Hòa Bình công khai, dân chủ trong thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi

22/12/2012
(VBSP) Trong những năm qua, nguồn vốn ưu đãi được NHCSXH tỉnh Hòa Bình thực hiện đã trở thành địa chỉ tin cậy cho các hộ nghèo, đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, Ngân hàng đã triển khai cho vay 10 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ trên 1.515 tỷ đồng. Nguồn vốn đã đến tận tay người thực sự cần vốn giúp họ thoát nghèo.
Nhờ nguồn vốn vay, gia đình ông Bùi Văn Nử ở xóm Cát, xã Yên Phú (Lạc Sơn) vay vốn nuôi lợn cho thu nhập trên 50 triệu đồng/năm

Nhờ nguồn vốn vay, gia đình ông Bùi Văn Nử ở xóm Cát, xã Yên Phú (Lạc Sơn) vay vốn nuôi lợn cho thu nhập trên 50 triệu đồng/năm

Thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC), NHCSXH tỉnh Hòa Bình đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ), triển khai các văn bản chỉ đạo đến các đơn vị, toàn thể cán bộ viên chức (CBVC) trong đơn vị. Để thực hiện tốt các chính sách ưu đãi của Nhà nước, Ngân hàng luôn đặt quyền làm chủ của mỗi CBVC, lao động đối với từng lĩnh vực được phân công hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ của đơn vị.

Đối với cấp lãnh đạo trong Ngân hàng phải lắng nghe và tiếp thu những ý kiến tham gia của cán bộ, viên chức, người lao động từ các phòng, các tổ chức, đoàn thể trong Ngân hàng để có những giải pháp phù hợp. Giải quyết chế độ, chính sách của Nhà nước, các quy định và hướng dẫn của Ngân hàng phù hợp với thẩm quyền được giao. Thực hiện công khai chương trình tín dụng ưu đãi, các chế độ, chính sách liên quan đến tín dụng ưu đãi, thủ tục vay vốn tại các Điểm giao dịch lưu động theo đúng hướng dẫn của NHCSXH. Đơn vị công khai các khoản phí phải trả đối với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và Ban quản lý Tổ TK&VV. Tham mưu thành lập các đoàn kiểm tra, kiểm toán nội bộ, kiểm tra, giám sát, kiểm tra đột xuất hoạt động Điểm giao dịch lưu động và NHCSXH các huyện; tổng hợp kết quả kiểm tra và báo cáo công khai kết quả kiểm tra trong toàn chi nhánh. Thực hiện chế độ công khai tài chính, kê khai tài sản theo quy định của Nhà nước; công khai các quyền lợi, chế độ, chính sách đối với cán bộ, viên chức và người lao động, hàng năm kiểm điểm đánh giá phân loại cán bộ. Công khai những quy định về sử dụng tài sản, xây dựng cơ bản, sửa chữa tài sản, khoán tài chính, tuyển dụng, nâng bậc lương, thuyên chuyển, điều động cán bộ, khen thưởng - xử lý kỷ luật và các chế độ chính sách khác.

Tập thể cán bộ, viên chức và người lao động toàn chi nhánh đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho hoạt động của đơn vị mình. Kiên quyết đấu tranh với các hiện tượng bè phái gây mất đoàn kết nội bộ, vi phạm QCDC, vi phạm kỷ cương, phép nước trong cơ quan, đơn vị. Đồng thời, thực hiện đúng những quy định của Pháp lệnh cán bộ - công chức, Luật phòng - chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, gìn giữ phẩm chất, uy tín của cán bộ Ngân hàng, tôn trọng đồng nghiệp, khách hàng, bảo vệ uy tín của cơ quan và toàn ngành. Trong quá trình triển khai, Ngân hàng luôn đặt quyền làm chủ của mỗi CBVC và người lao động đối với từng lĩnh vực phân công. QCDC phát động được phong trào thi đua và động viên, khen thưởng kịp thời, thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị của cơ quan. Theo đánh giá của BCĐ QCDC tỉnh, việc thực hiện QCDC phải tiến hành đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa chuyên môn và các tổ chức, đoàn thể, phát huy tinh thần dân chủ trong CBVC, lao động trong thực thi nhiệm vụ được giao, động viên, khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Việt Lâm

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác