Tín hiệu vui từ “trang trại việc làm”
Gia đình anh Hoàng Văn Chỉnh ở xã Rá Bản, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) được vay 100 triệu đồng vốn ưu đãi giải quyết việc làm đã đầu tư cải tạo 3ha đất đồi và ven đồi thành ao nuôi cá, nuôi lợn rừng. Bản tính chịu khó của gia đình anh đã biến gia đình thành một trang trại khép kín với ao nuôi cá, khu trồng cây ăn quả, khu trồng cây lấy gỗ và gần 50 con lợn rừng, khiến ai cũng đều tấm tắc khen ngợi.
Với những tiếng gọi quen thuộc, cả đàn lợn đang kiếm ăn trên đồi đã ào ào chạy về như nói thay cho lời gia chủ về hiệu quả của mô hình nuôi, trồng khép kín. Anh Chỉnh nói: “Gia đình tôi trước đây đã được vay 30 triệu đồng từ chương trình hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, khi đến hạn đã trả hết vốn và lãi cho ngân hàng, tôi được vay tiếp 100 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm. Nguồn vốn ít trước đây chỉ để cải tạo ao nuôi cá, trồng ít cây ăn quả, sau được vay thêm nhiều hơn đã đầu tư mua lưới thép quây hơn 2ha đồi nuôi lơn rừng. Đàn lợn rừng này khởi đầu từ 2 đôi lợn bố mẹ nay đã có gần 50 con rồi, đồng vốn ưu đãi này đã thực sự giúp gia đình tôi thay đổi nhiều…”.
10 chương trình cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác của NHCSXH tỉnh Bắc Kạn trong những năm qua đã có những tác động sâu sắc đến sự phát triển kinh tế, góp phần quan trọng cho sự nghiệp giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương. Theo thống kê của NHCSXH huyện Chợ Đồn, dư nợ cho vay chương trình giải quyết việc làm trên địa bàn huyện trong hơn 10 năm qua là hơn 7 tỷ đồng, với 790 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình được vay vốn, thu hút và tạo việc làm mới cho 865 lao động.
Trong khi đó, ở huyện Ba Bể - một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Bắc Kạn với tỷ lệ hộ nghèo hiện là 26,5%, chương trình cho vay giải quyết việc làm đã tác động mạnh mẽ tới các hộ gia đình thụ hưởng chính sách ưu đãi. Toàn huyện đã có 954 hộ gia đình và cơ sở được vay chương trình giải quyết việc làm với dư nợ hơn 5,5 tỷ đồng, thu hút và tạo việc làm cho 1.114 lao động. Mô hình của hộ gia đình anh Nông Văn Thẩm, La Văn Tuân ở thôn Bản Cám, xã Nam Mẫu là ví dụ về việc phát triển kinh tế bền vững từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm, khi vay 20 triệu đồng đầu tư mua xuồng chở khách, vừa có việc làm, vừa có thu nhập ổn định. Còn gia đình anh Nguyễn Công Toàn ở tiểu khu 4, thị trấn Chợ Rã vay 90 triệu đồng mở xưởng cơ khí thu hút gần 10 lao động thường xuyên.
Đánh giá về hiệu quả chương trình cho vay giải quyết việc làm, Giám đốc NHCSXH tỉnh Bắc Kạn Trần Xuân Lễ cho biết: “Nhờ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đã giúp hàng nghìn lao động có thêm việc làm, nhiều hộ gia đình, cơ sở sản xuất có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh, qua đó làm thay đổi đáng kể diện mạo kinh tế hàng hóa ở nông thôn”. Ông Lễ cũng không khỏi băn khoăn vì nguồn vốn cho chương trình này còn chừng mực mà nhu cầu trên địa bàn còn cao nên nhiều gia đình vẫn gặp khó khăn về vốn trong việc mở rộng quy mô mô hình để phát triển bền vững. Vì thế, để chương trình cho vay giải quyết việc làm có tác dụng hơn, hiệu quả hơn nữa rất cần thêm nguồn vốn và mức vay cao hơn để tạo điều kiện thêm nhiều gia đình, cơ sở vươn lên làm giàu, tạo việc làm cho lao động địa phương vốn khó khăn về địa hình, cơ sở vật chất và trình độ dân trí.
Trần Việt
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Năm 2014, NHCSXH tỉnh Bắc Giang phấn đấu tăng trưởng từ 5 - 7%
- » Chắp cánh những ước mơ
- » Để Yên Bái giảm nghèo bền vững
- » Cùng chung xây dựng cuộc sống mới
- » Vốn tín dụng chính sách giúp thanh niên dân tộc thoát nghèo
- » Góp phần thúc đẩy nhanh chương trình giảm nghèo
- » Tự tin thoát nghèo bền vững
- » Nước sạch đã về với người dân vùng nông thôn tỉnh Hải Dương
- » Chuyển biến mới ở Hậu Giang
- » Tín dụng HSSV mở đường cho nữ sinh nghèo