Góp phần thúc đẩy nhanh chương trình giảm nghèo

08/01/2014
(VBSP News) Năm 2013, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh Vĩnh Long đã triển khai nhiều giải pháp và huy động nguồn lực thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,81% (theo tiêu chí giai đoạn 2011 - 2015) trong đó nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần tạo đòn bẩy thúc đẩy nhanh chương trình giảm nghèo.
Phát triển trồng rau hướng thoát nghèo mới của người dân tại Vĩnh Long

Phát triển trồng rau hướng thoát nghèo mới của người dân tại Vĩnh Long

Hộ gia đình chị Kim Thị U ở ấp Phù Ly II, xã Đông Bình, TX. Bình Minh có nghề làm cốm dẹp. Đây là nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer đã thu hút hơn 50 hộ ở ấp Phù Ly II sản xuất. Từ nguyên liệu nếp được bà con mua về ngâm, rang và giã cho ra đặc sản cốm dẹp có hương vị đậm đà, dẻo thơm. Do sản xuất quanh năm nên bà con cần nguồn vốn để dự trữ nguyên liệu nếp, nhiều hộ không có vốn nên không chủ động được sản xuất cung ứng cho thị trường. Để phát triển nghề truyền thống tạo việc làm cho lao động nữ vùng nông thôn, Hội Phụ nữ xã Đông Bình thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn cho các hộ làm cốm có nhu cầu cần vốn. Được vay 10 triệu đồng, hộ chị Kim Thị U có vốn chủ động mua nguyên liệu nếp, sản phẩm cốm dẹp làm ra nhiều hơn, chị mở rộng cung ứng cho các chợ trong vùng. Cùng với hộ gia đình chị Kim Thị U, nhiều hộ khác ở Phù Ly II được hỗ trợ vốn phát triển nghề sản xuất cốm dẹp, tăng thêm thu nhập, nhiều lao động có thêm nghề phụ trong lúc nông nhàn, không phải đi làm thuê, làm mướn ở các tỉnh xa.

Còn gia đình chị Đoàn Thị Nhị với 5 nhân khẩu là hộ khó khăn ở ấp Đông Thạnh C, xã Đông Thạnh, TX. Bình Minh. Được hỗ trợ từ chương trình cho vay hộ nghèo, chị Nhị phát triển mô hình nuôi lợn thịt và nuôi lợn sinh sản. Nhờ được tham gia các lớp tập huấn trang bị kiến thức về chăn nuôi nên mô hình nuôi lợn của chị phát triển rất hiệu quả, hàng năm chị bán từ 2 - 3 đợt, thu lợi nhuận từ 60 - 80 triệu đồng, qua đó gia đình chị thoát nghèo, xây dựng nhà ở khang trang và lo cho 2 con ăn học.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Phó giám đốc NHCSXH tỉnh Vĩnh Long, nguồn vốn tín dụng chính sách trong năm 2013 đã tạo điều kiện cho hộ nghèo được vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tăng thêm thu nhập cho gia đình, qua đó đã có gần 3.000 hộ thoát nghèo, hàng nghìn hộ nghèo tránh được cảnh đi vay “nặng lãi”, hàng chục nghìn hộ làm ăn có hiệu quả, đời sống gia đình được nâng lên, mua sắm thêm phương tiện sản xuất và tích lũy được vốn.

Thực hiện Đề án nâng cao chất lượng tín dụng, NHCSXH tỉnh Vĩnh Long đã củng cố và kiện toàn 3.080 Tổ tiết kiệm và vay vốn, qua đó có 91% tổ đạt chất lượng khá tốt, không còn tổ yếu kém, hình thành mạng lưới hoạt động tín dụng chính sách ở cơ sở bền vững. Thông qua mạng lưới các Tổ tiết kiệm và vay vốn, các chương trình tín dụng ưu đãi được tuyên truyền đến hộ dân, thực hiện dân chủ, công khai, đảm bảo vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng, phát huy hiệu quả sử dụng vốn theo đúng mục tiêu đặt ra.

Ông Hùng cho biết thêm, khó khăn hiện nay trong thực hiện chương trình tín dụng chính sách là việc xác định đối tượng hộ nghèo trong những năm qua còn bất cập so với thực trạng hộ nghèo ở địa phương, danh sách hộ nghèo không được cập nhật kịp thời gây khó khăn cho việc thực hiện tín dụng chính sách của Nhà nước. Việc nâng mức cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp khó khăn vì những hộ vay trên địa bàn tỉnh hiện nay phần lớn sống bằng nghề buôn bán nhỏ lẻ hoặc chăn nuôi gia súc, gia cầm với số lượng ít không có nhu cầu vay vốn lớn hoặc một số hộ có nhu cầu nâng suất đầu tư nhưng không có phương án làm ăn rõ ràng nên không được các hội, đoàn thể và chính quyền địa phương đồng ý xét duyệt, NHCSXH không thể cho vay được.

Năm 2014, NHCSXH tỉnh Vĩnh Long tiếp tục tăng cường phối hợp với các hội, đoàn thể hướng dẫn hộ vay vốn xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh rõ ràng, sử dụng vốn vay đúng mục đích; kết hợp với chính quyền địa phương thực hiện bình xét cho vay căn cứ vào mục đích, nhu cầu vốn, thời hạn cho vay phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh của vật nuôi, cây trồng để nâng cao hiệu quả đồng vốn tín dụng. Cùng với tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ để nâng cao kỹ năng quản lý vốn cho cán bộ hội và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, NHCSXH tỉnh Vĩnh Long tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng họp giao ban định kỳ với các hội, đoàn thể các cấp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chương trình tín dụng chính sách ở cơ sở, từng bước đưa hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách đi vào nề nếp và hiệu quả, thực hiện mục tiêu năm 2014 giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Vĩnh Long xuống còn 1,5% theo tiêu chí hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2011 - 2015, góp phần thực hiện an sinh xã hội trên địa bàn.

Bài và ảnh Huỳnh Kim Phượng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác