CCB Kỳ Lâm phát triển kinh tế đồi rừng

24/01/2014
(VBSP News) Dọc đường Hồ Chí Minh lịch sử, qua ngã 3 Cổng Trời - nơi giáp danh tỉnh Hà Tĩnh với Quảng Bình sẽ bắt gặp cảnh những người dân làng quê bên dãy Trường Sơn đang hối hả chăm sóc vườn cây, ao cá để vui Xuân, đón Tết, ít ai nghĩ rằng những năm về trước còn là một vùng đồi núi hoang vắng thuộc địa phận xã Kỳ Lâm, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Bà con nông dân xã Kỳ Lâm đang biến đồi hoang thành vườn cây ăn quả đặc sản

Bà con nông dân xã Kỳ Lâm đang biến đồi hoang thành vườn cây ăn quả đặc sản

Nhận thấy vùng đất này có thể cho bà con nông dân cơ hội khai thác thoát nghèo, làm giàu, nếu có quyết tâm và biết cách đầu tư lao động, tiền vốn, nên ông Lê Viết Hừng ở xã Kỳ Lâm đã quyết định đấu thầu từ mùa xuân 2008.

Trên diện tích gần 20ha bao gồm ao đầm, đồi trọc, ông Hừng đã sử dụng hơn 50 triệu đồng, gồm 30 triệu đồng vay chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH cộng với số tiền vay thêm của người thân để cải tạo mặt bằng, mua giống cây, giống con lập một trang trại sản xuất theo mô hình VACR. Hiện tại, cơ ngơi của ông Hừng đã có ao thả cá rộng hơn 4ha, chia thành 2 khu; 1 khu chuyên nuôi cá trắm đặc sản, 1 khu ươm cá giống lấy từ sông Ngàn Sâu về nuôi. Riêng khu cá thịt, từ năm 2009 đến nay cho thu hoạch ổn định đạt 8 tấn/năm; Dự kiến vụ thu cá bán Tết năm nay, gia đình ông Hừng sẽ thu khoảng 40 triệu đồng. Còn đối với các loại gia cầm khác, mỗi năm ông nuôi 40 con lợn rừng, 1.500 con gà đồi, cung cấp cho khu công nghiệp Vũng Áng của tỉnh, sau khi trừ các khoản chi phí, được lãi hơn 200 triệu đồng.

Ấy là chưa kể đến khoản thu nhập từ vườn cam Bù loại quả đặc sản ngọt lịm, mọng nước của quê hương Nghệ Tĩnh và 5ha rừng cây keo, bạch đàn, 4ha sắn. Như vậy, tổng doanh thu từ trang trại tổng hợp của ông Hừng đạt ở mức kỷ lục 300 triệu đồng/năm. Đây quả là con số mơ ước đối với người nông dân ở vùng đồi núi Kỳ Anh, Hà Tĩnh từ khi được nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ làm kinh tế vườn đồi, vườn rừng.

Không dừng lại ở đó, nhờ mùa màng bội thu về trồng trọt, chăn nuôi, sau khi trả hết nợ ngân hàng đúng kỳ hạn, kinh tế gia đình khấm khá, nông dân Lê Viết Hừng đã tiếp tục mở rộng trang trại bằng cách đầu tư 100 con lợn rừng, 200 con dê núi và trồng bưởi Phúc Trạch trên diện tích chuyên canh 400 cây. Trang trại của ông cũng đã tạo việc làm ổn định cho 12 lao động, với thu nhập 3 - 3,5 triệu đồng/tháng/người. Đầu quý 4 năm 2013, ông tiếp tục được giải quyết cho vay 300 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm và chính quyền địa phương gia hạn thời gian thuê đất canh tác, cũng như tăng thêm diện tích thuê để đầu tư phát triển kinh tế trang trại.

Chia tay gia đình ông Hừng khi mặt trời đang chầm chậm gối đầu nơi đỉnh Trường Sơn. Vẳng vẳng đâu đây, tiếng chim rừng líu lo gọi bầy về tổ. Tạm biệt những miệt làng vùng thượng, chúng tôi như hòa vào cảnh sắc của cung đường Trường Sơn của những năm đổi mới.

Bài và ảnh Ngọc Phúc

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác