“Bắc cầu” đồng vốn

30/08/2013
(Báo Nhân dân) Chủ cơ sở sản xuất rau an toàn Côn Ðảo Nguyễn Văn Công hào hứng cho biết: "Nếu cho vay một tỷ đồng nữa tôi cũng vay. Tiềm năng ở đây rất lớn...". Ở nơi từng là "địa ngục trần gian", nơi mà nhà tù nhiều hơn trường học, "quân số" người đã khuất nhiều gấp ba lần số dân hiện sinh sống trên đảo, giờ đây là mầu xanh bất tận với những thiên đường nghỉ dưỡng, khách sạn, bãi tắm...
Lắp đặt dây chuyền xử lý rau an toàn tại cơ sở rau an toàn Côn Ðảo

Lắp đặt dây chuyền xử lý rau an toàn tại cơ sở rau an toàn Côn Ðảo

Thoát nghèo nhờ vốn ưu đãi

Chúng tôi có mặt ở Côn Ðảo đúng vào ngày NHCSXH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khai trương hoạt động Phòng giao dịch NHCSXH huyện Côn Ðảo. Giám đốc Phòng giao dịch mới được bổ nhiệm lại chính là “người quen”, đồng chí Trương Quang Huân - nguyên Phó giám đốc NHCSXH tỉnh Bắc Kạn. Cơ duyên từ một tỉnh miền núi phía Bắc chuyển vào công tác tại huyện đảo và từng “tạt ngang” sang làm Ngân hàng thương mại của Giám đốc Huân là cả một câu chuyện dài, song dường như chúng tôi cùng đồng cảm với một lý giải rất đơn giản: “Dù đi đâu, làm gì cũng quay về với NHCSXH như một cái duyên”…

Tiếng là khai trương Phòng giao dịch, nhưng ngay từ những ngày đầu thành lập, NHCSXH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức triển khai hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Côn Ðảo. Theo định kỳ hàng quý, NHCSXH tỉnh đã tổ chức giao dịch tại huyện theo lịch cố định giúp cho người dân huyện đảo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ và ngân sách địa phương. Từ chỗ giao dịch hàng quý, NHCSXH đã thực hiện giao dịch theo định kỳ hàng tháng và tiến tới thành lập Phòng giao dịch huyện Côn Ðảo. Bước đầu, quân số Phòng giao dịch, kể cả Giám đốc chỉ có 3 người, đủ một ê kíp thực hiện giao dịch. Theo Giám đốc Trương Quang Huân, khi NHCSXH có quân số tại chỗ thuận lợi hơn rất nhiều trong việc giúp bà con tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.

Tính đến ngày 30/6/2013, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Côn Ðảo đã đạt 8,8 tỷ đồng, từ chỗ chỉ có một chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo, đến nay, NHCSXH huyện Côn Ðảo đã triển khai cho vay tất cả 5 chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn (hộ nghèo, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, học sinh, sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giải quyết việc làm). Hàng trăm hộ gia đình được vay vốn để phát triển kinh tế đã có động lực vươn lên, từng bước thoát nghèo, góp phần ổn định đời sống, an sinh xã hội và giữ gìn trật tự an ninh quốc phòng trên đảo…

“Ðất lành, chim đậu…”

Hiện, Côn Ðảo có khoảng 7.000 nhân khẩu và điều đặc biệt là người dân gốc Côn Ðảo không nhiều, chủ yếu là người các tỉnh miền Bắc, miền Trung vào lập nghiệp. Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn khu 9 Phạm Thị Thái, nguyên là người quê gốc Thái Bình cho biết, đã “bén duyên” với mảnh đất này từ hơn 10 năm nay, trong dịp đi thăm người nhà đóng quân tại Côn Ðảo: “Khi đó, mọi thứ còn hoang sơ lắm, nhưng thấy sống được là vào thôi…”, giờ thì bà Thái đã là chủ của một quán cà phê nhỏ bên đường… “Ở đây bà con vẫn còn khó khăn, nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh vẫn rất lớn. Ðặc biệt, bà con rất có ý thức trả lãi ngân hàng đúng hạn”, Bà Thái bộc bạch. Hiện, Tổ tiết kiệm và vay vốn của bà Thái có 32 hội viên với dư nợ hàng trăm triệu đồng. Ðồng vốn ưu đãi giúp bà tăng gia sản xuất, trồng rau, nuôi bò, nuôi dê…, cải thiện thu nhập.

Ðược vay 10 triệu đồng từ NHCSXH để nuôi bò, có thời điểm gia đình bà Phạm Thị Mai (quê gốc Thanh Hóa) nuôi đến 17 con bò, số tiền bán bò không chỉ đầu tư cho con về đất liền học mà còn chuyển sang nuôi lợn, cá, làm đậu phụ với thu nhập ổn định. “Vừa rồi đã định đặt dàn máy làm đậu chi phí khoảng 40 triệu đồng vận chuyển lắp đặt tận nơi nhưng không đủ tiền. Nếu được vay vốn nhất định chúng tôi sẽ đầu tư…”, ông Trương Công Vân, chồng bà Mai cho biết.

Cũng như gia đình bà Thái, bà Mai, gia đình ông Nguyễn Văn Công là chủ cơ sở sản xuất rau an toàn Côn Ðảo, cơ sở sản xuất rau an toàn duy nhất của Côn Ðảo, quê gốc Hải Dương cũng nhập cư lên đảo từ đầu năm 2000. Cái duyên gắn bó với mảnh đất này cũng rất tình cờ nảy sinh trong một lần ra Côn Ðảo thăm em. “Ngày đó, khi trở về, tôi quyết định đưa cả gia đình ra đây sinh sống. Nếu ở trong quê không biết giờ sẽ thế nào…”, Ông Công bồi hồi nhớ lại. Bấm máy vận hành dây chuyền xử lý rau an toàn đang lắp đặt dở, ông khoe đây là dự án của tỉnh trị giá hơn 700 triệu đồng; trong đó, tỉnh đầu tư 324 triệu đồng. Dây chuyền đã hoạt động từ năm ngoái nhưng hiện đang lắp đặt lại cho đúng yêu cầu kỹ thuật. Rau từ khâu thu hoạch được làm sạch qua bể rồi băng chuyền qua buồng xử lý, làm ráo nước, đóng gói… Trung bình mỗi ngày cơ sở cung cấp ra thị trường khoảng 2 tạ rau các loại, chủ yếu là cung cấp cho các khách sạn, nhà hàng… “Vừa rồi, có công văn của tỉnh yêu cầu các khách sạn, nhà hàng, bếp ăn từ 20 người trở lên phải lấy rau từ cơ sở sản xuất rau an toàn… Chắc mấy hôm nữa có công văn về…”, ông Công hào hứng lấy bản fax ra khoe. Khi hỏi về nhu cầu vay vốn, ông Công mừng rỡ: “Vay chứ! Cho vay một tỷ tôi cũng vay. Có chỉ đạo của tỉnh rồi, chúng tôi phải tính tới mở rộng vùng nguyên liệu, đặt hàng các hộ dân quanh vùng”.

Trên suốt con đường hơn 10 cây số từ sân bay Cỏ Ống về thị trấn Côn Ðảo là một màu xanh bất tận của cây, của biển, của trời. Hướng dẫn viên du lịch của Saigon Condao kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về những người tù Côn Ðảo, về huyền thoại cô Sáu, chỉ cho chúng tôi những địa danh ghi dấu sự đấu tranh bất khuất, kiên cường, ý chí sắt đá của hàng chục nghìn chiến sỹ cộng sản.

“Nhu cầu du lịch tâm linh của nhân dân và khách du lịch nước ngoài về đảo ngày càng lớn, do vậy, nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án xây dựng các công trình phục vụ du lịch và giải quyết việc làm là rất lớn, đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành trong đó có vai trò của NHCSXH…”, Giám đốc Trương Quang Huân chia sẻ.

Chia tay Côn Ðảo, Giám đốc NHCSXH huyện Côn Ðảo vui mừng thông báo: “Hôm nay đã có tàu từ đất liền vào…”. Ông Huân cho biết, đã 16 ngày nay không có tàu vào và đây là niềm vui lớn của người dân đảo… Nhìn vào ánh mắt của ông, chúng tôi hình dung một ngày không xa, mảnh đất đầy tiềm năng này không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại chỗ mà còn cung ứng cho đất liền những sản vật chính từ sự mặn mòi của biển, đảo…

Thanh Lan

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác