Hộ cận nghèo vẫn chờ vay vốn

22/12/2012
(VBSP) Việc đưa hộ cận nghèo, hộ thu nhập thấp vào diện được vay vốn ưu đãi của NHCSXH là chủ trương được các cấp chính quyền và đông đảo người dân đồng tình, ủng hộ nhằm góp phần giảm nghèo bền vững, giảm tái nghèo. Nhưng tới nay, các đối tượng này vẫn phải chờ...
Đồng bào Mông ở xã Hồ Bốn (Mù Cang Chải, Yên Bái) phát triển đàn bò sinh sản từ vốn vay ưu đãi

Đồng bào Mông ở xã Hồ Bốn (Mù Cang Chải, Yên Bái) phát triển đàn bò sinh sản từ vốn vay ưu đãi

Chờ tiêu chí

Đưa hộ cận nghèo, hộ có thu nhập thấp vào diện để vay vốn ưu đãi tại NHCSXH là kiến nghị của nhiều cử tri được Quốc hội đưa vào Nghị quyết số 26/2012/QH13; và Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Trong báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIII do Ban Dân nguyện thực hiện đã dành một phần đề cập đến chính sách tín dụng ưu đãi, có kiến nghị Nhà nước mở rộng đối tượng cho vay tín dụng ưu đãi trong đó có hộ cận nghèo.

Tại Quyết định 852 ngày 10/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 cũng đưa hộ cận nghèo vào diện được vay vốn tín dụng ưu đãi.

Tuy nhiên, đến nay việc xây dựng chính sách để hộ cận nghèo được vay vốn vẫn chưa được ban hành. Nguyên nhân của sự chậm trễ này được ông Hà Công Long - Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho biết: Còn phải chờ các ngành thống nhất về tiêu chí và rà soát lại đối tượng là hộ cận nghèo.

“Việc ban hành chính sách cho hộ cận nghèo và bố trí nguồn vốn ổn định cho NHCSXH cần được làm sớm, tránh tính trạng “cử tri kiến nghị, Chính phủ tiếp thu, các Bộ, ngành đủng đỉnh…” - ông Hà Công Long.

Với Chương trình tín dụng HSSV, theo quy định hộ cận nghèo không thuộc đối tượng được thụ hưởng. Trong khi Luật Giáo dục lại quy định hộ có thu nhập thấp được vay vốn tín dụng ưu đãi cho con em đi học đại học, cao đẳng, trung cấp. Theo ông Long, hộ cận nghèo thường là hộ vừa thoát nghèo và có thu nhập thấp. Vậy HSSV là con em của hộ cận nghèo có thu nhập thấp muốn vay vốn ưu đãi để đi học thì các Bộ, ngành cần nhanh chóng điều chỉnh cho phù hợp, thống nhất giữa các văn bản luật và quy định. “Việc đưa các hộ có 2 con đang học đại học, cao đẳng, trung cấp và đào tạo nghề vào diện được vay vốn tín dụng ưu đãi HSSV mà NHCSXH đang thực hiện cũng từ tiếp thu kiến nghị của cử tri…” - ông Long cho hay.

Cần nguồn vốn ưu đãi bền vững

Tính toán theo tiêu chí có thu nhập tối đa không quá 150% hộ nghèo thì cả nước hiện có tới hơn 1,5 triệu hộ cận nghèo. Nếu mở rộng đối tượng thụ hưởng bên cạnh hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thì nguồn vốn bố trí sẽ phải tăng lên. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của NHCSXH là chưa chủ động được nguồn vốn.

Trong Chiến lược phát triển ngân hàng giai đoạn 2011 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đề ra mục tiêu tổng quát phát triển NHCSXH gắn liền với việc phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả hơn cho người nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Qua tổng hợp kiến nghị của cử tri, Ban Dân nguyện, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã đề nghị về việc thiết lập cơ chế tạo nguồn vốn tín dụng cho NHCSXH. Theo đó, vốn Nhà nước cấp, trong đó có ngân sách Trung ương cấp vốn điều lệ, vốn cấp bổ sung hàng năm cho NHCSXH đề nghị đưa vào dự toán ngân sách Nhà nước được Quốc hội thông qua hằng năm để NHCSXH và các Bộ, ngành liên quan chủ động thực hiện và đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách. Ngân sách địa phương tiếp tục dành một phần tăng thu, tiết kiệm chi để đầu tư cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Vấn đề này cũng được đề nghị đưa vào Luật Ngân sách để các địa phương có căn cứ thực hiện.

Phương Đông

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác