Ấn tượng xã Phổ Thạnh

25/01/2014
(VBSP News) Phổ Thạnh là một xã đồng bằng, ven biển, không chỉ nổi tiếng bởi các di tích khảo cổ thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh, bởi nghề muối đã có hàng trăm năm. Nơi đây, còn có nhiều cái nhất không riêng đối với huyện Đức Phổ mà của cả tỉnh Quảng Ngãi.
Ngư dân Phổ Thạnh xuất quân ra khơi đánh bắt cá

Ngư dân Phổ Thạnh xuất quân ra khơi đánh bắt cá

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Lê Văn Thái, tính đến nay Phổ Thạnh có 4.675 hộ với 25.600 dân, là xã có số hộ và số dân đông nhất huyện. Đức Phổ có bờ biển dài hơn 40km, toàn huyện có 6/15 xã thuộc vùng biển. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Đức Phổ đang tiến ra biển đảo vơi mô hình ở xã Phổ Thạnh, ông Thái cho biết, cách đây vài ba năm số lượng tàu lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng mấy năm nay phát triển rất nhanh. Theo thống kê của UBND xã, số lượng tàu cá của Phổ Thạnh lên đến 964 chiếc, trong đó: loại phương tiện có công suất lớn từ 90 - 500CV trên 646 chiếc, là địa phương có số lượng tàu cá chuyên đánh bắt xa bờ lớn nhất huyện Đức Phổ và cả tỉnh Quảng Ngãi. Tháng 7/2013, huyện Đức Phổ đã thành lập nghiệp đoàn nghề cá Phổ Thạnh. Đây là những đội tàu hùng hậu, chuyên bám biển dài ngày. Tại các ngư trường truyền thống như Hoàng Sa và Trường Sa, ngư dân Phổ Thạnh đã hành nghề ngang dọc biển Đông, khai thác hải sản với sản lượng lớn, khoảng 40.000 tấn/năm, doanh thu hàng trăm tỷ đồng. Biển đã cho người dân Phổ Thạnh nhiều thứ, từ nhà cửa, cơm áo đến chuyện học hành của con cái. Bình quân mỗi năm, với nghề truyền thống đánh bắt hải sản xa bờ, ngư dân Phổ Thạnh đã mang về 60 - 70% tổng thu nhập của xã, phục vụ cho việc phát triển kinh tế, xóa nghèo, giải quyết việc làm, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội tại địa phương.

Phổ Thạnh có 6 thôn trải dài bên bờ biển. Đứng bên cầu Thạnh Đức bắc ngang qua eo biển Sa Huỳnh, nhìn ra hướng biển Đông, thôn Thạnh Đức 2 hiện ra với nhiều căn biệt thự, nhà cao tầng xinh đẹp, ẩn mình dưới chân núi Hóc Mó như một nét chấm phá trong bức tranh thiên nhiên hòa quyện giữa biển, núi, mây trời. Thôn Thạnh Đức 2 được các ký giả trong Nam, ngoài Bắc phong tặng danh hiệu “làng chài tỷ phú”. Bí thư chi bộ thôn Phan Văn Cúc cho biết: “Cả thôn có 702 hộ thì có đến 90% gia đình sống bằng nghề biển với trên 300 con tàu từ 90 - 500CV. Nếu cứ hiểu nôm na, nhà có nhiều tỷ đồng là tỷ phú, thì trong thôn có đến trên 250 tỷ phú”.

Lướt qua danh sách những tỷ phú của thôn, chúng tôi mới thấy rằng, những ngư dân tỷ phú làng chài đều xuất thân từ tầng lớp nghèo khó, rất nhiều người cả cuộc đời gắn với biển cả. 15 - 16 tuổi họ đã xuống biển đi bạn (lao động trên tàu cá) cho các chủ tàu địa phương đánh bắt con cá, con tôm để khi đi suốt cuộc hành trình “ăn đằng sóng, nói đằng gió” mái tóc nhuốm màu bọt biển khơi, thì họ, những “kình ngư của biển khơi”, đã có trong tay một gia tài đồ sộ, với 2 - 3 đôi tàu công suất lớn trị giá hàng chục tỷ đồng, trao lại cho con cháu tiếp tục nối nghiệp gia đình. 53 tuổi, ngư dân Trần Thanh Nga đã có trên 30 năm lăn lộn với biển khơi. Lúc mới khởi nghiệp ông chỉ hùn vốn và đi bạn với các chủ tàu trong làng. Sau thời gian hành nghề ngang dọc với biển Đông, đến nay ông Nga đã có trong tay 4 chiếc tàu với tổng công suất 1.600CV, trị giá gần chục tỷ đồng.

Từ năm 2006 đến nay, nghề đánh bắt thủy sản xa bờ của Phổ Thạnh phát triển rất mạnh. Ngoài sự mạnh dạn đầu tư tiền của ngư dân, qua hỗ trợ của chính quyền địa phương, bình quân mỗi năm ngư dân Phổ Thạnh được vay vốn ưu đãi của Nhà nước từ 25 - 30 tỷ đồng để cải hoán, tu sửa, đóng mới tàu thuyền công suất lớn, đủ sức vươn ra khơi xa bám biển dài ngày, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quê hương. Nghề cá phát triển, những năm qua tỷ lệ hộ nghèo ở Phổ Thạnh giảm nhanh, nhưng hiện vẫn còn 11,5%. Đồng hành cùng các kênh tín dụng khác, năm 2013 NHCSXH có tổng dư nợ tại Phổ Thạnh trên 25,3 tỷ đồng với 1.239 khách hàng, cho vay 5 chương trình, gồm: Hộ nghèo, xuất khẩu lao động, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, HSSV có hoàn cảnh khó khăn, giải quyết việc làm. Gần chục năm làm cộng tác viên cho NHCSXH, đã đến hàng chục chi nhánh miền Bắc, miền Trung, nhưng chưa có xã nào tôi hiện diện, có số dư nợ lớn như ở Phổ Thạnh. Điều thú vị hơn, cũng tại đây, tôi được gặp Chủ tịch Hội Nông dân Nguyễn Văn Trị 46 tuổi, ông có thâm niên 5 năm làm Phó Chủ tịch và 8 năm làm Chủ tịch Hội Nông dân xã. Cũng như các địa phương khác, ở Phổ Thạnh có 4 hội, đoàn thể nhận ủy thác vốn vay của NHCSXH, trong đó: Số tiền Hội Nông dân nhận ủy thác lớn nhất 11,8 tỷ đồng; tiếp đến Hội Phụ nữ trên 9 tỷ đồng; Hội CCB hơn 3 tỷ đồng; Đoàn Thanh niên gần 1 tỷ đồng. Theo ông Trị, nhận được nguồn vốn ủy thác của NHCSXH đã khó, việc quản lý vốn vay, đưa tín dụng chính sách đến đúng đối tượng được thụ hưởng, sử dụng đúng mục đích, không xâm tiêu, không nợ quá hạn… còn khó hơn nhiều. Để giảm bớt khó khăn, ông đã dùng tiền hoa hồng nhận vốn ủy thác của hội mua máy tính phục vụ cho công tác quản lý. Thay cho sổ sách, ông cập nhật thông tin từng ngày 600 hộ vay vốn của hội. Trên những nẻo đường công tác, đây là ông Chủ tịch Hội Nông dân xã đầu tiên tôi gặp, dùng công nghệ kỹ thuật số quản lý vốn vay NHCSXH và thu thập thông tin trên các trang mạng về những mô hình phát triển kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp hiệu quả, phổ biến lại cho hội viên.

Một góc thôn Thạnh Đức 2, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi)

Một góc thôn Thạnh Đức 2, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi)

Đức Phổ có khoảng 6.500 lao động trực tiếp làm nghề biển. Để hỗ trợ cho ngư dân an tâm bám biển, Phổ Thạnh phát triển nhiều mô hình liên kết phục vụ nghề cá, như: hình thành 26 cơ sở thu mua, chế biến thủy sản; thành lập một Hợp tác xã và 2 cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền; một Hợp tác xã khai thác dịch vụ hậu cần nghề cá… đảm bảo đáp ứng mọi nhu cầu của ngư dân trong việc tiêu thụ và đánh bắt hải sản, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Đến thăm thôn Thạnh Đức 2, tôi đã có dịp “mục sở thị” tổ chế biến cá khô. Tổ có 10 chị em hùn vốn, thông qua Hội Phụ nữ, tổ được vay trên 100 triệu đồng của NHCSXH. Bình quân, cơ sở xuất ra thị trường khoảng 5 tạ cá khô/ngày. Bám vào nghề, đời sống của chị em trong tổ ngày một khá hơn, với mức thu nhập khoảng 100.000 đồng/ngày, nhiều chị em như chị Cao Thị Hạnh, đã thoát nghèo, cuộc sống gia đình ngày càng ổn định.

Phổ Thạnh có 9 thôn, duy nhất có một thôn Đồng Văn (cách trung tâm xã hơn 5km) với hơn 500ha đất tự nhiên chủ yếu là đồi núi. Cuộc sống khốn khó, cả thôn có gần 100 hộ thì quá nửa đã bỏ quê đi kiếm sống xứ người. “Cái khó ló cái khôn”, những hộ ở lại bám trụ tìm hướng thoát nghèo, bằng cách trồng rừng; chọn những hộ có kinh nghiệm, ưu tiên vốn vay từ NHCSXH phát triển chăn nuôi bò sinh sản. Từ những kết quả ban đầu, nhiều hộ học tập cách làm của các hộ đi trước, vay vốn hộ nghèo, vốn giải quyết việc làm nuôi bò sinh sản, tiến lên nuôi bò vỗ béo với quy mô đàn hàng chục con. Khi chăn nuôi bò đạt hiệu quả, nhiều hộ phát triển thêm nghề nuôi dê núi. Cả bò và dê là nguồn thực phẩm sạch, luôn trong tình trạng cung không đủ cầu, mang lại nguồn thu không nhỏ cho xóm núi Đồng Văn thoát nghèo bền vững. Rất bình thường, nhiều gia đình có mức thu nhập vài chục triệu đồng/năm, nhiều hộ mua máy cày, máy gặt, máy kéo góp phần giải phóng sức lao động và tăng năng suất, hiệu quả cây trồng. Đồng Văn mọc lên ngày càng nhiều những ngôi nhà mới khang trang, mái ngói đỏ tươi thấp thoáng hiện ra bên những đồi rừng xanh bạt ngàn. Điều đáng nói hơn, con em trong thôn không còn một ai thất học, ngược lại, việc học đang được người dân rất chú trọng trong đầu tư học hết phổ thông đến cao đẳng, đại học. Cuộc sống mới đang hiện hữu trong từng ngôi nhà, từng con đường làng ở xóm núi. Từ năm 2009 đến nay, mỗi năm người dân tự nguyện đóng góp hàng chục triệu đồng làm đường giao thông nông thôn. Mới đây, bà con cũng đã đóng góp hơn 120 triệu đồng xây nhà văn hóa thôn.

“Nếu 8 thôn làng chài đang thể hiện rõ cách làm giàu từ kinh tế biển, thì Đồng Văn là một mô hình kinh tế nông nghiệp, nông thôn điển hình của huyện Đức Phổ” - Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh khẳng định.

Bài và ảnh Minh Châu

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác