Vay vốn đi học ở Thủ đô

22/12/2012
(VBSP) 5 năm thực hiện Chương trình tín dụng đối với HSSV theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg, đến 31/7/2012 doanh số cho vay của NHCSXH TP. Hà Nội là 1.317 tỷ đồng, doanh số thu nợ 5 năm đạt 302,7 tỷ đồng, tổng dư nợ là 1.039 tỷ đồng với 72.031 HSSV vay vốn, số hộ gia đình có dư nợ là 61.274 hộ.
Gia đình chị Mích, anh Quang xã Mai Lâm, huyện Đông Anh hy vọng trong vài tháng tới, gia đình anh chị sẽ trả hết tiền vay vốn cho con đi học

Gia đình chị Mích, anh Quang xã Mai Lâm, huyện Đông Anh hy vọng trong vài tháng tới, gia đình anh chị sẽ trả hết tiền vay vốn cho con đi học

Niềm tự hào của mẹ

Trong ngôi nhà gọn gàng ở một góc thôn Mai Hiên, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh chị Nguyễn Thị Mích (47 tuổi) tự hào khoe về 3 cậu con trai ngoan ngoãn vừa học xong đại học đã có được việc làm chắc chắn. Cậu con trai trưởng Nguyễn Tiến Dũng tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, giờ đang công tác ở Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Hai cậu con trai sinh đôi, một người tốt nghiệp Học viện Quan hệ Quốc tế đã có “chân” trong Công ty Unilever Việt Nam, một tốt nghiệp Đại học Ngoại thương đã nhận việc tại Công ty Toyota.

Có được ngày hôm nay, gia đình anh chị đã phải vượt qua những ngày khó khăn, khi anh chị chỉ có mỗi nghề nông với tất tật 4,5 sào ruộng, nhà cửa không có tài sản gì. “Nhưng các con tôi học khá lắm - chị Mích kể - ngày Dũng vào đại học, dù kinh tế eo hẹp nhưng cả nhà phấn khởi lắm nên cả gia đình dồn sức cho Dũng. Cả gia đình làm mọi việc, từ nấu rượu, chăn nuôi đến chạy công nông”. Nhưng đến khi Dũng học năm thứ 3, Mạnh và Đức đều đỗ vào các trường đại học lớn, thì bài toán kinh phí thực sự làm gia đình chị hoang mang. “May quá, khi đó bắt đầu có Chương trình tín dụng HSSV. Các chị trong Hội ND đã hướng dẫn gia đình làm hồ sơ. Tôi còn nhớ như in kỳ giải ngân đầu tiên. Cầm 12 triệu đồng cho 3 đứa con, tôi bảo: Các con ơi, có tiền đi học rồi” - chị Mích nhớ lại. Lúc cao điểm, dư nợ gia đình chị lên tới 91 triệu đồng, nhưng tới nay, sau vài tháng trả nợ, nhà chị chỉ còn nợ lại 53 triệu đồng. Tháng vừa rồi, anh chị trả được tới 15 triệu đồng, và đang mong từ giờ đến Tết sẽ trả xong. “Giờ các con tôi đã học hành xong, có việc làm ổn định. Nhà tôi trả đi nhà khác có cơ hội được vay” - anh Nguyễn Đăng Quang, chồng chị Mích khẳng định về quyết tâm của gia đình.

Trên địa bàn Thủ đô còn rất nhiều câu chuyện cảm động như câu chuyện của gia đình chị Mích. Phía sau mỗi niềm tự hào là bao mồ hôi, nước mắt, sự chịu thương, chịu khó của các bậc làm cha, làm mẹ và người bạn đồng hành tận tụy âm thầm - NHCSXH.

Khắc phục bất cập để phát huy hiệu quả Chương trình

Qua 5 năm thực hiện Chương trình tín dụng HSSV, tổng hợp của NHCSXH TP. Hà Nội cho thấy vẫn còn những bất cập trong quá trình hoàn tất hồ sơ cho HSSV vay vốn. Tại một số nơi, UBND cấp xã chưa thực hiện việc khảo sát, điều tra bổ sung kịp thời hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình khó khăn đột xuất về tài chính. Việc xác nhận cho các đối tượng này vay vốn, nhiều địa phương triển khai khác nhau, có nơi thì quá chặt, ngược lại có nơi thì lỏng lẻo, chưa chặt chẽ, còn nể nang… Việc xác nhận HSSV của một số trường đào tạo còn chưa đầy đủ các thông tin quy định, giấy xác nhận của HSSV một số trường để cho HSSV tự ghi hoặc ghi sau nên có tình trạng tẩy xóa… làm ảnh hưởng đến công tác cho vay.

Về cơ bản, hộ vay và HSSV đều có ý thức trả nợ khi đến hạn. Tuy nhiên, việc thu nợ đối với HSSV vay trực tiếp nay đã ra trường gặp nhiều khó khăn do ý thức trả nợ chưa cao, không rõ địa chỉ liên hệ nơi cư trú. Một số trường hợp HSSV khi ra trường không có việc làm, không có thu nhập, trong khi gia đình vẫn thuộc diện hộ nghèo, hộ khó khăn nên việc thu hồi nợ đối với những hộ này gặp nhiều khó khăn.

Để Chương trình tín dụng HSSV tiếp tục phát huy hiệu quả, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, chính sách cho vay đối với HSSV, chính sách giảm lãi suất đối với trường hợp hộ vay có điều kiện và tự nguyện trả nợ trước hạn… trong thời gian tới, NHCSXH TP. Hà Nội tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát bằng nhiều hình thức, đảm bảo khách quan, trung thực, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những tồn tại, sai sót, đồng thời phát hiện những bất cập trong chính sách để kiến nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu bổ sung cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Bách Nguyễn

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác