Đồng hành đưa vùng lũ hồi sinh
Trắng tay sau bão, lũ
Có thể nói rằng, không gia đình nào ở tỉnh Quảng Bình là không bị thiệt hại do bão lũ gây ra, con số này chiếm tới 85% dân số. Khổ lại hoàn khổ, dân nghèo vùng gió lào cát trắng sống trong thấp thỏm, lo âu vì nợ chồng nợ, khó khăn chồng chất khó khăn.
Sự nghiệt ngã của thiên tai đã làm cho gia đình anh Đinh Minh Sơn ở tiểu khu 3 và chị Hoàng Nữ Anh Ngọc ở tiểu khu 1, thị trấn Nông trường Việt Trung khóc dở, chết dở. Nông trường Việt Trung được coi là vùng đất hứa của cây cao su, vì thế cùng với hàng trăm hộ dân nơi đây anh Sơn và chị Ngọc được NHCSXH cho vay theo diện hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn với số tiền 30 triệu đồng/hộ để trồng cây cao su. Mấy ha cao su này được các hộ nghèo chăm sóc kỹ lưỡng với bao hy vọng mỗi kỳ thu hoạch sẽ giúp họ giảm bớt khó khăn, cải thiện kinh tế gia đình, trả lãi đúng kỳ cho ngân hàng… thế nhưng nợ chưa trả xong, bão, lũ đến, 100% diện tích cây cao su của bà con bị vùi dập, mất trắng.
Trường hợp của gia đình chị Mai Thị Xuân ở thôn Tiên Phong, xã Quảng Tiên, huyện Quảng Trạch. Chị Xuân được vay diện hộ nghèo với số tiền 17 triệu đồng để phát triển chăn nuôi đàn bò. Thế nhưng khi lũ bất ngờ ào ạt đổ về trong đêm gia đình chị không kịp di dời, nhà cửa thiệt hại và đàn bò cũng chết hết. Nghĩ cảnh phải vay thêm vốn khi nợ cũ chưa trả xong và bắt đầu lại từ đầu, chị Xuân không khỏi xót xa: “Nhiều ngày nay gia đình tôi mất ăn, mất ngủ. Đồ đạc mất và hư hỏng đã đành, nguồn thu nhập chính của gia đình cũng theo lũ mà đi. Trong những ngày chờ được vay vốn trở lại và đàn bò mới được phát triển gia đình phải sống sao đây…”.
Theo thống kê sơ bộ của NHCSXH tỉnh về thiệt hại do bão, lũ gây ra cho các hộ nghèo tại tỉnh Quảng Bình trong tháng 10 vừa qua thì có gần 4.000 hộ nghèo bị ảnh hưởng và tổng thiệt hại lên đến gần 8 tỷ đồng.
Trước những rủi ro trên, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Quảng Bình đã có cuộc họp khẩn cấp. Ông Nguyễn Xuân Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình kiêm Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh đã chỉ đạo: NHCSXH cần nhanh chóng phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể tại địa phương, Tổ tiết kiệm và vay vốn để kịp thời nắm bắt những thiệt hại do bão, lũ gây ra đối với từng hộ vay. Từ đó căn cứ vào mức độ thiệt hại của người dân, cán bộ NHCSXH hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ và thực hiện đề nghị xử lý nợ rủi ro một cách linh hoạt cho các hộ vay. Đồng thời, tùy theo mức độ thiệt hại và nhu cầu người vay để xem xét cho vay bổ sung theo quy định của NHCSXH để hộ nghèo sớm phục hồi sản xuất và đời sống. Trường hợp phát sinh việc cho vay vốn bổ sung nhưng nguồn vốn hiện không đủ đáp ứng thì NHCSXH tỉnh cần có tờ trình đề nghị bổ sung nguồn cho vay.
“An sinh” cho dân nghèo vũng bão, lũ
Từ kế hoạch hỗ trợ người dân được vay vốn từ nguồn ngân sách bổ sung của NHCSXH nhiều gia đình nghèo đang có cơ hội được “hồi sinh”. Ngôi nhà đầu tiên chúng tôi đến thăm là gia đình chị Hồ Thị Thanh, dân tộc Vân Kiều ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa. Nhiều người đều biết chị Hồ Thị Thanh bởi nghị lực và ý chí vươn lên phát triển kinh tế để thoát nghèo giữa đại ngàn Trường Sơn.
Xuất thân trong một gia đình nghèo lại đông anh em, lớn lên ở nơi miền sơn cước, sống chủ yếu nhờ vào củ khoai, củ sắn… cuộc sống gia đình hết sức vất vả, khó khăn, vợ chồng sáng lên rẫy đến chiều tối mới về may ra mới có cái ăn cho ngày hôm sau, cuộc sống thiếu thốn, đói rét luôn bám theo gia đình chị.
Không cam chịu cảnh đói nghèo, chị quyết tâm tìm hướng phát triển kinh tế cho gia đình, vì thế, năm 2007 chị quyết định vay 5 triệu đồng tại NHCSXH huyện Minh Hóa để đầu tư làm kinh tế, chị tâm sự: “Lần đầu tiên cầm số tiền lớn như vậy, tôi vừa mừng nhưng cũng vừa lo, mừng vì có số tiền lớn trong tay, lo là không biết phải đầu tư vào công việc gì cho có lãi, vì từ trước đến nay, sống nhờ vào củ khoai, củ sắn, cây ngô, cây lạc… chứ không biết làm gì khác”. Sau khi được cán bộ và bà con trong xã tư vấn, chị đã xin đi học lớp đào tạo chăn nuôi ngắn hạn. Vốn là người kiên trì và ham học hỏi nên sau một thời gian ngắn chị đã am tường kỹ thuật chăn nuôi và quyết định đầu tư mô hình chăn nuôi bò và lợn. Công việc ngày càng thuận lợi, chị quyết định mở rộng quy mô và đa dạng hóa loại hình chăn nuôi bằng việc nhân giống đàn bò lên gần 10 con và luôn duy trì đàn lợn với số lượng từ 15 - 20 con, mỗi năm trừ chi phí, thu nhập mang lại cho gia đình khoảng 60 triệu đồng. Cùng với việc đầu tư chăn nuôi, gia đình chị Thanh còn tranh thủ làm lúa nương, trồng sắn, trồng ngô… Chị Thanh cho biết: “Mặc dù nguồn thu từ lúa, sắn, ngô là phụ nhưng hàng năm gia đình thu hoạch được hơn 5 tạ lúa, hơn 5 tấn sắn và ngô… so với bà con dân bản ở đây cũng khá lắm rồi”. Không dừng lại ở đó, sau khi nhận thấy trên địa bàn có nhiều đất trống, đồi trọc thuận tiện cho việc trồng cây lâu năm, chị bàn với chồng khai hoang trồng rừng. Năm 2010, gia đình chị bắt tay trồng cây keo lai, đến nay số lượng keo lai đã lên tới gần 5 vạn cây, ước tính cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên cùng chịu cảnh thiệt hại sau bão, lũ như nhiều gia đình khác nhưng với sự hỗ trợ của NHCSXH tỉnh Quảng Bình chị đã có vốn để tiếp tục khôi phục sản xuất, chị Thanh tự tin: “Có vốn để làm ăn tiếp là tốt rồi. Dẫu sao mình vẫn may mắn và thuận lợi vì đã có kinh nghiệm, kỹ năng, kỹ thuật trong chăn nuôi và trồng trọt. Hiện trong chuồng vẫn còn mấy con heo, con bò… mình sẽ tiếp tục nhân giống và trồng lại một số diện tích cây lâu năm đã bị hư hỏng”.
Có thể nói rằng, những năm qua, nhờ sự hỗ trợ kịp thời từ nguồn vốn vay của NHCSXH mà nhiều hộ nghèo trên địa bàn có thêm điều kiện và cơ hội vươn lên thoát nghèo trong đó có hộ gia đình ông Nguyễn Văn Phúc ở thôn Tiên Phong, xã Quảng Tiên, huyện Quảng Trạch. Gia đình ông Phúc là một hộ nghèo. Nhờ sự quan tâm và hỗ trợ vốn vay của NHCSXH huyện mà gia đình ông đã thoát được nghèo và nuôi 5 con ăn học thành tài. Chúng tôi về thăm trang trại của ông khi tàn dư của 2 cơn bão, lũ vừa qua đã khiến cho gia đình ông không biết phải khôi phục sản xuất bằng cách nào, ông rất mong sự giúp đỡ của NHCSXH huyện để gia đình ông ổn định sản xuất. Ông Phúc cho biết: “Vừa rồi tôi cũng đã được nghe thông báo các hộ nghèo sẽ được xem xét mức độ thiệt hại để được vay vốn bổ sung. Cũng rất mong chính quyền và NHCSXH sớm thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi để tôi có thể khôi phục sản xuất ổn định cuộc sống”.
Cùng có chung tâm nguyện đó, gia đình chị Ngô Thị Ngân ở xã Quảng Lộc, huyện Quảng Trạch cũng là một trong những hộ nghèo được vay vốn phát triển kinh tế nhưng vì bão lũ tàn phá đã khiến cho gia đình chị lâm vào cảnh khốn khó. Chị Ngân tâm sự: “Tôi đang bàng hoàng sau những mất mát do bão lũ gây ra, chưa biết phải làm gì thì nhận được thông báo NHCSXH sẽ có chính sách giãn nợ, đồng thời trong thời gian tới sẽ tiếp tục cho những đối tượng bị thiệt hại tiếp tục vay vốn phục hồi sản xuất. Năm hết, tết đến rồi, người dân nghèo chúng tôi mong sớm ổn định cuộc sống để đón một cái tết thật vui tươi”.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Hùng - Giám đốc NHCSXH huyện Quảng Trạch, cho biết: “Để giúp bà con ổn định sản xuất, vui xuân đón tết, chúng tôi đã tạo điều kiện tối đa và đơn giản hóa thủ tục vay vốn, nhanh gọn, tập trung khối lượng giao dịch tại các Điểm giao dịch xã để phục vụ nhân dân; tăng cường giám sát và kiểm tra cho vay đúng đối tượng; gắn kết đồng vốn tín dụng chính sách với chương trình khuyến nông, khuyến lâm và các chương trình khác để tạo đà giảm nghèo nhanh và bền vững cho bà con vùng nghèo, vùng khó khăn. Đặc biệt là đối với các gia đình bị thiệt hại sau lũ”.
Mùa mưa bão vừa qua, Quảng Trạch là một trong những huyện bị thiệt hại nặng nhất về người và tài sản. Gần 100% số hộ nghèo bị ảnh hưởng và cuộc sống của họ dường như đi vào ngõ cụt. Để thời gian tới người nghèo chủ động phòng chống bão, lũ và thiên tai, NHCSXH huyện Quảng Trạch đã cho các hộ nghèo vay vốn với hơn 490 triệu đồng nhằm xây dựng “chòi tránh lũ” giúp người nghèo hạn chế tối đa những thiệt hại về người và tài sản do bão, lũ gây ra.
Nói về những chính sách hỗ trợ người nghèo sau lũ, ông Nguyễn Hữu Lướng - Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Bình cho biết: “Trước mắt ngân hàng tỉnh sẽ khoanh nợ, giảm nợ và miễn nợ phù hợp với tình hình thiệt hại đối với từng hộ nghèo bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Hiện NHCSXH tỉnh đã gửi công văn về tận các huyện, xã… bị thiệt hại nặng nhằm hỗ trợ khắc phục hậu quả do thiên tai”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đến nay, tổng dư nợ NHCSXH cho các hộ nghèo vay là trên 828 tỷ đồng. Trong đó, nợ trong hạn là 817 tỷ đồng, khoanh nợ cho các hộ nghèo còn khó khăn về khả năng chi trả là 6 tỷ đồng… Như vậy để thấy rằng trong thời gian qua, NHCSXH tỉnh Quảng Bình đã rất nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi để người dân nghèo trong tỉnh dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay để “an cư lạc nghiệp”, phát triển sản xuất, mở rộng ngành nghề, tạo công việc làm và góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Ông Nguyễn Xuân Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết thêm: “Việc quan tâm hỗ trợ bà con vùng lũ vay vốn trở lại là việc cần làm ngay, nhất là trong những ngày cuối năm, không thể để những người dân nghèo không có tết. Chính vì thế sự chung tay và đồng hành cùng dân nghèo của NHCSXH là điều rất cần thiết”.
Khi chúng tôi kết thúc bài viết này thì những tia nắng đầu xuân bắt đầu hửng lên ở đằng Đông. Cây cối và muôn hoa đua nhau nở rộ, đâm chồi nảy lộc, phải chăng đó là một sự sống mới, một khởi đầu mới cho những mảnh đời nghèo ở vùng lũ hồi sinh.
Bài và ảnh Phương Hiền
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Chính quyền TP. Hà Nội quan tâm chỉ đạo NHCSXH triển khai nhanh và hiệu quả chính sách cho vay hộ cận nghèo
- » Ấn tượng xã Phổ Thạnh
- » Hộ cận nghèo vui đón mùa xuân mới
- » Cổ tích thời nay trên đỉnh núi đá Tả Phìn
- » Phát triển kinh tế gia trại vươn lên làm giàu ở Quảng Ninh
- » Hiện đại hóa cùng INTELLECT CORE BANKING
- » Bắc Giang: Nâng cao hiệu quả công tác quản trị ngân hàng
- » Tết về vùng rốn lũ
- » Phố phường cần sự hỗ trợ vốn chính sách
- » Thay đổi tập quán sản xuất