Thay đổi tập quán sản xuất

24/01/2014
(VBSP News) Theo đánh giá của Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã và đang giúp hàng nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách có cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.
Xuân này, người dân Cao Phong vui mừng vì vụ cam được mùa, được giá

Xuân này, người dân Cao Phong vui mừng vì vụ cam được mùa, được giá

Một trong số huyện miền núi của tỉnh Hòa Bình là Cao Phong, đang thực hiện 10 chương trình với tổng dư nợ 137 tỷ đồng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn ưu đãi cho hơn 23 nghìn lượt khách hàng để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; xây dựng được 3.600 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 1.119 hộ đồng bào dân tộc thiểu số xóa nhà tạm bợ, xây dựng nhà ở vững chắc; giúp đỡ 2.145 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn yên tâm học tập ở trường đại học, cao đẳng… Đơn cử như gia đình chị Toàn Thị Tám ở thôn Hải Phong, xã Bắc Phong nhờ sử dụng đúng mục đích số tiền 20 triệu đồng vay của NHCSXH huyện Cao Phong đầu tư trồng hơn 1ha cam canh, quýt ngọt và bắt đầu cho thu bói từ năm 2010. Đến cuối năm 2013, chị Tám đã bán hơn chục tấn cam, quýt, bán hàng Tết được giá gần 200 triệu đồng. “Nhờ được vay vốn ưu đãi mà gia đình tôi thoát hết nghèo, thực hiện được kế hoạch sản xuất” chị Tám phấn khởi nói.

Giám đốc NHCSXH huyện Cao Phong Phí Công Thành cho biết: Đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp để phát huy hiệu quả của từng chương trình tín dụng chính sách. Thủ tục cho vay ngày càng đơn giản, giảm sự rườm rà, phiền hà cho hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Các hội, đoàn thể thông qua 198 Tổ tiết kiệm và vay vốn làm tốt công tác quản lý, huy động tiết kiệm. Ngày nay, NHCSXH đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 19,8%, thực sự trở thành người bạn đồng hành và là địa chỉ tin cậy của nhân dân trên địa bàn vùng cao.

Còn ở TP. Hòa Bình, nơi có 15 xã, phường trong 11 năm qua cũng đã có tới 17.865 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi. Với tổng dư nợ trên 124 tỷ đồng của NHCSXH đã góp phần cho 1.773 lượt hộ thoát nghèo theo từng giai đoạn điều tra. Trong năm 2013, đã có 805 hộ trả được nợ cho ngân hàng với số tiền là 12,5 tỷ đồng, bằng 22% doanh số cho vay, tạo nguồn vốn đầu tư cho chu kỳ kế tiếp, thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của khách hàng. Điển hình là Bắc Yên, xóm chuyển vén lòng hồ có 32 hộ, chủ yếu là người Mường thuộc xã Yên Mông. Anh Đinh Công Ky - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của xóm cho hay: Bà con trong xóm về định cư nơi đây đã hơn 20 năm, trước đây cuộc sống chủ yếu gắn với nương rẫy, tự làm kinh tế. Mấy năm qua được sự hướng dẫn, giúp đỡ của NHCSXH và các ban, ngành ở thành phố, bà con đã vay vốn thuận lợi, sử dụng vốn ưu đãi đúng mục đích, phát triển kinh tế đạt kết quả rõ rệt. Đến nay, tổ có 32 thành viên đang sử dụng 753 triệu đồng của NHCSXH xây dựng các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, thâm canh ngô, chuối giống mới dọc bờ sông Đà. Nhiều hộ trong xóm đã thoát dần khó khăn, vươn lên làm chủ cuộc sống, thay đổi tập quán làm ăn và ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Đó chính là hiệu quả kinh tế - xã hội đem lại từ kênh tín dụng chính sách.

Bài và ảnh Hữu Hạnh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác