Chắp cánh những ước mơ

14/01/2014
(VBSP News) Tính đến hết năm 2013, doanh số cho vay Chương trình tín dụng HSSV được NHCSXH tỉnh Hà Nam thực hiện đã lên tới hơn 76 tỷ đồng, tổng dư nợ gần 435 tỷ đồng, với 22.141 khách hàng còn dư nợ. Từ chương trình này, hàng nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn trong toàn tỉnh đã thực hiện được ước mơ học đại học.
Phụ huynh HSSV nhận vốn vay ngay tại Điểm giao dịch

Phụ huynh HSSV nhận vốn vay ngay tại Điểm giao dịch

“Phao cứu sinh” của sinh viên nghèo

Huyện Lý Nhân có 23 xã, thị trấn, với dân số trên 176.000 người. Năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn tới 12,53%, tỷ lệ cận nghèo 8,14%, thu nhập bình quân đạt 11 triệu đồng/người. Hằng năm, huyện có từ 1.400 - 1.600 học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp (THCN) và học nghề. Trong số đó, có nhiều học sinh là con em gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trước khi có Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV, nhiều em thi đỗ đại học, cao đẳng, THCN và dạy nghề nhưng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn đã không thể tiếp tục đi học mà ở nhà làm lao động phổ thông. Để có tiền cho con ăn học, nhiều gia đình phải vay ở bên ngoài với lãi suất cao, cuộc sống khó khăn lại càng thêm vất vả.

Quyết định 157 đã tháo gỡ khó khăn về kinh tế cho các hộ nghèo, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn để con em họ được tiếp tục theo đuổi ước mơ lập thân, lập nghiệp. Ông Ngô Mạnh Ngọc - Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Lý Nhân, cho biết: “Sau 6 năm thực hiện có thể khẳng định đây là chủ trương, chính sách lớn, phù hợp với nguyện vọng của đông đảo nhân dân, tạo điều kiện cho hàng nghìn HSSV khó khăn có cơ hội thực hiện ước mơ của mình, từ đó bố mẹ các em cũng phần nào bớt khó khăn về kinh tế”.

Bà Phạm Thị Hồng Hạnh - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Kim Bảng, bộc bạch: Trước đây, không ít gia đình nghèo vừa miệng vừa lo khi nhận được giấy báo con em mình thi đỗ đại học, cao đẳng. Vui vì bao nhiêu năm đèn sách nay con đã đỗ đạt, song đan xen niềm vui là sự lo lắng về kinh phí cung cấp cho con ăn học. “Chương trình này thể hiện tính nhân văn sâu sắc, đi vào lòng dân. Đặc biệt là với đối tượng hộ nghèo. Chương trình góp phần làm giảm sức ép nỗi lo âu của các bậc làm cha, làm mẹ khi không có điều kiện về tài chính lo cho các con ăn học. Có thể nói, Chương trình tín dụng đối với HSSV đã góp phần đáng kể thúc đẩy phát triển sự nghiệp giáo dục đảm bảo an sinh xã hội, là “phao cứu sinh” trợ giúp  đắc lực và chắp cánh cho các thế hệ trẻ bay tới tương lai”, bà Hồng nhấn mạnh.

Khi ước mơ được chắp cánh

Gia đình ông Trần Văn Thường ở xã Vũ Bản, huyện Bình Lục là một trong những hộ sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng HSSV. Ông Thường là cán bộ quân đội nghỉ hưu. Từ năm 2003 - 2011, gia đình ông có tới 3 người con ăn học. Điều kiện gia đình làm nông nghiệp vất vả là vậy, bản thân ông lại là bệnh binh, sức khỏe không ổn định nên để có tài chính lo cho các con ăn học là rất khó khăn.

Những năm đầu, do chắt chiu, tiết kiệm được ít vốn nên người con đầu đi học ông không phải vay tiền bên ngoài. Nhưng khi người con thứ hai, thứ ba lần lượt đậu đại học, dù cảm thấy vui mừng nhưng ông Thường lại rất lo lắng về khoản kinh phí để các con ăn học. Trong lúc khó khăn, Chương trình tín dụng HSSV như chiếc “phao cứu sinh”, giúp các con ông tiếp tục được thực hiện ước mơ của mình. Ông Thường tâm sự: “Số tiền gia đình vay của NHCSXH huyện Bình Lục đã lên tới 52 triệu đồng. Năm 2010, hai con học xong ra trường, có việc làm ổn định nên cùng tôi trả được 24 triệu đồng. Thú thật nếu không có nguồn vốn ưu đãi, thì gia đình không biết lấy đâu ra một khoản tiền lớn như vậy để nuôi các con ăn học”.

Cũng nhờ nguồn vốn của NHCSXH mà 3 người con của gia đình ông Nguyễn Quốc Toản ở xã Thanh Phong, huyện Thanh Liêm, đã thực hiện được ước mơ học đại học, đến nay đã ra trường, có việc làm ổn định, giúp bố mẹ trả nợ ngân hàng. “Từ năm 2003 - 2012, nhà tôi có 3 cháu lần lượt đỗ đại học. Gia đình làm nông nghiệp nên mỗi lần các cháu về xin tiền ăn học là vợ chồng tôi lại phải vay mượn khắp nơi. Để có thêm thu nhập, gia đình đã tăng gia sản xuất song vẫn không đủ nền chu cấp cho các con. Trong lúc khó khăn, cuối năm 2010, gia đình được tiếp cận nguồn vốn HSSV, tôi đăng ký và được ngân hàng cho vay, giúp  các cháu yên tâm tới trường. Hiện hai cháu đầu ra trường có việc làm và trả tiền vốn cho ngân hàng được 12 triệu đồng”, ông Toàn tâm sự.

Bà Lê Thị Tuyết - Phó giám đốc NHCSXH tỉnh Hà Nam, cho biết: “Hiện tổng dư nợ đạt gần 435 tỷ đồng, với 22.141 hộ vay. Trước đây, khi chưa có Chương trình tín dụng HSSV, trong tỉnh vẫn còn các em thi đậu đại học, cao đẳng nhưng vì kinh tế khó khăn mà không được tới trướng nhưng nay tình trạng này không còn nữa. Từ nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, hàng nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn đã thực hiện được ước mơ của mình”.

Hoàng Văn

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác