Cải thiện cuộc sống từ vốn vay chính sách

20/01/2014
(VBSP News) Những năm qua, từ nguồn vốn ưu đãi, trên địa bàn các vùng dân tộc miền núi thuộc tỉnh Bình Thuận đã có hàng nghìn hộ vươn lên thoát nghèo cải thiện đời sống.
Cho vay vốn sản xuất nông nghiệp ở vùng khó khăn

Cho vay vốn sản xuất nông nghiệp ở vùng khó khăn

Theo ông Phạm Hoài Thảo - Phó giám đốc NHCSXH huyện Hàm Tân, hầu hết các hộ vay vốn chính sách đều sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, trả nợ gốc và lãi đúng hạn. Ngoài chương trình cho vay hộ nghèo, được biết NHCSXH còn thực hiện song song 10 chương trình tín dụng ưu đãi khác như cho vay mua bò theo Nghị quyết Tỉnh uỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số; cho vay dự án dân số và phát triển gia đình bền vững, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xuất khẩu lao động, hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở… với tổng dư nợ đạt 149 tỷ đồng. Chỉ tính riêng chương trình cho vay giải quyết việc làm, đã giải ngân 8,6 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 1.555 người. Mức vay bình quân mỗi hộ từ 5,2 triệu đồng trước đây nay đã tăng lên 10,8 triệu đồng trong năm 2013, làm đòn bẩy cho các hộ gia đình mở rộng sản xuất, thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa ở nông thôn. Hay như dự án cho đồng bào dân tộc thiểu số vay mua bò theo Nghị quyết 04 của Tỉnh uỷ Bình Thuận đã có 267 hộ vay 2,27 tỷ đồng, mua 315 con bò sinh sản nhiều hộ ban đầu nuôi từ 1 - 2 con, đến nay đã phát triển có 5 - 6 con, thậm chí thành đàn 20 con bò, bê như hộ ông Tư Thanh ở xã Tân Thắng. Qua 3 năm nuôi, đa số hộ sau khi bán bò thanh toán tiền vay, vẫn còn 4 - 5 con để phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu.

Còn ở huyện Bắc Bình, nơi có hơn 70% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thì bên cạnh việc cho vay hộ nghèo, đã triển khai khá tốt chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, góp phần đảm bảo chất lượng cuộc sống. Tiêu biểu là xã Hồng Phong của huyện Bắc Bình hiện có trên 60% số hộ gia đình vay vốn ưu đãi của NHCSXH làm công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh. Đây là làng quê ven biển, vốn chỉ trồng được 1 vụ dưa lấy hạt vào mùa mưa, còn lại gần 1.700ha đất nông nghiệp không sản xuất được do thiếu nước. Chính vì vậy, đời sống bà con nông dân nghèo gặp nhiều khó khăn. Chị Nguyễn Thị Kiều - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Trước đây, nhà tiêu hợp vệ sinh ở xã chúng tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thời gian đầu các hội, đoàn thể tiến hành vận động xây dựng nhà tiêu hợp chuẩn, bà con đâu có nghe và chưa hiểu hết ích lợi của chuyện vệ sinh môi trường liên quan đến sức khoẻ, sản xuất. Mặt khác, một số người còn cho rằng, hoàn cảnh nghèo quá, phải lo ăn, lo mặc, tiền đâu mà làm nhà vệ sinh”. Để thay đổi dần thói quen của người dân, cán bộ mặt trận, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… xã đã có nhiều buổi tuyên truyền tới bà con. Nội dung tuyên truyền nêu rõ sự cần thiết phải xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Bên cạnh đó, xã Hồng Phong được NHCSXH huyện cho vay hơn 700 triệu đồng từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2005 - 2012. Từ đây, người dân vừa có ý thức, vừa chủ động có tiền vay ưu đãi thực hiện giữ gìn vệ sinh môi trường. Đến nay, toàn xã có trên 80% số hộ làm được nhà tiêu hợp vệ sinh và bắc đường ống dẫn nước sạch về tận nhà sử dụng. Anh Thanh Lượng ở thôn Hồng Thanh, xã Hồng Phong cho rằng: “Các công trình nhà tắm, nhà vệ sinh đã rất sạch sẽ làm thuận tiện cho sử dụng hằng ngày; giúp mọi người trong gia đình phòng tránh được bệnh tật, đảm bảo sức khoẻ để lao động sản xuất”.

Ông Trương Tấn Trọng - Phó Chủ tịch UNND xã Hồng Phong nhận xét: “Theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, từ nay đến năm 2015, xã Hồng Phong phấn đấu có 90 - 95% người dân sử dụng nước sạch do nhà máy cung cấp và nhà vệ sinh đạt chuẩn. Chắc chắn chỉ tiêu này thực hiện được bởi hiện nay, ý thức của người dân rất cao và được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, trong đó có nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước”.

Bài và ảnh Văn Giang

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác