Mang vốn đến người nghèo

20/01/2014
(VBSP News) NHCSXH tỉnh Bắc Giang triển khai thí điểm mô hình bổ sung Chủ tịch UBND xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện. Hiểu sâu về nghiệp vụ NHCSXH cũng giúp Chủ tịch UBND xã giải đáp ngay, kịp thời những thắc mắc của bà con.
Tín dụng chính sách được triển khai đến 100% số xã/phường của tỉnh Bắc Giang

Tín dụng chính sách được triển khai đến 100% số xã/phường của tỉnh Bắc Giang

“Chủ tịch xã” vào Ban đại diện

Nhờ bám sát sự chỉ đạo điều hành của Trung ương và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, NHCSXH tỉnh Bắc Giang đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành và đặc biệt là 4 tổ chức hội, đoàn thể thực hiện uỷ thác, triển khai hiệu quả công tác tín dụng ưu đãi trên địa bàn.

Năm 2013, doanh số cho vay toàn tỉnh đạt trên 500 tỷ đồng, tăng hơn 100 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tổng dư nợ 12 chương trình tín dụng sau 11 năm xây dựng, phát triển lên 2.649 tỷ đồng với trên 130.110 khách hàng dư nợ, mức dư nợ bình quân là 20 triệu đồng/hộ, cao hơn 5 lần so với năm 2003.

Theo ông Ngô Gia Quát - Giám đốc NHCSXH tỉnh Bắc Giang, để làm được điều đó, ngân hàng đã vận dụng nhiều giải pháp để thúc đẩy tín dụng, thu hồi nợ… Một trong những giải pháp thu được nhiều thành công là NHCSXH tỉnh Bắc Giang triển khai thí điểm mô hình bổ sung Chủ tịch UBND xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh. Theo đó, 230 Chủ tịch UBND xã đã được bổ sung vào Ban đại diện HĐQT các huyện.

Ông Vũ Văn Kính - Chủ tịch UBND xã Đồng Việt, huyện Yên Dũng cho biết: Được tham gia làm thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện, ông thấy mình cần phải có trách nhiệm hơn trong việc theo dõi diễn biến hoạt động tín dụng ưu đãi tại địa phương.

Do đó, công tác giám sát được tăng cường, các công việc đột xuất, những vướng mắc nảy sinh cũng như tồn tại, hạn chế trong quá trình quản lý, sử dụng vốn của đơn vị nhận ủy thác và hộ vay vốn trên địa bàn được phối hợp với cán bộ tín dụng giải quyết kịp thời, hiệu quả hơn trước. Bên cạnh đó, sự hiểu sâu về nghiệp vụ NHCSXH cũng giúp ông giải đáp ngay, kịp thời những thắc mắc của bà con về các chương trình vay vốn ưu đãi.

Thực tế cho thấy, việc bổ sung Chủ tịch UBND xã vào Ban đại diện HĐQT cấp huyện mới được triển khai từ tháng 4/2013, nhưng đã có những hiệu quả tích cực.

Điểm sáng Bắc Giang

11 năm qua, các chương trình tín dụng chính sách đã được triển khai sâu rộng đến 100% số xã/phường trong phạm vi toàn tỉnh Bắc Giang. Nguồn vốn ưu đãi cũng được ưu tiên đầu tư cho huyện vùng cao Sơn Động, tập trung cho 85 xã nằm trong vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và 40 xã thực hiện xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015.

Ông Bùi Văn Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Bắc Giang cho biết, các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn bình quân hàng năm trên 4%. Chương trình tín dụng HSSV ở tỉnh Bắc Giang đang có dư nợ đứng vị trí thứ 2, chiếm 34% tổng dư nợ toàn tỉnh.

Hiện  có 17.000/77.534 HSSV vay vốn theo chế độ đã ra trường, có việc làm ổn định và hoàn thành trả nợ cho ngân hàng. Ngoài ra, chương trình cho vay giải quyết việc làm đã giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn, đồng thời đóng góp khôi phục, mở mang các làng nghề truyền thống, phát triển mô hình sản xuất hàng hóa.

Đặc biệt, từ tháng 4/2013, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ cận nghèo, NHCSXH tỉnh Bắc Giang đã khẩn trương tiếp nhận vốn từ Trung ương chuyển về, thẩm định hồ sơ xin vay của hộ cận nghèo, phấn đấu giải ngân hết số vốn đã được giao.

Theo ông Ngô Gia Quát, đến 31/12/2013, dư nợ cho vay hộ cận nghèo đạt gần 157 tỷ đồng với 6.200 khách hàng đang dư nợ. Quá trình triển khai chương trình tín dụng cho vay hộ cận nghèo, thuận lợi cơ bản là đã xây dựng được một mạng lưới Điểm giao dịch phủ kín các xã/phường/thị trấn và 100% Tổ tiết kiệm và vay vốn được kiện toàn đúng quy định. Các Tổ tiết kiệm và vay vốn hiện đã được tập huấn làm công tác tín dụng chính sách tại thôn, xóm, bản, làng.

Cùng với đó, các hội, đoàn thể làm nhiệm vụ uỷ thác đã quen với quy trình, thủ tục cho vay vốn ưu đãi và phối hợp rất chặt chẽ với ngân hàng để giải quyết kịp thời mọi vướng mắc phát sinh.

Theo TBNH

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác