Chuyển biến mới ở Hậu Giang
Chất lượng tín dụng của NHCSXH được xác định bằng các tiêu chí, như: vốn cho vay đến đúng đối tượng, đúng chính sách, tiền được giải ngân đến tận tay người vay, gắn cho vay với việc áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, kinh doanh; đạt tỷ lệ thu lãi trên số lãi phải thu theo quy định cho từng thời kỳ; tỷ lệ nợ quá hạn dưới mức cho phép. Đây là việc làm không đơn giản. Bởi lẽ, vốn vay nhỏ lẻ, số hộ vay nhiều. Ông Trần Thành Lập - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh: “Các ngành, các cấp phải tăng cường quán triệt quan điểm: tín dụng chính sách là giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững. Vì vậy, cần ra sức thực hiện có hiệu quả chính sách này, đó không chỉ là trách nhiệm của NHCSXH mà đòi hỏi trách nhiệm và sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, các hội, đoàn thể nhận ủy thác, các Tổ tiết kiệm và vay vốn và của chính hộ vay vốn trong quá trình sử dụng vốn vay và thực hiện nghĩa vụ trả nợ với ngân hàng”…
Bà Lê Thị Hiếu Dân - Chi hội trưởng phụ nữ ấp Tân Thành Tây, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, chia sẻ kinh nghiệm: “Trong chi hội có 5 Tổ tiết kiệm và vay vốn, với 176 tổ viên, tổng số tiền các tổ viên vay trên 1 tỷ đồng. Để giúp hộ vay vốn làm ăn có hiệu quả và thu hồi vốn, lãi tốt, chi hội đã thực hiện các giải pháp, như: mỗi tháng, các Tổ tiết kiệm và vay vốn họp với tổ viên 1 lần, có tổ họp 3 lần. Trong các buổi họp, các Tổ trưởng chọn những mô hình làm ăn có hiệu quả, cách làm hay giới thiệu cho tổ viên học tập và làm theo; thường xuyên nhắc nhở tổ viên trong việc sử dụng vốn vay, trả lãi, dành dụm tiền gửi tiết kiệm hằng tháng. Nhờ đó, trong chi hội có nhiều hộ dân làm ăn vươn lên thoát nghèo bền vững. Cá biệt, có nhiều hộ đã giàu lên, thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng/năm; việc thu lãi khá tốt, đạt trên 95%, tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1%”.
Ông Phan Trung Nhã - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Hội CCB khu vực 4, phường 1, TP. Vị Thanh, bộc bạch tâm sự mang đậm chất “bộ đội cụ Hồ”: “Khi đã cùng ngân hàng chung tay vì công tác xã hội, được ngân hàng ủy nhiệm trong việc bình xét, theo dõi và quản lý nợ vay, thì chúng tôi phải có tinh thần trách nhiệm cũng như là một cán bộ của ngân hàng. Phía ngân hàng đã hỗ trợ và tập huấn kiến thức, nghiệp vụ giúp cho chúng tôi nắm vững quy trình nghiệp vụ cho vay, phương pháp kiểm tra giám sát, biết cách ghi chép, quản lý sổ sách theo dõi hộ vay, nhờ đó giúp cho việc quản lý vốn vay ngày một tốt hơn”.
Để nâng cao chất lượng tín dụng, mà khâu đột phá đầu tiên là nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, ngay từ đầu năm 2013, NHCSXH tỉnh Hậu Giang đã phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể nhận ủy thác tổ chức kiện toàn, sắp xếp, củng cố các Tổ tiết kiệm và vay vốn theo hướng các tổ viên ở trong cùng cụm dân cư liền kề và kiên quyết thay đổi các Tổ trưởng thiếu nhiệt huyết, không đủ uy tín, năng lực; đồng thời, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho Ban quản lý tổ. Kết quả, các tổ xếp loại tốt, khá được nâng lên, không còn tổ yếu; qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng, tiền huy động tiết kiệm của tổ viên tăng lên. Tại huyện Châu Thành, từ tháng 5/2013, số nợ quá hạn của NHCSXH huyện chỉ còn 1,31%, giảm 1,82% so với đầu năm, mục tiêu phấn đấu hết năm 2013 giảm xuống còn 1%… Phó giám đốc NHCSXH huyện Châu Thành A, ông Nguyễn Hữu Danh, cho biết: số lượng Tổ tiết kiệm và vay vốn năm 2013 tăng hơn năm 2012 là 8 tổ; trong đó có 156 tổ tốt, chiếm 46,8% tổng số tổ hiện có. Trên phạm vi toàn tỉnh, tính đến nay, NHCSXH tỉnh Hậu Giang đã thành lập được trên 2.300 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại 526 ấp, khu vực; trong đó, có 1.388 tổ xếp loại tốt, 751 tổ xếp loại khá, 168 tổ xếp loại trung bình. Với tổng dư nợ cho vay của 14 chương trình tín dụng đạt 1.296 tỷ đồng, hoàn thành 99,17% kế hoạch năm 2013; nợ quá hạn còn 23 tỷ đồng (tỷ lệ 1,79%), giảm 11 tỷ đồng so với cuối năm 2012. Số dư tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn huy động trên 20 tỷ đồng.
Năm 2013 là một năm đánh dấu chuyển biến tích cực của NHCSXH tỉnh Hậu Giang: tập trung mọi nguồn lực, hoàn thành tốt kế hoạch giải ngân các chương trình tín dụng, chất lượng tín dụng được nâng lên; cùng với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Bài và ảnh Vọng Phố
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tín dụng HSSV mở đường cho nữ sinh nghèo
- » Nam Định với chương trình cho hộ nghèo vay làm nhà ở
- » Nhà mới, phố mới cho cộng đồng nghèo nông thôn
- » “Chiếc cần câu” bắc cầu no ấm
- » Vượt khó trên vùng đầm phá
- » Giúp đồng bào dân tộc thoát nghèo
- » Nỗ lực của cán bộ tín dụng vùng biên
- » Đổi thay vùng đất bưng biền
- » Người CCB chuyển vốn ưu đãi tới hộ nghèo
- » “Trợ lực” cho người nghèo ở Hậu Giang