Phát triển kinh tế gia trại vươn lên làm giàu ở Quảng Ninh

25/01/2014
(VBSP News) Khép lại năm 2013 với nhiều con số ấn tượng, kinh tế - xã hội phát triển ổn định, bền vững. Trên từng con đường, góc phố, làng quê, sắc xuân đã, đang lan toả khắp nơi, lòng người đang hy vọng mùa xuân mới vui tươi, yên bình. Trong mỗi ngôi nhà kia còn đang có một niềm vui khác, niềm vui đó chính từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ NHCSXH tỉnh Quảng Ninh bởi từ nhiều năm nay, nguồn vốn của chương trình này không chỉ giúp hàng nghìn hộ dân thoát nghèo mà đã tích cực góp phần vươn lên làm giàu trên quê hương nghèo khó của mình.
Từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm, gia đình anh Dương Văn Ký ở thôn An Biên, xã Thủy An, huyện Đông Triều (Quảng Ninh) đã có điều kiện phát triển kinh tế gia trai, vươn lên làm giàu

Từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm, gia đình anh Dương Văn Ký ở thôn An Biên, xã Thủy An, huyện Đông Triều (Quảng Ninh) đã có điều kiện phát triển kinh tế gia trai, vươn lên làm giàu

“Làm giàu không khó”

Công việc của đôi vợ chồng trẻ Dương Văn Ký ở thôn An Biên, xã Thủy An, huyện Đông Triều (Quảng Ninh) vào những ngày giáp tết này dường như bận rộn hơn rất nhiều bởi những chiếc xe tải của những lái buôn tới thu mua cam đường Canh. Nhắc tới anh Ký, thôn An Biên chắc chắn không ai không biết bởi anh là “đại gia” cam đường Canh ở đất này. Trước đây, 2 vợ chồng anh đều làm công tại vườn na của người cậu ruột ở Việt Dân. Tại đây, anh quen biết một người bạn quê Hà Nội chuyên làm nghề thu mua na đã giới thiệu và hướng dẫn cho anh kỹ thuật trồng cam đường Canh. Anh Ký chia sẻ: “Năm 2009, tôi cùng gia đình mua và thuê đất tại vùng đất trũng xóm dưới, thôn An Biên, không quản ngại khó khăn đào ao, đắp đê, cải tạo vườn. Đang trong lúc khó khăn vì thiếu vốn song vào thời điểm đó lãi suất vay vốn tại các Ngân hàng thương mại khá cao nên để vay được vốn không phải là điều dễ dàng. May mắn thay, tôi lại được biết thông tin NHCSXH đang triển khai cho vay nguồn vốn giải quyết việc làm. Tôi đã mạnh dạn đăng ký vay vốn để có tiền đầu tư cải tạo hệ thống hạ tầng, mua cây giống. Không chỉ được hưởng mức lãi suất thấp, tôi còn được các NHCSXH hướng dẫn tỉ mỉ, thủ tục vay vốn đơn giản nên gia đình tôi đã nhanh chóng vay được vốn để phát triển sản xuất. Nếu không có nguồn vốn đó, có lẽ gia đình tôi không có được cơ ngơi như ngày hôm nay”. Được biết, sau một năm cải tạo vườn, tháng 2/2010, gia đình anh đã trồng 3.000 cây cam giống trưởng thành. Ngay vụ thu hoạch đầu tiên năm 2011, gia đình anh đã thu được hơn 10 tấn quả, với giá bán bình quân tại vườn hơn 40.000 đồng/kg và hàng trăm gốc cam cảnh bán cho người dân chơi trong dịp tết. Cùng với cam quả, hiện nay anh Ký đã tạo giống bán cho bà con trong vùng và các địa phương lân cận, mỗi năm thu lãi vài trăm triệu đồng.

Không khí làm việc vào những ngày này tại xưởng sửa chữa và sản xuất cơ khí của ông Đinh Tiến Điền, thôn Xóm Nương, xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên hối hả hơn để hoàn thành nốt những phần việc cuối cùng cho kịp nghỉ tết. Từ một tổ sửa chữa và sản xuất cơ khí nhỏ bé vậy mà giờ đây tổ sản xuất và sửa chữa đó đã đổi thành Công ty TNHH MTV có quy mô lớn hơn, với hàng chục lao động. Ông Điền cho biết: “Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tôi đã vay vốn từ nhiều tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, do lãi suất cao, trong điều kiện kinh tế đang gặp khó khăn nên hiệu quả sử dụng vốn vay hạn chế, nhất là trong vấn đề giải quyết thêm việc làm, mở rộng sản xuất. Từ nền tảng cơ sở sản xuất đã có, tôi mạnh dạn vay 300 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của NHCSXH huyện để xây dựng nhà xưởng cũng như mua sắm máy móc, trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất và thành lập công ty chuyên sản xuất, sửa chữa và gia công cơ khí phục vụ các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Nếu không có nguồn vốn vay đến tay kịp thời thì có lẽ tôi sẽ không có được như ngày hôm nay. Mở rộng quy mô sản xuất không những nâng cao được hiệu quả lao động, cải thiện được thu nhập cho gia đình mà còn giải quyết được lượng lao động thất nghiệp trên địa bàn. Hiện nay, công ty đã giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 15 - 20 lao động với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng, thậm chí vào những đợt cao điểm trong năm, số lao động có khi tăng đến 25 - 30 người. Nguồn vốn đã không chỉ giúp cho gia đình tôi có điều kiện phát triển mà chính từ nguồn vốn này đã tạo việc làm cho người dân địa phương”.

Trường hợp của anh Ký và ông Điền chỉ là hai trong số hàng nghìn người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã và đang được nguồn vốn tín dụng giải quyết việc làm hỗ trợ. Với mục tiêu tạo được nhiều việc làm mới có thu nhập ổn định cho người lao động nhằm giải quyết lao động dôi dư tại địa phương, thời gian qua, NHCSXH tỉnh Quảng Ninh đã giải ngân nguồn vốn chương trình này đến những đối tượng cần vốn. Tính đến hết năm 2013, dư nợ cho vay giải quyết việc làm là trên 93 tỷ đồng với trên 3.900 khách hàng còn dư nợ.

Để vốn phát huy hiệu quả hơn nữa

Được biết hiện nay, tại 100% xã, phường trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đều đã có các Điểm giao dịch của NHCSXH thực hiện việc trao các khoản vay hỗ trợ giải quyết việc làm cho người dân. Thực tế cho thấy, việc triển khai chương trình cho vay giải quyết việc làm đã có những kết quả rất tốt. Chương trình đã góp phần tích cực giải quyết được nhiều việc làm cho xã hội, hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và hộ gia đình để mở rộng sản xuất, thu hút tạo việc làm cho nhiều người lao động góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động; thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá ở nông thôn. Từ đó, đã xuất hiện rất nhiều các điển hình về làm ăn kinh tế giỏi, không chỉ ở khu vực thành thị mà còn ở khu vực nông thôn, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Các mô hình đó không chỉ bảo đảm thu nhập, ổn định đời sống các hộ gia đình vay vốn mà còn tạo thêm việc làm cho nhiều lao động khác.

Bên cạnh những thuận lợi, chương trình cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn gặp một số khó khăn nhất định. Theo Quyết định số 71/QĐ-TTg ngày 05/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý, điều hành vốn cho vay của Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh được vay tối đa 500 triệu đồng/dự án và hộ gia đình là 20 triệu đồng/hộ. Đến thời điểm này, số cơ sở được vay 500 triệu đồng ở tỉnh Quảng Ninh chiếm tỷ lệ rất thấp mà phổ biến hơn cả vẫn là mức vay vài chục triệu đồng cho đối tượng là các hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn vốn ít, các cơ sở sản xuất, kinh doanh muốn vay lại chưa đáp ứng đủ các điều kiện về số lao động, năng lực phát triển sản xuất, tài sản thế chấp… Bên cạnh đó, cơ chế quản lý vốn vay lại chưa tập trung (chủ yếu do các hội, đoàn thể quản lý) nên thời gian thẩm định, phê duyệt món vay kéo dài, làm giảm hiệu quả của nguồn vốn đầu tư. Đối với một địa phương có tốc độ phát triển nhanh và mạnh như tỉnh Quảng Ninh thì nhu cầu vay vốn của người dân để tạo việc làm nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay là rất lớn, tuy nhiên nguồn vốn cho vay còn hạn chế. Đó là chưa kể đến tỷ lệ lao động không có việc làm sau khi tốt nghiệp các trường đào tạo, các lớp đào tạo nghề ở khu vực nông thôn và thành thị không ngừng gia tăng, đối tượng này lại chưa tiếp cận được với nguồn vốn của chương trình. Thêm vào đó, các tiêu chí tăng lao động, tạo việc làm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và hộ gia đình khi vay vốn; về xử lý nợ rủi ro đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách nói chung, đối với các đối tượng vay vốn giải quyết việc làm nói riêng còn chưa phù hợp và cụ thể. Đối với các chương trình tín dụng ưu đãi khác NHCSXH có quyền quyết định từ khâu hướng dẫn khách hàng làm hồ sơ, thủ tục, quyết định cho vay, thu hồi vốn…, trong khi chương trình cho vay giải quyết việc làm, khâu quyết định cho vay lại không thuộc về NHCSXH nên dự án sau khi thẩm định xong mất nhiều thời gian chờ cấp thẩm quyền phê duyệt dẫn đến tiến độ giải ngân vốn bị chậm.

Dù những khó khăn còn không ít song với những cố gắng và nỗ lực của NHCSXH tỉnh Quảng Ninh cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm sẽ tiếp tục là nền tảng, đòn bẩy tích cực hỗ trợ địa phương trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu xóa nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. 

Bài và ảnh Cao Quỳnh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác