Lồng ghép các nguồn vốn chính sách ở buôn làng Tây Nguyên

22/12/2012
(VBSP) Trên cao nguyên huyện Cư Mgar (Đắc Lắc) có một vùng quê nằm ở phía đông dẫy Trường Sơn, đó là xã Ea HĐing, đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang, với căn cứ của 2 cuộc kháng chiến, hiện có 1.747 hộ với gần 5 nghìn khẩu, trong đó: hơn một nửa là người Ê Đê. 5 - 7 năm về trước xã có tới 41% hộ nghèo; có buôn làng như Ea Pông K, nhiều hộ dân không có đất vườn, chuồng trại chăn nuôi, cả buôn chỉ có 5 giếng tự đào nhưng chỉ có nước vào 3 tháng mùa mưa, nương rẫy. Một số chuyên vào rừng khai thác gỗ, củi trái phép. Việc phát nương làm rẫy du canh du cư thường xuyên xảy ra.

Trước thực trạng đó, một trong những biện pháp xóa nghèo, xây dựng nông thôn mới là phải tạo điều kiện về đất đai, vốn vay, sản xuất kết hợp với tổ chức định canh, định cư một cách ổn định, phát triển vững chắc. Ông Võ Tấn Hiệp - Chủ tịch UBND huyện Cư Mgar cho biết, năm 2007, huyện quyết định triển khai dự án đầu tư mạnh nguồn vốn ưu đãi, xây dựng mô hình làng định canh, định cư và chọn buôn Ea Rông K, xã Ea HĐing làm thí điểm thực hiện phương châm dự án là huy động mọi nguồn lực, mọi nguồn vốn, lồng ghép các nguồn vốn, trong đó: nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đóng vai trò chủ đạo để triển khai thực hiện nhằm đưa buôn Ea Pông K thoát khỏi những tập tục lạc hậu về đời sống, về sản xuất, xóa nghèo và xây dựng mô hình nông thôn mới.

Ngay từ những ngày đầu bắt tay vào thực hiện dự án, cùng với các ngành, NHCSXH huyện đã tổ chức giải ngân kịp thời hơn 2 tỷ đồng vốn ưu đãi cho các hộ nghèo vay đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Kế tiếp, Tổ giao dịch lưu động của Ngân hàng phối hợp nhịp nhàng với Trung tâm NS&VSMTNT, động viên đồng bào dân tộc vay vốn làm nhà tiêu hợp lý, bắc đường ống dẫn nước sạch từ Trung tâm của xã về tận nhà để sử dụng. Việc đầu tư vốn vay ưu đãi này đã góp phần làm cho người Ê Đê ở buôn làng xa xôi bỏ dần tập quán du canh, du cư, cũng như dùng nước sông suối nhiễm bẩn trước đây. Chính nguồn vốn của NHCSXH cùng cuộc vận động sâu rộng, bền bỉ, thuyết phục người dân, chỉ sau 3 năm triển khai dự án, tỷ lệ hộ nghèo của buôn Ea Pông K đã giảm từ 28,5% xuống 21,2%, đời sống kinh tế cũng như tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Ông E Nai Khai - Trưởng buôn làng Ea Pông K phấn khởi nói: Muốn giảm nghèo ở vùng dân tộc xa xôi thì phải để cho đồng bào trực tiếp được nghe, được hưởng những lợi ích thực tế mà dự án mang lại. Thời gian qua, người dân tộc nghèo nơi đây đã được vay nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, kể cả vốn của NHCSXH cho 48 hộ, DTTS  đặc biệt khó khăn không tính lãi. Nay dân làng mình tin Nhà nước, mến yêu NHCSXH nhiều rồi và phấn khởi lắm. Mọi người bảo nhau cách dùng vốn vay ưu đãi để nuôi trâu bò, trồng bắp lai tốt, đặc biệt là không bỏ buôn làng, nương rẫy để vào rừng chặt phá bừa bãi nữa.

Đến với buôn Ea Rông K cũng như xã Ea HĐinh Anh hùng giờ đây, chúng ta sẽ bắt gặp diện mạo mới của làng quê trên cao nguyên. Mọi gia đình nghèo đều được vay vốn ưu đãi thuận tiện để trồng cây cà phê, chăn nuôi gia súc, gia cầm đầy đàn, chật chuồng. 100% các hộ dân tộc có nước sạch, có điện lưới để dùng trong sinh hoạt, sản xuất. Một số gia đình còn mua cả máy cày, máy xay sát, ô tô bán tải sau khi đã trả hết nợ vay, nộp lãi đầy đủ với Ngân hàng. Những hộ người Ê Đê như ông K Rems, bà  Nai Sương, chị Nai Tháng, anh SK Bông… mới ngày nào nghèo khổ vô chừng, nay nhờ vốn vay ưu đãi, trồng được cả đồi cà phê, thả được cá trên đỉnh đồi mà thoát hết cảnh cơ hàn. Họ tâm sự rằng: Có cuộc đời tươi sáng nơi rừng núi heo hút này là nhờ Đảng, Nhà nước và cả NHCSXH nữa đấy.

Tuy vậy, theo Chủ tịch UBND huyện Cư Mgar, hiện vùng đất này vẫn còn một số khó khăn làm cản trở tiến độ của dự án, đó là đời sống của dân, của huyện còn nghèo. Trên cao nguyên, các thành phần kinh tế chưa phát triển và các nguồn vốn kể cả vốn chính sách còn có hạn, ví dụ như chương trình cho vay GQVL, chương trình tín dụng NS&VSMTNT, với số tiền cho vay quá ít, chưa tương ứng với biến động giá cả và nhu cầu của nhân dân…

Dù những con số về hiệu quả của dự án vẫn còn thấp so với các vùng miền khác, song đây vẫn được xem là bước tiến vượt bậc ở vùng sâu trên Tây Nguyên. Mong rằng những khó khăn trên sớm được khắc phục để Cư Mgar phát triển nhanh chóng và bền vững, xóa được nghèo triển khai thành công việc xây dựng nông thôn mới ở vùng Tây Nguyên hùng vĩ và Anh hùng.

Đông Dư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác