Phụ nữ xứ Thanh làm giàu từ vốn vay chính sách

22/01/2014
(VBSP News) Để làm tốt công tác làm giàu cho phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn và phụ nữ vùng dân tộc, miền núi, Hội Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của các cấp chính quyền, các cấp hội để thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi.
Tết này, chị em phụ nữ xứ Thanh khấm khá hơn

Tết này, chị em phụ nữ xứ Thanh khấm khá hơn

Ngay từ đầu năm 2004, nhận uỷ thác vốn vay từ NHCSXH, Hội Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện đồng bộ các nội dung, quy trình của công tác uỷ thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách; đồng thời, chỉ đạo Hội Phụ nữ các cấp thực hiện đồng bộ các biện pháp giúp hội viên tiếp cận các chương trình tín dụng ưu đãi thuận tiện và dễ dàng. Tính đến nay, dư nợ vốn vay của NHCSXH do Hội Phụ nữ quản lý đạt 2.751 tỷ đồng (tăng 2.617 tỷ đồng so với năm 2004) với 4.006 Tổ tiết kiệm và vay vốn tham gia quản lý vốn.

Nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, kể từ khi nhận uỷ thác đã có trên 5.000 lượt cán bộ Hội Phụ nữ và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn được tập huấn về công tác quản lý với mục tiêu giúp phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Hội Phụ nữ tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả như: thành lập hơn 600 Câu lạc bộ giảm nghèo, tổ chức 8.378 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT nhằm thoát nghèo bền vững cho gần 900.000 lượt phụ nữ, giúp chị em sử dụng vốn vay hiệu quả, tăng khả năng hoàn trả lãi và gốc.

Nói về hiệu quả từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đối với phụ nữ, bà Lê Thị Nương - Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Nhờ nguồn vốn uỷ thác từ NHCSXH, chúng tôi đã tích cực triển khai nhiều chương trình, tạo điều kiện cho chị em chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư hiệu quả vào sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình theo hướng trang trại, chăn nuôi đại gia súc… từng bước cải thiện đời sống, nâng cao mức sống của gia đình”.

Chị Chu Thị Huấn thôn 6, xã Hoàng Đông, huyện Hoằng Hóa tâm sự: Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn, lại đông con, đang độ tuổi ăn học. Được vay của NHCSXH cho phụ nữ nghèo với số tiền 20 triệu đồng, tôi đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đến nay, các con của tôi đều được học hành chu đáo, gia đình đã thoát nghèo.

Trong suốt thời gian thực hiện nhận uỷ thác, Hội Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa thực hiện sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn 1 tháng/lần để thu lãi, thu nợ, bình xét công khai hộ vay mới nhằm ngăn ngừa tình trạng xâm tiêu, vay ké, vay sai đối tượng. Do vậy, Hội Phụ nữ luôn được đánh giá cao về chất lượng tín dụng với tỷ lệ hoàn trả vốn vay đạt 99,45%. Từ đó, uy tín của hội ngày càng được khẳng định; hơn 16.000 hội viên được vay vốn ưu đãi đã vươn lên thoát nghèo, góp phần cùng cấp uỷ, chính quyền các cấp hoàn thành thắng lợi mục tiêu giảm nghèo của tỉnh.

Để làm tốt hơn nữa công tác xóa nghèo cho hội viên phụ nữ, Hội Phụ nữ tỉnh đã xây dựng kế hoạch hoạt động cho năm 2014 là nâng cao hiệu quả nguồn vốn nhận ủy thác, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hộ vay vốn; đề nghị NHCSXH tiếp tục bổ sung nguồn vốn vay. Riêng suất đầu tư cho hợp tác xã, tổ sản xuất do phụ nữ làm chủ được ưu tiên, giúp chị em thoát nghèo bền vững tham gia tích cực phong trào xây dựng Nông thôn mới.

Bài và ảnh Bùi Thủy

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác