Hai chức năng của những chòi tránh lũ

10/02/2014
(VBSP News) Ngoài chức năng phòng tránh lũ lụt, những chòi tránh lũ còn tạo chỗ ở ổn định cho người nghèo, giúp người dân vùng lũ “an cư lạc nghiệp” góp phần đắc lực trong công cuộc giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Chòi tránh lũ 2 tầng được xây dựng kiên cố của ông Phạm Vàng ở thôn Ngọc Dạ, xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi)

Chòi tránh lũ 2 tầng được xây dựng kiên cố của ông Phạm Vàng ở thôn Ngọc Dạ,
xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi)

Người nghèo có chòi tránh lũ

Về địa bàn vùng lũ thuộc các xã Bình Minh, huyện Bình Sơn và xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến chòi tránh lũ là những ngôi nhà hai tầng, một tầng trệt, một tầng lầu, khang trang, sạch đẹp, vậy là niềm khát khao của nhiều hộ nghèo vùng lũ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã thành sự thật.

Dù đã sống trong chòi tránh lũ “hai chức năng” đã hơn 7 tháng, cảm xúc của ông Phạm Vàng ở thôn Ngọc Dạ, xã Hành Thiện cứ ngỡ như ngày hôm qua. Cả đời lam lũ với bao người dân nghèo như ông Vàng không dám mơ mình có được ngôi nhà đẹp như trong mơ này. Trước kia, mỗi khi nghe tivi báo lụt bão, người dân xã Hành Thiện lại nơm nớp lo âu bởi dòng sông Vệ vốn hiền hòa, nhưng mỗi khi lũ đến nước lũ từ thượng nguồn đổ về là cô lập người dân trong xã. Đã gần 15 năm trôi qua sau trận lụt lịch sử năm 1999, nhưng gia đình ông Vàng vẫn chưa có tiền đóng lại được cánh cửa sổ đã bị lũ cuốn trôi. Đầu năm nay, gia đình ông Vàng đón tin vui lớn khi biết Nhà nước sẽ hỗ trợ giúp gia đình ông xây dựng chòi tránh lũ. Nói là chòi nhưng thật sự nó là ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc một tầng trệt, một tầng lầu để gia đình ông vừa có chỗ ở ổn định vừa tránh được lũ. Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền, cộng với số vốn dành dụm và vốn vay 10 triệu đồng từ NHCSXH cùng sự giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần của người thân, gia đình, hàng xóm láng giềng vợ chồng ông Vàng đã xây dựng chòi tránh lũ hai tầng kiên cố.

“Mỗi khi có lũ hai vợ chồng già với người con bị tâm thần chỉ biết trèo lên mái nhà tránh lũ, vái lạy ông trời cho tạnh mưa, bỏ mặc cho trâu bò súc vật, tài sản trôi xuống biển. Bây giờ có nhà mới, gia đình tôi không còn lo sợ trước mùa bão lũ”, ông Vàng chia sẻ.

Cách nhà ông Vàng vài trăm mét, chòi tránh lũ của ông Lê Nhị ở thôn Bàn Thới cũng là niềm mơ ước của nhiều gia đình. Chòi được xây dựng 2 tầng nhìn về phía đồng ruộng, khang trang, vững chắc và ấm cúng. Ngôi nhà của ông Nhị có diện tích xây dựng khoảng 40m2, trong đó diện tích sàn vượt lũ 13m2, trị giá hơn 60 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 16 triệu đồng và NHCSXH cho vay 10 triệu đồng.

Ông Mai Duy Tuấn - Chủ tịch UBND xã Hành Thiện bộc bạch: “Chủ trương xây dựng chòi tránh lũ theo sự hỗ trợ của Nhà nước là cứu cánh cho bà con, đặc biệt là hộ nghèo trong vùng lũ vui như mở hội. Dù khó khăn, nhưng họ cũng cố xoay xở để xây chòi kiên cố”.

Cần nhân rộng

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định 716/QĐ-TTg ngày 14/6/2012 về việc triển khai thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Thực hiện quyết định này, tỉnh Quảng Ngãi đã chọn xã Hành Thiện và xã Bình Minh xây dựng 100 chòi thí điểm tránh lũ. Ngay lập tức, chính quyền hai địa phương đã tổ chức họp nhân dân để bình xét lựa chọn ưu tiên hộ nghèo, khó khăn về nhà ở… đã tạo được sự đồng tình, phấn khởi, ủng hộ nhiệt tình của người dân địa phương.

Chưa đầy một tháng triển khai, các hộ đã tiến hành khởi công xây dựng. Quá trình xây dựng họ đã nhận được sự ủng hộ về vật chất lẫn tinh thần của cả NHCSXH, chính quyền địa phương và người dân. Điều ấy, không chỉ giúp các hộ nghèo giảm chi phí xây dựng nhà mà còn phát huy được tinh thần đại đoàn kết trong nhân dân.

Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy, hầu hết các hộ gia đình có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 2 - 4m, diện tích sàn tránh lụt hơn 10m². Các gia đình xây liền kề với nhà cũ hoặc xẻ tường nhà cũ để xây dựng thêm. Vì thế không chỉ phục vụ chống lũ mà còn đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của gia đình. Nhiều hộ đã không chờ đến lúc có lũ mà ngay sau khi thu hoạch lúa thóc, ngô, khoai… họ đã mang lên cất giữ trên tầng 2 của chòi tránh lũ khi lũ chưa về.

Theo ông Mai Duy Tuấn, từ thực tế triển khai, mức huy động là 30 triệu đồng/chòi, trong đó NHCSXH cho vay 10 triệu đồng cùng sự hỗ trợ của Nhà nước và vốn tự có của gia đình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy số vốn mà Nhà nước hỗ trợ và NHCSXH cho vay còn eo hẹp trong thời buổi giá cả tăng cao, trong khi đó các hộ nghèo lại không có tiền bỏ thêm nên nhiều hộ đáng lẽ được hưởng thụ dù rất muốn, nhưng không thể xoay xở được nên đành nhường cho các hộ nghèo khác có điều kiện hơn.

Để hạn chế những khó khăn đó, ông Tuấn kiến nghị: Chính phủ cần nghiên cứu mở rộng chương trình, đồng thời tăng mức vay ưu đãi để nhiều người dân được hưởng lợi, tạo chỗ ở ổn định cho các hộ nghèo trong vùng lũ, góp phần thiết thực vào công cuộc giảm nghèo tại địa phương, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển ổn định, bền vững.

Bài và ảnh Ái Kiều

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác