Lạng Sơn củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn
Theo ông Phan Anh Thắng - Giám đốc NHCSXH huyện Bắc Sơn, năm 2013, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện nguồn vốn tăng trưởng 14,5 tỷ đồng, trong đó: chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo là chủ yếu, chiếm 12,4 tỷ đồng. Tăng vốn, thêm chương trình cho vay, nhưng đến hết tháng 11/2013 NHCSXH huyện Bắc Sơn đã thực hiện được 99,7% chỉ tiêu kế hoạch được giao, với tổng dư nợ tín dụng ưu đãi đạt 211 tỷ đồng, hơn 10.000 khách hàng còn dư nợ. Bên cạnh công tác cho vay, công tác thu nợ để cho vay quay vòng không để tồn đọng gây lãng phí vốn cũng được đơn vị quan tâm thu lãi đạt gần 100%, đặc biệt nợ quá hạn giảm trên 80 triệu đồng so với 31/12/2012.
Cùng với công tác tuyên truyền và thực hiện cho vay kịp thời đến đúng địa chỉ, đúng đối tượng thụ hưởng, NHCSXH huyện Bắc Sơn thường xuyên quan tâm đến công tác củng cố, kiện toàn các Tổ tiết kiệm và vay vốn, bằng các biện pháp rà soát, đánh giá thực chất hoạt động của các tổ, để xây dựng kế hoạch tập huấn nghiệp vụ… Đối với những tổ còn yếu về năng lực và trách nhiệm, ngân hàng phối hợp với các hội, đoàn thể nhận ủy thác tiến hành bầu chọn, thay đổi Tổ trưởng mới, củng cố lại Ban quản lý tổ. Năm 2013, NHCSXH huyện Bắc Sơn đã kiện toàn 100% Tổ tiết kiệm và vay vốn (276 tổ) trên địa bàn. Sau kiện toàn, chất lượng hoạt động của tổ đạt loại khá, tốt được nâng lên, chỉ còn 2,1% số tổ xếp loại trung bình, không có tổ yếu kém.
Khác với huyện Bắc Sơn, huyện Cao Lộc từ năm 2000 - 2012 tỷ lệ nợ quá hạn tăng lên, nhiều xã có tỷ lệ nợ quá hạn từ 1% trở lên. Trước thực trạng đó, NHCSXH huyện Cao Lộc đã xây dựng phương án củng cố nâng cao chất lượng tín dụng tại những xã có tỷ lệ nợ quá hạn cao, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người vay trả nợ, trả lãi đúng thời hạn. NHCSXH huyện đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã, các hội, đoàn thể nhận ủy thác cùng vào cuộc và tập trung xử lý các xã có nợ quá hạn cao, chất lượng tín dụng chưa tốt. Do có sự phối hợp chặt chẽ, sâu sát với cơ sở, đánh giá sát thực tế nên mặc dù mới thực hiện từ tháng 6/2013 nhưng kết quả mang lại khả quan. Nợ quá hạn của các xã giảm nhanh chóng: xã Phú Xá chỉ còn 1%, Thụy Hùng 1,8% và Xuân Long còn 1,3%. Ngoài ra, ngân hàng cũng đang tiếp tục tự củng cố, kiện toàn các Tổ tiết kiệm và vay vốn đối với các xã có nợ quá hạn trên 1%, như xã Bảo Lâm, Hồng Phong.
Ngoài việc xây dựng phương án đối với các xã có nợ quá hạn cao, NHCSXH huyện Cao Lộc cũng luôn quan tâm đến việc kiện toàn Tổ tiết kiệm và vay vốn theo Quyết định 15 của Chủ tịch HĐQT NHCSXH. Trong năm NHCSXH huyện đã phối hợp cùng các tổ chức nhận ủy thác, triển khai kiện toàn Ban quản lý tổ và tiến hành tập huấn về nghiệp vụ cho 258 tổ đạt 100% kế hoạch. Chị Mai Thị Thúy - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn khối 6, thị trấn Cao Lộc, chia sẻ: Công tác quản lý vốn không còn khó khăn như những năm trước, nhưng để quản lý vốn tốt đòi hỏi người Tổ trưởng phải có tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm cao. Hiện nay, Tổ tiết kiệm và vay vốn do chị Thúy quản lý có 53 tổ viên, dư nợ hơn 1,3 tỷ đồng. Do quản lý chặt chẽ, nên nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, vốn vay chủ yếu đầu tư vào trồng rừng, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ. 5 năm qua tổ không phát sinh nợ quá hạn, không có lãi tồn đọng. Trước năm 2010, tổ có đến hàng chục hộ nghèo, nhưng hiện nay chỉ còn duy nhất 1 hộ nghèo. Cuối năm 2013, toàn chi nhánh có 1.400 tổ quản lý tốt nguồn vốn vay, trong tổng số 2.780 Tổ tiết kiệm và vay vốn, chiếm 50,4%, tăng khoảng 8% so với năm 2012. Những tổ hoạt động tốt, quản ký hiệu quả nguồn vốn vay là tổ không có nợ xâm tiêu, không có nợ quá hạn; trả nợ, trả lãi đúng theo kỳ, các tổ viên sử dụng vốn có hiệu quả. Ông Vương Văn Minh - Phó giám đốc NHCSXH tỉnh Lạng Sơn, cho biết: Hiện nay, ngân hàng đang cho vay 10 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ đạt trên 1.700 tỷ đồng, hơn 70.000 khách hàng còn dư nợ. Hằng năm, nguồn vốn đã giúp hàng nghìn hộ có vốn sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Hiệu quả đó có sự phối hợp giữa NHCSXH và các hội, đoàn thể nhận ủy thác, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự cố gắng, nhiệt tình của các Tổ tiết kiệm và vay vốn… Cũng từ đó, chất lượng tín dụng được nâng cao, đảm bảo an toàn nguồn vốn, phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế, góp phần xóa nghèo và thực hiện an sinh xã hội trên địa bàn.
Bài và ảnh Quốc Khánh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Đưa vốn chính sách lên miền núi
- » Tín hiệu vui từ “trang trại việc làm”
- » Năm 2014, NHCSXH tỉnh Bắc Giang phấn đấu tăng trưởng từ 5 - 7%
- » Chắp cánh những ước mơ
- » Để Yên Bái giảm nghèo bền vững
- » Cùng chung xây dựng cuộc sống mới
- » Vốn tín dụng chính sách giúp thanh niên dân tộc thoát nghèo
- » Góp phần thúc đẩy nhanh chương trình giảm nghèo
- » Tự tin thoát nghèo bền vững
- » Nước sạch đã về với người dân vùng nông thôn tỉnh Hải Dương