Có một ngân hàng rất đặc thù Việt Nam

22/12/2012
(VBSP) Đó là Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, mà vì mục tiêu giảm nghèo, góp phần an sinh xã hội. Một ngân hàng rất Việt Nam từ tổ chức bộ máy điều hành đến huy động vốn, cách thức cho vay... Rất đặc thù, nhưng lại rất hiệu lực và hiệu quả.
Nông dân thoát nghèo, nhưng chưa hết... khó

Nông dân thoát nghèo, nhưng chưa hết… khó

Tập trung được nguồn lực

Khác với các Ngân hàng Thương mại, hoạt động với phương thức “đi vay để cho vay”, “mua ở thành thị bán về nông thôn”… với mục tiêu tối thượng là lợi nhuận; NHCSXH thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ, đã tập trung được nguồn lực khá lớn để cho vay ưu đãi hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Tính đến ngày 31/8/2012 tổng nguồn vốn tín dụng chính sách do NHCSXH đảm nhận đạt 112 nghìn tỷ đồng, tăng 104.879 tỷ đồng (gấp 15,58 lần) so với thời điểm NHCSXH nhận bàn giao (đầu năm 2003), bình quân hằng năm tăng trưởng 32%; trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp dưới hình thức cấp vốn điều lệ, cấp vốn cho vay các chương trình mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm và thực hiện các chính sách xã hội khác: 21.156 tỷ đồng, chiếm 18,88% tổng nguồn vốn; vốn đi vay lãi suất thấp từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Kho bạc Nhà nước, vay nước ngoài: 38.342 tỷ đồng, chiếm 34,21% tổng nguồn vốn; vốn huy động lãi suất thị trường được ngân sách cấp bù: 46.171 tỷ đồng, chiếm 41,2%, trong đó: Chủ yếu là vốn phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh (22.677 tỷ đồng), nhận 2% tiền gửi của các tổ chức tài chính, tín dụng Nhà nước (20.318 tỷ đồng); các quỹ và vốn khác: 6.404 tỷ đồng, chiếm 5,71% tổng nguồn vốn.

Theo nguồn tin từ NHNN, những năm qua một số nước nghèo trên thế giới đến Việt Nam thăm quan, học hỏi kinh nghiệm của NHCSXH, nhưng về nước họ không làm được vì thiếu một thể chế chính trị như nước ta. Với mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù, NHCSXH đã huy động được nhiều cán bộ có tâm huyết từ các cơ quan chính quyền, đoàn thể tham gia quản trị và nhận ủy thác quản lý vốn vay. Nhiều vị quan khách nước ngoài đã nhận xét “bộ máy quản trị của NHCSXH rất đặc thù, rất Việt Nam”; gồm Hội đồng quản trị (HĐQT) ở Trung ương và Ban đại diện HĐQT cấp tỉnh, cấp huyện do các cơ quan quản lý Nhà nước, (trong đó: Chủ tịch HĐQT là Thống đốc NHNN Việt Nam, Trưởng ban đại diện là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cùng cấp). HĐQT có nhiệm vụ tham mưu hoạch định các chính sách về nguồn vốn, đầu tư tín dụng chính sách. Đồng thời chỉ đạo, giám sát việc thực thi chính sách hỗ trợ tín dụng của Nhà nước.

Bộ máy điều hành tác nghiệp làm nhiệm vụ thường trực, tổ chức điều hành quản lý vốn thống nhất từ Trung ương đến cơ sở với gần 9000 cán bộ thuộc NHCSXH.

Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo trong điều kiện phải tinh giản biên chế, tiết giảm chi phí quản lý, NHCSXH đã thực hiện phương thức quản lý thông qua hình thức ủy thác từng phần cho các tổ chức hội, đoàn thể, các Tổ TK&VV và tổ chức giao dịch trực tiếp tại xã, phường. Hiện có hàng vạn cán bộ của các Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đang tham gia thực hiện dịch vụ ủy thác cho NHCSXH. Một số công đoạn trong quy trình tín dụng liên quan đến: Thành lập và chỉ đạo hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), bình xét hộ đủ điều kiện vay vốn, hướng dẫn người vay sử dụng vốn, kiểm tra giám sát quá trình sử dụng vốn vay, cùng ngân hàng đôn đốc thu hồi nợ. Đến 31/8/2012, các tổ chức hội, đoàn thể đã tham gia quản lý 106 nghìn tỷ đồng dư nợ tín dụng, chiếm 98% trong tổng dư nợ của NHCSXH. Bên cạnh đó, NHCSXH đã phối hợp cùng các tổ chức hội, đoàn thể và chính quyền địa phương xây dựng được hơn 203 nghìn Tổ TK&VV, tổ chức được gần 11 nghìn Điểm giao dịch. Tại các Điểm giao dịch, tín dụng chính sách của Nhà nước, danh sách hộ vay vốn và các quy trình thủ tục của NHCSXH được niêm yết công khai, người vay giao dịch trực tiếp với NHCSXH vào ngày cố định hàng tháng để gửi tiền tiết kiệm, vay và trả nợ trước sự chứng kiến của hội, đoàn thể, Tổ trưởng Tổ TK&VV và chính quyền xã. Vì vậy, đã hạn chế được việc thất thoát, xâm tiêu, tham ô lợi dụng tiền vốn, tạo được lòng tin của nhân dân đối với các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động của NHCSXH.

Công cụ tài chính của Nhà nước đạt hiệu quả

Từ chỗ thực hiện 1 chương trình tín dụng chính sách, đến nay NHCSXH đã triển khai thực hiện tới 18 chương trình, dự án. Ngoài ra, còn có nhiều chương trình, dự án của các địa phương, các tổ chức và cá nhân ủy thác cho NHCSXH thực hiện.

Trong 10 năm hoạt động doanh số cho vay của NHCSXH đạt khoảng 178 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi năm đạt khoảng 19.800 tỷ đồng; doanh số thu nợ đạt khoảng 83 nghìn tỷ đồng; trong đó, riêng 8 tháng đầu năm 2012, doanh số thu nợ đạt 14.740 tỷ đồng, góp phần đáng kể để cho vay quay vòng các chương trình tín dụng chính sách.

Đến 31/8/2012, tổng dư nợ đạt 108.950 tỷ đồng, tăng 101.928 tỷ đồng (gấp 15,51 lần) và tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 34% với gần 7 triệu đối tượng phục vụ còn dư nợ, tăng hơn 4,2 triệu khách hàng so với năm 2003.

Dư nợ tập trung vào 6 chương trình lớn là: cho vay hộ nghèo (chiếm 37,2% tổng dư nợ), học sinh, sinh viên (31,5%), hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn (10,6%), nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (9%), giải quyết việc làm (4,9%), hỗ trợ hộ nghèo làm nhà (3,4%). Tính ra, 6 chương trình chiếm 96,6% tổng dư nợ của ngân hàng.

Qua 10 năm hoạt động, đến nay, NHCSXH đã chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đưa dư nợ bình quân một khách hàng vay vốn tăng từ 2,5 triệu đồng (năm 2003) lên 15,5 triệu đồng (31/8/2012), với hơn 18,9 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần giúp gần 2,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 2,5 triệu lao động; giúp 2,8 lượt triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 4 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 87 nghìn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ Đồng bằng sông Cửu Long; trên 470 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách; hơn 97 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động… Dư nợ tín dụng chính sách tại các xã vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng khó khăn tăng nhanh, bình quân chiếm hơn 50% tổng dư nợ trên địa bàn, đặc biệt tại một số xã, chiếm trên 80%.

Ngoài việc nhận vốn do ngân sách Nhà nước cấp, NHCSXH đã tích cực huy động tiền gửi tiết kiệm từ dân cư, từ các thành viên các Tổ TK&VV; nhận tiền gửi của các tổ chức tài chính, tín dụng; nhận ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, đặc biệt là của chính quyền các địa phương, thực hiện tốt phương châm đa dạng hóa nguồn lực cho mục tiêu giảm nghèo. Đến 31/8/2012, ngân sách các địa phương trong cả nước đã ủy thác 3.080 tỷ đồng qua NHCSXH để cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn vay phát triển sản xuất kinh doanh.

Sau 10 năm hoạt động, NHCSXH đã thực hiện tốt 5 mục tiêu đề ra là: (1) Tập trung nguồn vốn tín dụng chính sách của Nhà nước vào một đầu mối thống nhất, tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo, nâng cao nguồn nhân lực và đảm bảo an sinh xã hội. (2) Tăng cường hiệu quả đầu tư vốn tín dụng chính sách của Nhà nước thông qua việc nâng cao chất lượng tín dụng, rèn luyện ý thức tiết kiệm, tổ chức sản xuất kinh doanh để trả nợ đến hạn của người nghèo. (3) Tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng thương mại hoạt động theo đúng cơ chế thị trường. (4) Huy động được lực lượng toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp giảm nghèo. (5) Góp phần hạn chế tệ cho vay nặng lãi ở nông thôn.

Để phát triển ổn định, bền vững

Những kết quả đạt được là rất lớn, nhưng khó khăn lớn nhất đã và đang đặt ra cho NHCSXH là cơ chế tạo nguồn vốn, về cơ bản chưa có tính ổn định lâu dài; cơ cấu nguồn vốn hiện nay vẫn còn bị động và chắp vá. Trong khi nguồn vốn tín dụng chính sách tập trung để cho vay trung và dài hạn (chiếm trên 90% tổng dư nợ) thì nguồn vốn cho vay chủ yếu vẫn là vốn ngắn hạn, vốn tạm vay, tạm ứng của NHNN, Kho bạc Nhà nước và vốn huy động theo lãi suất thị trường, chiếm trên 80% tổng nguồn vốn. Nguồn vốn do ngân sách Nhà nước cấp chiếm tỷ trọng thấp, chưa đến 20%.

Nguồn vốn có thời hạn dài hiện nay chủ yếu là nguồn vốn phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh. Nhưng, việc phát hành trái phiếu phụ thuộc rất nhiều vào thị trường tiền tệ và lãi suất phát hành tại thời điểm. Ngoài ra, việc tăng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu và nguồn vốn huy động lãi suất thị trường sẽ làm tăng cấp bù chênh lệch lãi suất, tạo gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Mặt khác, đối tượng phục vụ Nhà nước giao cho NHCSXH ngày càng mở rộng, nhưng việc bố trí vốn có hạn, tạo nên khoảng cách lớn giữa cung và cầu, dẫn tới bị động cho các cơ quan quản lý Nhà nước và ngân hàng.

Mục tiêu hoạt động của NHCSXH đến năm 2020 là: Phát triển theo hướng ổn định bền vững, đảm bảo thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước… Theo các chuyên gia kinh tế, để NHCSXH hoàn thành được nhiệm vụ cao cả, trước hết cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế tạo lập nguồn vốn hiện nay. Cụ thể là:

Chính phủ cần cấp bổ sung vốn Điều lệ và vốn các chương trình chỉ định để nâng tỷ trọng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, phù hợp với mức độ tăng trưởng tín dụng hằng năm.

Có chính sách khuyến khích các tổ chức tài chính, tín dụng đóng góp vào nguồn vốn tín dụng chính sách…

Tạo điều kiện cho NHCSXH được tiếp nhận các khoản vốn vay ưu đãi trong và ngoài nước, vốn ODA…

Hồ Khánh Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác