Câu chuyện “cần câu, con cá” của người nghèo vùng cao
Gia đình anh Lương Văn Tươm, dân tộc Thái, cả hai đều khoẻ mạnh biết làm nhưng chưa giỏi tính toán. Năm 2005, cả gia đình anh ở trong một túp lều tranh vách nứa, sống trong cảnh “vườn không nhà trống”. Hội Nông dân đứng ra nhận giúp đỡ gia đình anh Tươm với mục tiêu là: giảm nghèo, có cuộc sống ổn định. Năm 2011, thông qua ủy thác, anh được NHCSXH huyện Bá Thước cho vay 30 triệu đồng để đầu tư phát triển chăn nuôi. Bên cạnh đó, mỗi khi có lớp chuyển giao KHKT, cán bộ tín dụng NHCSXH, Hội Nông dân thông báo cho anh Tươm đi dự, tham quan các mô hình kinh tế giỏi ngay trong xã. Vậy là cùng một lúc gia đình anh Tươm được cả hai, “con cá” (đồng vốn) và cái cần câu (cách làm ăn). Sau hai năm chăm chỉ làm ăn, gia đình anh Tươm đã gây dựng cho mình một số vốn tương đối khá với 8 con bò, 300 con gà, gần 1ha mía Kim Tân, 2 sào ao thả cá… nhà cửa được sửa sang sạch sẽ chắc chắn, riêng từ đầu năm 2013 đến nay anh đã thu lãi trên 80 triệu đồng.
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Phạm Ngọc Triều, dân tộc Mường ở thôn Đắm, xã Lâm Xa là một điển hình trong việc sử dụng và phát huy có hiệu quả nguồn vốn. Năm 2011, trước thực tế làm ăn không mấy hiệu quả của gia đình, tuy chịu khó nhưng do thiếu vốn và thiếu cả phương thức sản xuất nên nhà anh cũng được xếp vào diện nghèo đói, thiếu đói triền miên. Từ khi anh, chị và con trai được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt do Hội Nông dân tổ chức tại thôn, lại được vay vốn NHCSXH phát triển kinh tế, cuộc sống gia đình anh thay đổi rất nhiều. Năm 2012 là năm mà người kinh doanh, chăn nuôi gặp nhiều khó khăn trước những biến động của thị trường, nhưng gia đình anh vẫn có lãi gần 150 triệu đồng từ việc chế biến khoảng 100kg gạo ra bánh đa thành phẩm mỗi ngày, nuôi 300 con gia cầm, mỗi năm 200 con lợn thịt… Cũng từ lò bánh đa của gia đình anh mà 5 hội viên nông dân trong thôn có việc làm ổn định với thu nhập 2,5 triệu đồng/người/tháng. Anh Triều tâm sự: có vốn mà không biết cách làm thì bằng không. Các cụ xưa dạy “có bột mới gột nên hồ”, mấy năm trước gia đình tôi cũng có “bột” đấy (tiền vay anh em, bạn bè…) nhưng “gột hồ” toàn bị khê, cháy. Bây giờ có ít “bột” cũng biết gột nên nhiều “hồ”, mà là “hồ ngon” đấy. Anh Triều cười rất vui.
Hỏi chuyện ông Nguyễn Thế Dũng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm Xa về bài học xoá nghèo, ông cho biết: Trên thực tế có cả nghìn lẻ nguyên nhân dẫn đến nghèo. Nhưng hai nguyên nhân cơ bản nhất là: không có vốn và thiếu kiến thức KHKT, phương thức tổ chức sản xuất. Trước năm 2010, Lâm Xa còn trên 60% hộ nghèo. Hằng năm, các hộ nghèo đều được hỗ trợ, giúp đỡ, vay vốn phát triển sản xuất nhưng hiệu quả thấp, thậm chí rất thấp. Nhiều hộ cụt vốn. Người nghèo không hoàn toàn do lười lao động, miền núi thì không thể nói là thiếu đất sản xuất. Tạo vốn cho hộ nghèo phải gắn liền với trang bị cho họ kiến thức KHKT, phương thức tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Xã Lâm Xa đặt vấn đề trang bị KHKT, kiến thức quản lý kinh tế cho người nghèo lên hàng đầu. Chính vì vậy, số hộ thoát nghèo nhanh, nhiều, bền vững.
Nhớ có lần hẹn theo xe đi giải ngân và thu lãi ở xã biên giới Yên Khương, huyện Lang Chánh, khi vào đến nơi xe ô tô (mang theo tiền, vật tư thiết bị) đã đi từ sớm, Giám đốc Phạm Hùng Thủy, hỏi tôi: “Hôm nay, giải ngân và thu lãi các xã vùng biên giới, sáng ở xã Yên Khương, Yên Thắng, chiều ở xã Đồng Lương… Thế bây giờ đồng chí có đi nữa?”, tôi trả lời: “Có chứ, anh cho em đi”, và rồi tôi khoác túi, theo anh Hà Anh Dũng - Tổ trưởng Tổ tín dụng, trên đường đi anh Dũng tâm sự: “Khi đi xuống xã, nhiều khi phải nhờ dân bản khênh xe qua suối, còn mình thì đi bộ theo họ. Nhiều bản đường đi vào rất khó khăn, trời nắng đi còn vất vả, nhưng trời mưa thì chịu, không vào được, hoặc vào rồi lại không thể ra. Thế nhưng, mỗi cán bộ NHCSXH đều cảm thấy hạnh phúc khi được đem “cần câu” để đồng bào dân tộc thiểu số câu được “con cá” thoát nghèo bền vững…”. Cũng phải nói rằng, mặc dù cả nước, cả tỉnh chịu ảnh hưởng của lạm phát khá cao nhưng do đặc thù của vùng núi cao, vùng đặc biệt khó khăn mang tính “tự cấp tự túc”, cái “thiểu phát” ít nên đời sống của người dân ít bị ảnh hưởng hơn so với các vùng khác. Không những thế, người dân được tiếp cận thị trường thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, được hướng dẫn và áp dụng những tiến bộ KHKT vào sản xuất nên kinh tế khu vực nông lâm nghiệp vùng núi cao, đặc biệt khó khăn ngày càng phát huy tính hiệu quả… Lần này về các địa phương của huyện Lang Chánh, chúng tôi được ông Lê Văn Dự, dân tộc Thái ở Bản Lưỡi phấn khởi cho biết: “Trước kia nhà tôi là hộ nghèo, nhờ vốn vay của NHCSXH mà nay đã thoát nghèo, xây được nhà, còn là điển hình về phát triển chăn nuôi, trồng rừng. Nhà tôi có gần 4ha rừng, 40 con lợn, kết hợp chăn nuôi trâu, bò, gà, vịt… cho thu nhập 40 - 50 triệu đồng/năm”.
Tôi đem những câu chuyện mắt thấy tai nghe về những hộ nông dân nghèo nay đã thoát nghèo và có hộ chưa hết nghèo kể lại với Giám đốc NHCSXH tỉnh Thanh Hóa Lê Hữu Quyền. Ông khẳng định: “Mục tiêu của NHCSXH là giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Năm nay, đối tượng cho vay, mức cho vay đối với mỗi khách hàng đều tăng. Trước khi giải ngân cho hộ nghèo, NHCSXH các huyện phối hợp với các hội, đoàn thể mở các lớp chuyển giao KHKT cho hộ nghèo. Cán bộ ngân hàng đến từng hộ kiểm tra năng lực từ đó định hướng cho hộ đầu tư vốn vay vào cây, con, ngành nghề phù hợp sau đó mới giải ngân. Đây là phương thức đầu tư hiệu quả nhất. Để giúp hộ nghèo nhanh thoát nghèo, không bị tái nghèo phải trao cho họ 3 “cái” cùng một lúc: một là “con cá” (vốn), hai là “cần câu” (cách làm ăn), ba là “cách câu cá”, “chế biến cá” (kỹ năng quản lý, tiêu thụ sản phẩm). Nắm chắc 3 “cái” trên, người nghèo sẽ vượt qua được nghèo”.
Hiện nay, NHCSXH tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện 12 chương trình tín dụng ưu đãi tại các huyện miền núi, trong đó phải kể đến các chương trình lớn như: cho vay hộ nghèo; hộ cận nghèo; hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn; hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn… Nguồn vốn của NHCSXH chủ yếu tập trung cho chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp. Vốn cho vay các đối tượng chính sách kết hợp với: hướng dẫn của ngành nông nghiệp; tiến bộ KHKT; đặc biệt yếu tố thị trường mở rộng đã tạo điều kiện cho người dân, nhất là người dân vùng núi cao được tiếp cận, có điều kiện áp dụng và thực tế là đã cải thiện được đời sống rõ rệt. NHCSXH tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động, thực hiện mục tiêu của Chính phủ về xóa đói giảm nghèo. Người dân vay vốn dù sử dụng vào mục đích gì thì khi đến kỳ hạn họ vẫn trả rất đầy đủ nên đến nay tỷ lệ nợ quá hạn của NHCSXH tỉnh Thanh Hóa chỉ còn 0,66%. Có được sự thành công này là do cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm chỉ đạo sâu sát, cán bộ ngân hàng không ngừng nâng cao trình độ và trách nhiệm, tâm huyết phục vụ người dân. Đồng thời có sự giúp sức, cộng tác, thấu hiểu và ủng hộ mạnh mẽ của các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, và đặc biệt, là ý thức trả nợ của những người được vay.
Khánh Phương
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Ngày ấy chưa xa
- » Đổi thay Côn Đảo
- » "Bắc cầu" đồng vốn
- » Điểm đến của những tấm lòng
- » Đồng bào Trạm Tấu tính chuyện thoát nghèo
- » Thoát nghèo nhờ vay vốn ưu đãi
- » Hành trình xua đi cái khó, cái nghèo
- » Đưa ngân hàng về tận buôn làng
- » Tín dụng… bạc cắc
- » Hiệu quả kinh tế từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH