Để Yên Bái giảm nghèo bền vững
Xác định giảm nghèo là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua Yên Bái đã có nhiều giải pháp, chính sách được tích cực triển khai, như: đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn theo chương trình, dự án, các chính sách hỗ trợ về kinh tế, cung cấp tín dụng ưu đãi, hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề, hướng dẫn người dân cách làm ăn… Nhằm đạt tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, đề án giảm nghèo 2012 - 2015 như một cú hích quan trọng, huy động sức mạnh toàn xã hội vào công cuộc giảm nghèo, đẩy mạnh tốc độ giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống hộ nghèo, hộ cận nghèo. Năm 2012 - năm đầu thực hiện đề án, toàn tỉnh Yên Bái có 4.650 hộ thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,3%, từ 32,53% (năm 2011) giảm xuống còn 29,23%. Năm 2013, toàn tỉnh có trên 6.300 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 25,38% (vượt 0,35% so với kế hoạch), giảm 3,85% so với năm 2012.
Đến nay, trên địa bàn Yên Bái 100% xã, phường, thị trấn đều tổ chức thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo từ nguồn vốn của NHCSXH để phát triển sản xuất. Năm 2012, tổng nguồn lực huy động cho chương trình giảm nghèo của tỉnh đạt trên 2.556 tỷ đồng; năm 2013 tăng lên 2.618 tỷ đồng (đạt 107,9% kế hoạch), trong đó: vốn chủ yếu từ NHCSXH (trên 1.524 tỷ đồng), ngân sách Trung ương. Nguồn kinh phí này đã tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình, với mức vay bình quân 17 - 20 triệu đồng/hộ; đào tạo nghề cho lao động, hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ CCB khó khăn về nhà ở, cấp phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho các đối tượng, hỗ trợ HSSV được miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập.
Gia đình ông Nguyễn Thế Hùng ở thôn Hòa Quân, xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, với 4 nhân khẩu lâu nay chỉ dựa vào vài sào ruộng, nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2012, thông qua Hội Nông dân ông được vay 30 triệu đồng từ NHCSXH. Với số tiền này ông đã xây dựng chuồng trại, mua 1 chiếc xe trâu và 2 con trâu đẻ lấy sức kéo. Hằng ngày, ông nhận chở thuê hàng hóa, vật liệu xây dựng cho các hộ trong thôn, trong xã. Từ đó, gia đình có nguồn thu nhập ổn định, trang trải cuộc sống thường ngày. Hết năm 2013, ông Hùng tuyên bố gia đình ông đã thoát nghèo bền vững.
Ngoài việc hướng dẫn người vay sử dụng đồng vốn hiệu quả, Yên Bái chú trọng chuyển giao các tiến bộ KHKT cho người nghèo. Các mô hình giảm nghèo đã được nhân rộng, góp phần giúp bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp. Trong 3 năm 2011 - 2013, toàn tỉnh đã triển khai dự án chăn nuôi lợn nái sinh sản cho hộ nghèo, thuộc 30 xã của 6 huyện Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn, Lục Yên và TX. Nghĩa Lộ. Đã có 669 hộ nghèo tham gia dự án, với tổng kinh phí 2,5 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Hiện nay, mô hình này đang được triển khai tích cực ở cơ sở và có kết quả khả quan.
Tuy nhiên, trước thềm năm mới 2014 và những năm tiếp theo, Yên Bái vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong công cuộc xóa nghèo, như tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo và tình trạng tái nghèo còn cao. Chỉ nói riêng huyện Trấn Yên, năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo là 27,48%; năm 2012 giảm xuống 25,95%, nhưng cũng trong năm đó có tới 679 hộ nghèo mới phát sinh, với những nguyên nhân, như: thiếu đất sản xuất, thiếu vốn, thiếu kiến thức làm ăn, ốm đau, tệ nạn… “Nỗi buồn” này không riêng của huyện Trấn Yên mà là tình trạng chung của các huyện ở Yên Bái.
Để giảm nghèo bền vững, tỉnh Yên Bái đề ra một số giải pháp: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với công tác xóa nghèo; giảm nghèo gắn với công tác đào tạo nghề, tạo việc làm; hỗ trợ hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi, nhân rộng các mô hình giảm nghèo; hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, thực hiện các hoạt động bảo trợ xã hội đối với người nghèo…
Bài và ảnh Quốc Vũ
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Cùng chung xây dựng cuộc sống mới
- » Vốn tín dụng chính sách giúp thanh niên dân tộc thoát nghèo
- » Góp phần thúc đẩy nhanh chương trình giảm nghèo
- » Tự tin thoát nghèo bền vững
- » Nước sạch đã về với người dân vùng nông thôn tỉnh Hải Dương
- » Chuyển biến mới ở Hậu Giang
- » Tín dụng HSSV mở đường cho nữ sinh nghèo
- » Nam Định với chương trình cho hộ nghèo vay làm nhà ở
- » Nhà mới, phố mới cho cộng đồng nghèo nông thôn
- » “Chiếc cần câu” bắc cầu no ấm