Đưa nước sạch về vùng bãi ngang Phú Lộc
Tiếp chúng tôi tại trụ sở làm việc, Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền Nguyễn Thắng Lợi phấn chấn nói: “Nước sạch đã vượt khu đầm phá sình lầy về tận “vùng sâu” ven biển rồi. Trước đây xã chúng tôi là một trong những vùng đặc biệt khó khăn về đời sống, sản xuất, lại thiếu nước trầm trọng. Hầu hết người dân phải liều mình sử dụng nước giếng khoan đục ngầu và nước trên những trảng cát nhiễm mặn, phèn nặng”.
Đúng vậy, xã Vinh Hiền có 8.200 hộ với trên 20.000 nhân khẩu cứ 5 - 7 hộ mới có chung một cái giếng khoan vừa dùng để sinh hoạt, vừa tưới tiêu cho cây trồng. Nhiều gia đình ở sát biển thì phải “chắt” nước trên vũng cát để dùng. Đó là thời gian bà con đối diện với nghèo khổ, bệnh tật.
Để khắc phục tình trạng thiếu nước sạch cho các xã bãi ngang thuộc khu vực đầm Cầu Hai này, được sự trợ giúp đắc lực của NHCSXH và Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, một hệ thống nước máy vượt hàng chục cây số bãi đầm lầy đã được xây dựng, với sự đầu tư vốn ưu đãi hàng chục tỷ đồng và sự đổi mới về công nghệ, giải pháp thiết kế nhằm bảo đảm chất lượng công trình. Đại bộ phận người dân nơi đây được vay vốn từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn để đầu tư xây bể, bắc đường ống dẫn nước sạch từ hệ thống chính của nhà máy nước về nhà để sử dụng, thay cho việc phải dùng nước giếng khoan bị ô nhiễm trước đây.
Hiện tại, nhờ nguồn nước sạch vượt đầm phá đã hòa chung vào mạng lưới nước sạch của nhà máy nước cung cấp đủ nước sạch cho sinh hoạt, sản xuất của 7 thôn thuộc xã Vinh Hiền, còn xã Vinh Bình, có 6.800 hộ dân thì đã có hơn 60% hộ sử dụng vốn vay NHCSXH đưa nước sạch về dùng tại nhà. Số hộ còn lại đường ống của nguồn nước sạch vượt đầm phá bằng sự giúp đỡ của nguồn vốn ưu đãi đang “phủ sóng”, hứa hẹn đến đầu quý II/2014 sẽ mang nước sạch về với dân vùng “biển khát”.
Nước sạch vượt đầm phá về làng quê mang theo khát vọng lâu đời cho người dân. Bà Huỳnh Thị Ngớt ở thôn Hiền An 2, xã Vinh Hiền hồ hởi kể chuyện “Gia đình tôi sử dụng nước sạch của công trình cấp nước sạch từ nhà máy, trung bình mỗi tháng, 5 người sử dụng hết 13m3 nước, với mức giá 3.500 đồng/m3 rất phù hợp với thu nhập của người dân”.
Nước sạch không chỉ làm thay đổi điều kiện sống sản xuất của hàng chục nghìn người dân vùng bãi ngang ở đầm Cầu Hai mà còn mở ra một cơ hội mới làm đòn bẩy phát triển kinh tế cho những xã ven biển này. “Gia đình tôi chủ yếu làm nghề nông nên phụ thuộc nguồn nước tưới, tới mùa cắt điện hay khô hạn phải xoay xở nước rất cực khổ. Từ khi được vay vốn đưa nước sạch về làng, gia đình có điều kiện đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, không còn tất bật “chạy” lo từng gàu nước ngọt cho sinh hoạt nữa. Nhờ có đủ nước sản xuất, tôi trồng 8 sào hoa màu, hái bán quanh năm, thoát cảnh nghèo nàn, có đồng ra đồng vào”, nông dân Phan Dũng cho biết.
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vinh Hiền Huỳnh Thị Hiền cho hay: “Từ khi NHCSXH triển khai chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, nước sạch đã về với nông dân để tập trung cho sản xuất, nâng diện tích lúa trên địa bàn xã lên hơn 200ha, với năng suất 60 tạ/ha. Chương trình cũng đang góp phần làm thay đổi bộ mặt những vùng quê nghèo ven biển, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong tiến trình xây dựng Nông thôn mới”.
Bài và ảnh Đông Dư
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Mở hướng thoát nghèo bền vững
- » Phụ nữ xứ Thanh làm giàu từ vốn vay chính sách
- » Mô hình phụ nữ xóa nghèo hiệu quả ở Hàm Yên
- » Mang vốn đến người nghèo
- » Cải thiện cuộc sống từ vốn vay chính sách
- » Chuyển biến mới ở Hậu Giang
- » Nhiều hộ đồng bào DTTSĐBKK ở Vĩnh Phúc thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi
- » Đồng hành cùng nông dân
- » Bình Định: Tín dụng ưu đãi góp phần xóa nghèo bền vững
- » Lạng Sơn củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn