Thừa Thiên - Huế cho hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế

13/02/2014
(VBSP News) Sau gần 7 năm thực hiện chương trình cho hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn vay vốn, đến nay, NHCSXH tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng nông thôn theo hướng sản xuất gắn với thị trường, xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân một cách bền vững.
Hộ gia đình ở Thừa Thiên - Huế vay vốn phát triển trồng rau màu

Hộ gia đình ở Thừa Thiên - Huế vay vốn phát triển trồng rau màu

Tỉnh Thừa Thiên - Huế nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tuy nhiên, đây cũng là tỉnh tập trung nhiều vùng khó khăn, với 61 xã thuộc vùng khó khăn, trải đều ở 8 huyện, thị xã trên địa bàn. Việc phát triển kinh tế đi liền với nâng cao mức sống của người dân địa phương là một trong những mục tiêu quan trọng của tỉnh cũng như cả nước. Cùng với Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, NHCSXH đã và đang tạo điều kiện cho các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, với nhiều chính sách ưu đãi thiết thực, mở ra cơ hội mới để người dân làm kinh tế, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn là nền tảng vững chắc để từ đó các hộ gia đình tại vùng khó khăn bắt đầu xây dựng nên cho mình một nền kinh tế sản xuất phát triển bền vững, theo sát và đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường cũng như phản ứng một cách tích cực, thích hợp hơn đối với những tín hiệu của thị trường, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bên cạnh mục tiêu xóa nghèo thì nhu cầu vươn lên làm giàu, cải thiện kinh tế của gia đình trên chính quê hương mình là nhu cầu của người dân, đặc biệt là người dân các vùng miền khó khăn. Tuy nhiên, không phải bất cứ người dân nào cũng có điều kiện để có thể tiếp cận được với nguồn tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Điều này đã cản trở không ít mục tiêu vươn lên của những người dân vùng khó khăn nhưng không thuộc đối tượng chính sách của NHCSXH. Quyết định 31 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: “Tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn là việc sử dụng các nguồn lực tài chính do Nhà nước huy động để cho vay phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, tăng trưởng kinh tế đồng đều giữa các vùng trong cả nước”. Có thể nói, đây là một chính sách đầy thiết thực, giàu ý nghĩa và mang tính nhân văn cao cả, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước không chỉ đối với sự cấp thiết của việc xóa nghèo cho những đối tượng chính sách mà còn đối với nhu cầu được làm giàu, quyết tâm không ngừng cải thiện đời sống của những người dân thuộc hộ sản xuất không phải là hộ nghèo.

Thực hiện Quyết định trên, NHCSXH đã mang đến một nguồn tín dụng ưu đãi dành cho những hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, mang lại cho họ một cơ hội để vươn lên, mở đường cho mục tiêu làm giàu của mình. Nhiều mô hình làm giàu từ nguồn vốn vay ưu đãi này như các mô hình phát triển trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển các ngành nghề truyền thống của địa phương… đã ra đời, góp phần lớn giúp thay đổi cuộc sống của không ít hộ gia đình vùng kinh tế khó khăn. Không những vậy, nhiều gia đình, nhờ vào nguồn tín dụng ưu đãi này, đã vươn lên làm giàu thành công, không chỉ nâng cao đời sống kinh tế của bản thân và gia đình mà còn đóng một phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng và địa phương. Điều này đã phần nào giúp thay đổi diện mạo của những vùng khó khăn của địa phương ngày một hiện đại hơn, tươi sáng hơn. Điển hình là hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hợp ở tại thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà đã vay vốn đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi lợn, gà, vịt, phát triển sản xuất, doanh thu hơn 200 triệu đồng/năm. Hiện nay, trong trang trại của ông Hợp luôn có hơn 20 con lợn, hộ bà Trần Thị Kén ở thôn Quảng Mai, xã A Ngo, huyện A Lưới sản xuất, kinh doanh chổi đót, vật liệu xây dựng… đến nay hiệu quả kinh tế mang lại bình quân hằng năm trên 200 triệu đồng.

Chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn hiện đứng vị trí thứ 3 trong cơ cấu tổng dư nợ các chương trình, góp phần tạo nên các mô hình kinh tế điển hình, đa dạng, phong phú mang lại hiệu quả thiết thực trong cơ cấu kinh tế tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Nguồn vốn được đầu tư tại 8 huyện, thị xã, với doanh số cho vay 412.776 triệu đồng, doanh số thu nợ 203.613 triệu đồng, dư nợ 209.163 triệu đồng, cho 20.156 lượt hộ vay vốn qua các năm, số hộ hiện còn dư nợ 12.875 hộ… các hộ vay đã sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đầu tư có hiệu quả mang lại thu nhập kinh tế cho gia đình, góp phần ổn định đời sống của người dân ở các vùng khó khăn vươn lên làm giàu bền vững.

Để đạt được những kết quả trên, không thể kể đến sự quyết tâm, đồng lòng cũng như tinh thần không ngại khó, ngại khổ của NHCSXH tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả hoạt động chính sách tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Cùng với đó, để nâng cao tính hiệu quả của nguồn vốn cũng như để đảm bảo cho việc nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, đến được đúng đối tượng, ngân hàng phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể nhận ủy thác tuyên truyền, phổ biến cho người dân hiểu và thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình khi được vay vốn ưu đãi. Bên cạnh đó, NHCSXH tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã tổ chức triển khai tốt giao ban định kỳ tại các Điểm giao dịch tại xã để trao đổi về kết quả ủy thác, tồn tại… đồng thời lắng nghe các vướng mắc, kiến nghị của người dân địa phương để ngày càng hoàn thiện hơn hoạt động cho vay. Bước sang năm 2014, NHCSXH tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết tâm cố gắng hơn nữa để có thể đem nguồn vốn ưu đãi chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn đến được với nhiều hộ vay, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Bài và ảnh Lê Mỹ Dung

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác