Thoát nghèo nhờ vay vốn ưu đãi
Mô hình “Ngân hàng xã lưu động”
Năm 2004, NHCSXH tỉnh Ninh Thuận triển khai thực hiện mô hình ngân hàng xã lưu động tại các xã, phường, nhằm đẩy mạnh hình thức ủy thác vốn vay cho các hội, đoàn thể, để những chương trình tín dụng ưu đãi đáp ứng kịp thời nhu cầu của người nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn… Ban đầu, chỉ thành lập ngân hàng xã lưu động tại các xã, phường nằm cách trụ sở NHCSXH tỉnh và NHCSXH các huyện, thành phố khoảng 3km. Qua thời gian hoạt động, thấy hiệu quả, đơn vị đã tập trung mọi nguồn lực để mở rộng đến từng thôn, khu phố. Ðến nay, đã hình thành Điểm giao dịch tại 65 xã, phường, thị trấn, tất cả thôn, khu phố đều có ngân hàng xã lưu động, giúp cho hàng trăm nghìn hộ nghèo thuận lợi trong tiếp cận các dịch vụ tài chính tín dụng, giảm chi phí đi lại.
Phó giám đốc NHCSXH tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Văn Cúc cho biết: “Nếu trước đây, đơn vị chỉ thực hiện một chương trình cho hộ nghèo vay, thì nay đã nâng lên 9 chương trình tín dụng cho vay ưu đãi dành cho nhiều đối tượng. ngân hàng xã lưu động, thu hút 100% số tổ tín dụng, cá nhân là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn; Tổ trưởng Tổ Phụ nữ các cấp… tích cực tham gia hình thức ủy thác vay vốn, để đưa vốn vay về cho người nghèo ở vùng sâu, vùng xa”.
Huyện Ninh Hải là một trong những huyện triển khai có hiệu quả 9 chương trình tín dụng ưu đãi, chính sách cho vay vốn đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn đầu tư phát triển sản xuất, ổn định đời sống, thoát nghèo bền vững theo Quyết định số 54/2012/QÐ-TTg, ngày 04/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Tổ trưởng Tổ Kế hoạch - Tín dụng NHCSXH huyện Hà Văn Chuyên vừa đi kiểm tra cơ sở về, cho biết: “Nhờ phối hợp các ban, ngành, hội, đoàn thể, từ năm 2003 đến nay, thông qua hình thức ủy thác vốn vay, tổ đã giải quyết cho 45.213 lượt hộ vay gần 242 tỷ đồng. Có vốn và được tư vấn cách làm ăn hiệu quả, đã có 4.485 hộ thoát nghèo, 969 hộ cải thiện được đời sống, hơn 5 nghìn học sinh, sinh viên an tâm học tập… Số hộ nghèo giảm từ 7,82%, xuống còn 5,82%”.
Về thôn Như Bình, xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, hỏi thăm đường đến nhà chị Ðàng Thị Hòa - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn, ai cũng biết. Ðến nhà gặp lúc chị vừa đi chợ về, chị cho biết: “Năm 2008, tổ được thành lập, quản lý 35 hộ nghèo. Với trách nhiệm nhận ủy thác vay vốn, chị hướng dẫn bà con tiếp cận nguồn vốn vay NHCSXH là 700 triệu đồng, đầu tư sản xuất, chăn nuôi bò. Ðến nay, nhiều hộ làm ăn thuận lợi, đã trả hết nợ, vươn lên thoát nghèo”.
Qua hoạt động của ngân hàng xã lưu động, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều nhân tố tích cực trong lĩnh vực ủy thác vốn vay, như: chị Phạm Thị Hằng Nga, với bề dày hơn 7 năm là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, chị Nguyễn Thị Thảnh - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 6, phường Ðô Vinh, TP. Phan Rang - Tháp Chàm, chị Võ Thị Ngọc - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Kiền Kiền, xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc…, trở thành chỗ dựa vững chắc cho hội viên, người nghèo…
Vươn lên thoát nghèo
Trước đây, gia đình bà Lành ở thôn An Hòa, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải rất khó khăn. Hàng ngày, bà Lành thức dậy từ lúc một giờ sáng, tráng bánh ướt rồi quẩy gánh đi bán khắp nơi để kiếm sống. Chồng bà, đã ngoài 60 tuổi, đi trông đìa tôm thuê, tiền công vài trăm nghìn đồng/tháng, nhưng rất bấp bênh. Thu nhập kém, nhà có tới 6 miệng ăn, người con cả mắc bệnh suy thận mãn, hàng tuần phải đến bệnh viện để chạy thận nhân tạo, đời sống gia đình ngày càng lâm vào cảnh bế tắc. Năm 2007, được Hội Phụ nữ xã giới thiệu, bà Lành vay tiền từ nguồn vốn dành cho phụ nữ nghèo số tiền 15 triệu đồng, mua 10 con cừu nái về nuôi. Ðến nay, đàn cừu đã tăng lên 18 con. Các con của bà cũng được vay vốn NHCSXH dành cho học sinh, sinh viên tiếp tục ăn học. Giờ đây, cô con gái thứ hai đã tốt nghiệp trường Cao đẳng chuyên ngành công nghệ thông tin và có việc làm ổn định tại Ninh Thuận; cậu con trai thứ ba, tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh (năm 2011 - 2012) đã được nhận vào dạy tại một trường học ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Cậu con trai út đang theo học lớp 10. Với nỗ lực vươn lên, tháng 3/2013, gia đình bà Trần Thị Lành được UBND huyện Ninh Hải khen thưởng vì đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện có hiệu quả chương trình tín dụng đối với hộ nghèo.
Có hoàn cảnh tương tự như gia đình bà Lành, nhưng hàng chục nghìn hộ nghèo khác ở Ninh Thuận đã vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn vay NHCSXH trong 10 năm qua.
Giúp tuổi trẻ tạo dựng sự nghiệp
Nhờ vay vốn NHCSXH, 30 nghìn học sinh, sinh viên ở Ninh Thuận có điều kiện trang trải học tập và tự tin tạo dựng sự nghiệp cho mình sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng.
Trần Ngọc Dũng hiện công tác tại NHCSXH tỉnh Ninh Thuận, tâm sự: “Khi hay tin em trúng tuyển vào trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, gia đình rất mừng, nhưng cũng rất băn khoăn vì không có tiền để em đi học. Nhờ số tiền 16 triệu đồng vay theo chương trình học sinh, sinh viên, em có điều kiện học tập. Năm 2010, em tốt nghiệp đại học và được tuyển dụng vào làm việc. Nay em đã trả hết nợ”.
Tiếp tục tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng nằm trong diện được vay vốn NHCSXH để đầu tư sản xuất, cải thiện và nâng cao đời sống, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Võ Ðại cho biết: “Trong năm 2013, UBND tỉnh chỉ đạo NHCSXH tỉnh cho hơn 30 nghìn hộ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, giải quyết việc làm, học sinh, sinh viên, xuất khẩu lao động, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, thương nhân hoạt động thương mại vùng khó khăn, vay vốn khoảng 323 tỷ đồng”.
Nhiều hộ nghèo, gia đình dân tộc thiểu số nhờ nguồn vốn NHCSXH để đầu tư sản xuất, chăn nuôi, nay đã vươn lên thoát nghèo; nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng đã có việc làm ổn định, có em được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã; những ngôi nhà mới đã và đang được xây dựng ngày càng nhiều tại các vùng nông thôn… cho thấy, sự nỗ lực của hệ thống NHCSXH đã góp phần rất lớn trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững tại Ninh Thuận.
Bài và ảnh Nguyễn Trung
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hành trình xua đi cái khó, cái nghèo
- » Đưa ngân hàng về tận buôn làng
- » Tín dụng… bạc cắc
- » Hiệu quả kinh tế từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH
- » "Đòn bẩy" thoát nghèo cho nông dân
- » 10 năm thực hiện ủy thác cho vay vốn ưu đãi: DÂN LỢI, HỘI VỮNG, NGÂN HÀNG ĐỠ VIỆC
- » TẠO CƠ HỘI THOÁT NGHÈO BỀN VỮNG: Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg tiếp thêm cơ hội cho hộ cận nghèo
- » Điểm tựa tín dụng cho hộ cận nghèo
- » Bảo đảm nguồn vốn tín dụng cho học sinh, sinh viên ổn định, bền vững
- » Bước đột phá trong chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên