Mùa xuân no ấm về tận vùng cao
Lãnh đạo NHCSXH tỉnh Tuyên Quang cũng nhận xét: Trong năm 2013, ngân hàng đã thực hiện hiệu quả nhiều chỉ tiêu tín dụng chính sách đề ra. Cụ thể, với tổng dư nợ đến hết năm 2013 đạt 1500 tỷ đồng, tăng hơn 150 tỷ đồng so với năm trước. Với kết quả đầu tư tín dụng ưu đãi của Nhà nước, NHCSXH đã đáp ứng nhu cầu vốn, cho trên 11.527 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách để SXKD, xây dựng các công trình NS&VSMTNT, tạo việc làm cho hơn 17.000 lao động và cung cấp tài chính chi phí học tập cho hàng vạn HSSV có hoàn cảnh khó khăn góp phần mang lại cuộc sống tốt đẹp cho bà con nơi bản làng xa xôi.
Một trong số biện pháp nổi bật trong năm qua giúp đồng vốn ưu đãi đầu tư đạt kết quả thiết thực nhất là việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hiện tại toàn tỉnh có 3.092 Tổ tiết kiệm và vay vốn, đạt 100% kế hoạch, trong đó có 2.700 tổ được xếp loại tốt và khá về hoạt động, trở thành “cánh tay nối dài, vững chắc” của NHCSXH giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo… vay vốn thuận lợi, sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả cao.
Chị Giàng Thị Chư, dân tộc Mông ở thôn Nà Xé, xã Bình An, huyện Lâm Bình cho biết: “Tết vừa qua nhà mình thu hoạch nhiều ngô lúa, lại nuôi được trâu, bò vỗ béo nữa. Tất cả nhờ có Tổ tiết kiệm và vay vốn giúp gia đình mình vay được vốn của NHCSXH huyện đấy”. Nhờ vốn vay ưu đãi, chị Chư đã đầu tư chăn nuôi, nhất là làm chuồng trại vững chắc không để đàn trâu đi ăn ở mãi trong rừng sâu nữa, nên không có con trâu nào bị dịch bệnh hay chết rét như trước đây. Năm ngoái, chị bán được những 7 con trâu, thu về vài chục triệu đồng.
Anh Triệu Văn Hùng, người Nùng ở thôn Nà Mụ, xã Hồng Thái thuộc huyện Nà Hang cũng mới được công nhận thoát nghèo nhờ sử dụng vốn vay hiệu quả để đầu tư xây dựng chuồng trại quy củ, phát triển đàn gia súc, gia cầm. Anh bảo rằng, xưa kia gia đình nuôi lợn, gà cứ quen thả rông nên thường bị dịch bệnh, nay đã khác rồi. Nhờ có vốn, anh xây dựng chuồng trại quy củ, khoa học đủ ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè nên lợn, gà lớn khoẻ trông thấy. Dự định của anh Hùng sẽ vay vốn từ NHCSXH thêm để tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi, cung cấp sản phẩm lợn, gà sạch cho thị trường, phấn đấu làm được ngôi nhà to hơn, đẹp hơn cho mùa xuân thêm no ấm, tươi vui.
Trên vùng cao Tuyên Quang, còn nhiều hộ nhờ được tiếp cận nguồn vốn chính sách kịp thời, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Đặc biệt, chương trình hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở đã xây dựng được gần 10.000 căn nhà với tổng kinh phí trên 162 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ gần 79 tỷ đồng, còn lại là vốn vay ưu đãi của NHCSXH và một phần do các doanh nghiệp giúp đỡ. Những ngôi nhà mới, vững chắc đã làm cho rất nhiều hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số “an cư lạc nghiệp” phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững.
Năm 2014, NHCSXH tỉnh Tuyên Quang phấn đấu dư nợ tăng trưởng khoảng 5% so với năm 2013. Để đạt chỉ tiêu đề ra, đơn vị tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành, hội, đoàn thể nhận ủy thác triển khai thực hiện tốt vốn vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, bảo đảm giải ngân nhanh chóng, không để tồn đọng, lãng phí vốn, duy trì hoạt động giao dịch lưu động tại xã, phường và tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm giúp người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, phát huy hiệu quả và bảo toàn nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.
Bài và ảnh Trần Văn Đởng
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Chắp cánh cho những ước mơ
- » Thừa Thiên - Huế cho hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế
- » Niềm vui có nước sạch của người dân tỉnh Quảng Trị
- » Thỏa những ước mơ
- » Tất cả vì nhiệm vụ cao cả
- » Động lực từ những mô hình giải quyết việc làm hiệu quả
- » “Cuộc chiến” thoát nghèo của nông dân vùng Bắc Tây Nguyên
- » Bắc cầu dòng vốn
- » Hai chức năng của những chòi tránh lũ
- » Sơn La cho hộ nghèo vay vốn làm nhà ở đạt dư nợ 156 tỷ đồng