển theo Quyết định 106/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/6/2004. Trước đây, Vinh Hiền và 4 xã xung quanh chỉ có đò ngang là phương tiện giao thương, mùa mưa lũ thường xuyên bị cô lập. Từ khi có cầu Tư Hiền, việc đi lại đã thuận tiện hơn, trong đó có những chuyến “mang tiền Chính phủ” định kỳ hằng tháng của cán bộ NHCSXH về giao dịch tận xã để giảm chi phí và thời gian đi lại cho nhân dân.
Có mặt tại trụ sở UBND xã Vinh Hiền ngày giao dịch đầu năm mới, chúng tôi thấy được những khuôn mặt hồ hởi của người dân khi đón nhận nguồn vốn ưu đãi. Giám đốc NHCSXH huyện Phú Lộc, ông Nguyễn Phúc Khải cho biết, để kịp thời giải ngân nguồn vốn cho các đối tượng chính sách, vào các ngày giao dịch cố định hằng tháng ở xã, cán bộ NHCSXH luôn phải làm xuyên trưa, có khi chỉ kịp ăn gói mỳ tôm lót dạ. Ông Văn Đức Thọ - Phó giám đốc NHCSXH tỉnh vui vẻ xác nhận: “Có lẽ, lãng phí nhất của chúng tôi là mua đồng hồ, vì chỉ có làm hết việc chứ không có hết giờ”.
Nhờ có nguồn vốn kịp thời mà không phải thế chấp tài sản, lãi suất thấp, thủ tục lại đơn giản nên nhiều hộ gia đình đã có điều kiện phát triển kinh tế. Như hộ bà Huỳnh Thị Ngọt ở thôn Hiền Hòa 1, có chồng bị bệnh tâm thần, nhà thuộc diện cận nghèo, được vay 20 triệu đồng theo chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn để chăn nuôi lợn. Bà Ngọt phấn khởi cho biết năm 2013 xuất được 4 lứa, ngoài chi phí cho gia đình đến cuối năm vẫn đủ trả cả gốc lẫn lãi và trong chuồng vẫn còn 3 lợn con để tái đàn.
Cũng được vay 20 triệu đồng từ chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, hộ ông Nguyễn Ngọc Á và bà Nguyễn Thị Cam ở thôn Hiền Vân 2 lại đầu tư nuôi cá lồng trên đầm Cầu Hai, một trong những thế mạnh của xã bãi ngang. Hộ ông Á có 10 lồng cá mú, tổng trị giá khoảng 200 triệu đồng. Thu nhập từ nghề nuôi cá lồng cũng khá, cho lãi 5 - 6 triệu đồng/lồng/vụ nhưng rủi ro cao, nhất là về môi trường. Trước cơn bão số 11 vừa rồi ông, chỉ kịp bán 2 lồng, còn bị thiệt hại mất 2 lồng do nước lũ tràn về làm ngọt hóa dẫn đến cá chết. Tuy vậy, 6 lồng cá còn lại cũng hứa hẹn cho một cái Tết đủ đầy. Trước đây, chưa có chương trình vay vốn của NHCSXH, ông Á phải thế chấp sổ đỏ để vay Ngân hàng thương mại với lãi suất 17%/năm (gần gấp đôi lãi suất NHCSXH) nên giờ ông chỉ mong có thêm vốn vay ưu đãi để phát triển nghề nuôi cá lồng.
Cùng xóm với ông Á, bà Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Nguyễn Thị Thanh Tâm lại dùng vốn vay để đầu tư cho nghề làm mắm, tôm chua… Bà Tâm cho biết, nhờ có các chương trình vay vốn chính sách thì bà con mới tiếp cận được vốn để phát triển kinh tế và đã có nhiều hộ thoát nghèo.
Tiếp chúng tôi ở trụ sở UBND xã, ông Nguyễn Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền cũng khẳng định, việc bình chọn các hộ vay được thực hiện dân chủ từ cơ sở, theo đúng tiêu chí nên nguồn vốn NHCSXH trên địa bàn đã phát huy hiệu quả. Tổng dư nợ của toàn xã hiện xấp xỉ 8,3 tỷ đồng nhưng nợ quá hạn rất ít. Nguồn vốn ưu đãi này đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ hơn 13% (năm 2010) xuống còn 8,23% hiện tại và xã phấn đấu đến năm 2015 giảm tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 5%.
Nguyên Khôi
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Giúp đồng bào dân tộc thoát nghèo
- » Nỗ lực của cán bộ tín dụng vùng biên
- » Đổi thay vùng đất bưng biền
- » Người CCB chuyển vốn ưu đãi tới hộ nghèo
- » “Trợ lực” cho người nghèo ở Hậu Giang
- » Vùng cao Sơn Động ngày cuối năm
- » Xã khó khăn Đăk Môn đang đổi thay từng ngày
- » Giấc mơ đại ngàn
- » Những “triệu phú chân đất” ở Bảo Thắng
- » Nông dân Đắk Lắk vượt khó làm giàu