Đổi thay Côn Đảo
Hôm tôi đến, ông Nguyễn Văn Công ở khu số 9, huyện Côn Đảo đang tất bật bên dây chuyền sơ chế rau an toàn vừa được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đầu tư. “Hồi đầu, cũng loay hoay tìm hướng, rồi gia đình tôi vay vốn đào ao thả cá”, ông Công tâm sự. Ao cá đó giờ vẫn còn, đánh dấu cho “mối duyên” giữa gia đình với Côn Đảo, là điểm nhấn đầu tiên giữ gia đình ông gắn bó nơi đây.Chăm chỉ làm lụng, hai vợ chồng ông nhanh chóng trở thành nông dân có tiếng biết làm ăn ở khu vực này. Chính vì thế, khi thực hiện dự án về rau an toàn, hộ ông Công đã được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chọn là hộ duy nhất được đầu tư dây chuyền sơ chế rau an toàn Côn Đảo. Tỉnh đã cấp dàn máy trị giá 344 triệu đồng, gia đình đầu tư 400 triệu xây nhà xưởng kho lạnh đảm bảo tiêu chuẩn.
Trong khu nhà xưởng mới xây, có biển hiệu “Cơ sở sơ chế rau an toàn Côn Đảo”, với đủ văn phòng, nhà xưởng theo yêu cầu khép kín, ông Công khoe: “Ở đây “đầu ra” ổn định lắm, vì nhu cầu cao mà ở đảo sản xuất không đủ đáp ứng. Nhà tôi đã đầu tư trồng rau, và dù việc trồng trọt ở đảo công phu hơn trên đất liền, nhưng rõ ràng là thị trường rất tiềm năng”.
Có dây chuyền rồi, việc ông Công lo nhất lúc này là tổ chức vùng nguyên liệu. Đã “có trong tay” 7 hộ trồng rau với diện tích mấy chục nghìn mét vuông, nhưng ông Công vẫn mong “ngân hàng cho vay tiền để phát triển vùng trồng rau”. Một mặt, ông muốn đảm bảo dây chuyền hoạt động hiệu quả, nhưng quan trọng hơn, muốn bà con nông dân Côn Đảo có được công việc cho thu nhập bền vững.Mong ước của ông Công giản dị thôi, nhưng nếu như nhìn vào điều kiện Côn Đảo, đó là một mong muốn dũng cảm, bởi làm giàu ở Côn Đảo được coi như “liều lắm”.
Ở đảo, vô vàn khó khăn. Trước tiên, điều kiện giao thông giữa đảo và đất liền vô cùng hạn chế, năng lực vận tải hành khách chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu đi lại của du khách và cán bộ chiến sỹ, nhân dân trên đảo.Vào mùa biển động (từ tháng 7 đến hết tháng 2 năm sau) có những tháng chỉ có một chuyến tàu từ Vũng Tàu ra Côn Đảo, mỗi chuyến tối đa chở được 200 hành khách. Bình quân mỗi ngày có 2 - 3 chuyến bay từ TP. Hồ Chí Minh ra Côn Đảo, mỗi chuyến chở được 68 hành khách. Chẳng thế, hôm tôi đến thăm nhà ông Công, có mấy người hàng xóm qua nhà, ai cũng vui vẻ truyền “thông điệp”: “Tàu chạy rồi”. Hóa ra, đó là chuyến tàu đầu tiên sau cả chục ngày biển động.Thứ nữa, giá điện sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh trên đảo là 8.600 đồng/kWh, giá cả dịch vụ và hàng hóa trên đảo cao gấp 2-3 lần so với mặt bằng chung tại TP.Hồ Chí Minh.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, NHCSXH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức triển khai hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Côn Đảo. Bằng nhiệt huyết của người cán bộ tín dụng chính sách, định kỳ hàng tháng, NHCSXH tỉnh tổ chức giao dịch tại huyện theo lịch cố định, giúp người dân huyện đảo được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ và ngân sách địa phương. Từ chỗ giao dịch hàng quý, NHCSXH đã thực hiện giao dịch theo định kỳ hàng tháng, và cuối tháng 7 vừa rồi, NHCSXH huyện Côn Đảo đã được khai trương.
Chị Đỗ Thị Loan - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn khu 7, đang phụ trách 54 tổ viên, kể, các tổ viên trong tổ chị vay vốn NHCSXH các chương trình như: HSSV, giải quyết việc làm, hộ nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.“Giờ các hộ nghèo đã thoát nghèo hầu hết. Có vốn vay, đời sống cải thiện, kinh tế khá hơn. Dù còn ít ỏi, nhưng đồng vốn chính sách đã thực sự là đòn bẩy giúp các gia đình chuyển đổi kinh tế”, chị tâm sự. Tổ tiết kiệm và vay vốn của chị Loan là một trong 15 Tổ tiết kiệm và vay vốn trên toàn huyện Côn Đảo, với tổng số 634 hộ đang còn dư nợ. Doanh số cho vay năm 2012 là 17,3 tỷ đồng, còn doanh số cho vay 6 tháng đầu năm 2013 là 14,5 tỷ đồng. Đồng vốn chính sách đã đi vào đời sống hàng trăm hộ gia đình, thành đàn dê, bò, thành rau sạch, trong dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ, ăn uống, giải khát, vận tải hành khách…
Côn Đảo là huyện duy nhất không có chính quyền cấp xã, cấp huyện, phải giải quyết mọi công việc liên quan đến người dân, do đó áp lực công việc là rất cao, phần nào ảnh hưởng đến thời gian giải quyết công việc liên quan giữa chính quyền và nhân dân trong huyện. Trên đảo chỉ có duy nhất một Trung tâm quân dân y với quy mô nhỏ, tương đương bệnh viện cấp huyện. Do đó mọi việc về điều trị, chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo còn hạn chế, người dân thường xuyên phải về đất liền để đi khám chữa bệnh.
Thế nhưng, Côn Đảo nói riêng và các đảo khác chưa được xếp trong danh mục các xã, huyện thuộc vùng khó khăn theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ, do đó người dân trên đảo không được hưởng chính sách vay vốn ưu đãi “về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn” theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg. “Giá mà chúng tôi được tạo điều kiện hơn, chúng tôi tin chắc chúng tôi sẽ góp phần tập trung sản xuất, kinh doanh, đưa Côn Đảo không chỉ là khu di tích xanh, đẹp, mà còn là một huyện đảo giàu mạnh hơn”, ông Công tiếc rẻ.
Bài và ảnh Hoàng Thủy
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » "Bắc cầu" đồng vốn
- » Điểm đến của những tấm lòng
- » Đồng bào Trạm Tấu tính chuyện thoát nghèo
- » Thoát nghèo nhờ vay vốn ưu đãi
- » Hành trình xua đi cái khó, cái nghèo
- » Đưa ngân hàng về tận buôn làng
- » Tín dụng… bạc cắc
- » Hiệu quả kinh tế từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH
- » "Đòn bẩy" thoát nghèo cho nông dân
- » 10 năm thực hiện ủy thác cho vay vốn ưu đãi: DÂN LỢI, HỘI VỮNG, NGÂN HÀNG ĐỠ VIỆC