Nguy cơ tái nghèo của 1,5 triệu hộ cận nghèo: CẦN TIẾP SỨC TỪ NGUỒN TÍN DỤNG ƯU ĐÃI

22/12/2012
(VBSP) Theo chuẩn nghèo mới, cả nước hiện còn hơn 1,5 triệu hộ cận nghèo. Những hộ cận nghèo này có mức sống không khá hơn hộ nghèo là bao và cũng rất thiếu vốn đầu tư sản xuất, phát tnển kinh tế. Vì vậy, việc có những chính sách để tiếp sức cho họ từ nguồn tín dụng ưu đãi, giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững là điều rất cần thiết, nếu không nguy cơ tái nghèo đối với hộ cận nghèo rất cao.

Theo số liệu của Bộ LĐTB&XH, cả nước hiện có 2.580.885 hộ nghèo, 1.530.295 hộ cận nghèo. Miền núi Tây Bắc có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất với 33,02%, tiếp đến là miền núi Đông Bắc 21,01%, Tây Nguyên 18,62%, Khu IV (cũ) 18,28%, Duyên hải miền Trung 14,49%, ĐBSCL 11,39%, Đông bằng sông Hồng 6,5% và Đông Nam Bộ 1,7%. Về số hộ cận nghèo, vùng có tỷ lệ hộ cận nghèo cao nhất là Khu IV (cũ) 13,78%, tiếp đến là miền núi Tây Bắc 12,08%. Vùng có tỷ lệ hộ cận nghèo thấp nhất là Đông Nam Bộ 1,78%.

“Hộ cận nghèo là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đồng - 520.000 đồng/người/tháng sống ở khu vực nông thôn; từ 501.000 đồng - 650.000 đồng/người/tháng sống ở khu vực thành thị thì được đưa vào danh sách hộ cận nghèo”.

(Nguồn: Bộ LĐTB&XH)

Khảo sát tại nhiều địa phương cho thấy, một trong những nguyên nhân cơ bản của hiện tượng tái nghèo là do hộ cận nghèo thiếu vốn để đầu tư sản xuất. UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, qua tổng điều tra năm 2011, tỉnh Đắk Nông hiện còn hơn 3 nghìn hộ cận nghèo, hầu hết đều thiếu vốn sản xuất. Trong điều kiện kinh tế hiện nay, nhóm đối tượng này chưa thoát nghèo bền vững và rất dễ bị tái nghèo.

Cũng giống như Đắk Nông, tỉnh Quảng Bình hiện cũng còn rất nhiều hộ cận nghèo, hộ vượt qua ngưỡng nghèo có nguy cơ tái nghèo cao chưa được tiếp tục vay vốn ưu đãi để tái đầu tư mở rộng sản xuất, đặc biệt tại 8 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo…

Chợ Đồn (Bắc Kạn) là huyện mức sống tương đối khá, tuy nhiên số hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn nhiều. Theo kết quả rà soát, toàn huyện có 11.994 hộ, trong đó: số hộ nghèo là 1.883 hộ và hộ cận nghèo là 1.393 hộ. Nhiều hộ cận nghèo cho biết, dù đã thoát nghèo nhưng vẫn chưa bền vững. Đa phần muốn được vay vốn ưu đãi lãi suất thấp để làm giàu, thì lại không thuộc diện đối tượng vay. Biến động hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2011 của Chợ Đồn cũng cho thấy việc tái nghèo, tái cận nghèo vẫn diễn ra. Cụ thể, đã có 79 hộ từ diện không nghèo rơi xuống cận nghèo; 66 hộ từ không nghèo xuống nghèo và 61 hộ từ cận nghèo xuống nghèo.

“… Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo để giảm nghèo bền vững. Phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng trên 3,5 lần so với năm 2010, tỉ lệ hộ nghèo cả nước giảm 1,5 - 2%/năm; các huyện, xã có tỷ lệ nghèo cao giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo từng giai đoạn…”.

(Trích: Điểm III, Mục 2 của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 của Ban Chấp hành Trung ương về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020)

Còn theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của Nghệ An đến cuối năm 2011 cho thấy, có đến 117.286 hộ cận nghèo, bao gồm cả hộ thoát nghèo những năm trước đó, chiếm 15,97% tổng số hộ (cao hơn mức bình quân của khu vực Bắc Trung bộ 13,78%; cả nước là 6,89%). Số hộ cận nghèo chủ yếu tập trung vào các hộ thuần nông ở nông thôn miền núi, vùng đồng bằng ven biển, các hộ tiểu thương nhỏ. Đến một số huyện, tiếp cận với các hộ cận nghèo cho thấy, ngoài một số hộ nghèo và các đối tượng khác đã được xác định hưởng chính sách vay vốn ưu đãi của NHCSXH, hộ cận nghèo tuy còn thiếu vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình nhưng chưa hề được vay nguồn vốn nào và nguy cơ tái nghèo rất cao.

Gia đình chị Vi Thị Hồng Hà thuộc xã Châu Hội, huyện Châu Quỳ (Nghệ An) là một ví dụ. Là một trong 1 trong 25 hộ cận nghèo bản Hội 1, gia đình Chị Hà hiện có 2 sào ruộng và 1ha rừng nhưng đều thiếu vốn mua sắm tư liệu sản xuất đầu tư trồng rừng phát triển kinh tế gia đình. Trước đó, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo được vay 20 triệu đồng đã trả hết nợ, nay do đau ốm phải đi chữa bệnh, không còn vốn tái sản xuất nên trở lại hộ cận nghèo. Mong muốn của gia đình được tiếp tục vay từ 30 - 40 triệu đồng để đầu tư mua cây keo giống trồng rừng và phát triển trang trại nhỏ.

“… Ngày 19/5/2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 80/NQ-CP về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 - 2020. Theo đó, giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng, trình ban hành chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ cận nghèo…”.

(Trích: Nghị quyết 80/NQ-CP của Chính phủ)

Theo ông Đỗ Kim Phượng - Tổ trưởng Tổ TK&VV thuộc Hội CCB bản Hội 1, trong số 47 hộ nghèo, có 25 hộ cận nghèo bao gồm cả hộ thoát nghèo trước đó. Các hộ cận nghèo rất khó khăn và có nguy cơ thành hộ nghèo do thiếu vốn sản xuất, nên họ có nhu cầu được vay vốn rất cao từ 30 - 50 triệu đồng.

Theo NHCSXH các địa phương, hiện nay chưa có một chính sách cụ thể nào hướng dẫn cho vay vốn đối với đối tượng là hộ cận nghèo. Khoảng cách giữa hộ nghèo và cận nghèo ngắn nên việc trở thành hộ nghèo là rất dễ xảy ra. Hộ nghèo được vay vốn thoát nghèo, nhưng hộ cận nghèo lại chưa được vay vốn ưu đãi - đây cũng là điều bất hợp lý, cần được các cấp, các ngành chức năng xem xét giải quyết.

Qua khảo sát ý kiến nhiều địa phương thấy rằng, việc mở rộng chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ cận nghèo là rất cấp thiết. Vì vậy, NHCSXH đã xây dựng đề án về việc phục vụ đối tượng hộ cận nghèo theo hướng mức cho vay, thủ tục như hộ nghèo, lãi suất xấp xỉ hoặc ngang bằng lãi suất thị trường.

Dũng Hiếu

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác