Nông dân Bắc Ninh thêm vốn sản xuất
Ông Nguyễn Công Thao - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Từ khi nhận ủy thác nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH (năm 2003 đến nay), hội đã triển khai cho vay hiệu quả đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Dư nợ nhận ủy thác của toàn tỉnh đến nay đạt gần 490 tỷ đồng cho 29.714 lượt hộ vay ở 846 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hội Nông dân tỉnh là một trong những đơn vị nhận ủy thác nguồn vốn từ NHCSXH tương đối lớn, chiếm gần 30% tổng dư nợ của ngân hàng. Trong đó, vốn vay hộ nghèo gần 141 tỷ đồng”.
Từ nguồn vốn vay kết hợp với nguồn vốn tự có, nhiều nông dân đã mạnh dạn mở rộng mô hình chăn nuôi tổng hợp cho mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Điển hình như gia đình anh Trần Phúc Thao ở xã Trừng Xá, huyện Lương Tài từ hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống khá giả. Được vay 20 triệu đồng số vốn ban đầu của Hội Nông dân tín chấp với NHCSXH huyện cùng với nguồn vốn khác, anh đấu thầu hơn 7.000 m² ruộng trũng quy hoạch thành trang trại VAC. Công việc chăn nuôi thuận lợi, anh tiếp tục tăng đàn và mở rộng hệ thống ao nuôi. Đến nay, anh đã trả nợ cho NHCSXH và có vốn đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố. Tổng thu nhập từ trang trại gia đình anh đạt hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra anh trồng 4 sào các loại cây màu như: Đỗ tương, cà rốt… mỗi năm cũng cho thu nhập 80 - 100 triệu đồng.
Không chỉ có gia đình anh Thao được hỗ trợ nguồn vốn tín chấp giữa Hội Nông dân với NHCSXH, trên địa bàn tỉnh nhiều hội viên khác cũng đã được hỗ trợ vốn đầu tư và áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi như: Chăn nuôi theo mô hình trang trại, cấy lúa chất lượng cao, trồng dưa xuất khẩu, mở mang ngành nghề phụ… nhiều nông dân đã vươn lên làm giàu chính đáng, thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu mỗi năm và tạo việc làm nhiều lao động khác có thu nhập ổn định.
Nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, ngân hàng đã phối hợp với các cấp Hội Nông dân thường xuyên mở các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức quản lý và sử dụng vốn vay cho cán bộ, hội viên được vay vốn sản xuất, kinh doanh. Thông qua tổ chức hội, việc vay vốn ngân hàng được tiến hành thuận lợi, thủ tục đơn giản, giảm được thời gian giao dịch trong quá trình vay vốn, giúp hội viên nông dân tiếp cận nguồn vốn, đầu tư sản xuất kịp thời, từ đó khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động. Hội Nông dân các cấp đã gắn kết với ngân hàng trong việc điều tra nhu cầu vốn cũng như bình chọn khách hàng, truyền tải thông tin, lồng ghép công tác vay vốn với các chương trình hoạt động khác của hội đến các hội viên kịp thời và hiệu quả hơn. Qua việc triển khai thực hiện dịch vụ uỷ thác, Hội Nông dân các cấp đã tham mưu với chính quyền địa phương xác định đối tượng nghèo có đủ điều kiện vay vốn, đối tượng được vay vốn theo từng chương trình của NHCSXH.
Việc ủy thác không những giúp nông dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng thuận lợi mà còn giúp họ huy động được các nguồn lực khác như: kỹ thuật, kinh nghiệm do được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, một số ngành nghề mới… Đây là nhân tố quan trọng giúp Hội Nông dân các cấp thúc đẩy mạnh phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh số hội viên nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi càng nhiều (83.256 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2013), đóng góp tích cực trong công cuộc phát triển kinh tế chung của toàn tỉnh.
Bài và ảnh Hà Linh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Chặng đường thoát nghèo bền vững ở Yên Bái
- » Chắp cánh cho những ước mơ
- » Mùa xuân no ấm về tận vùng cao
- » Chắp cánh cho những ước mơ
- » Thừa Thiên - Huế cho hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế
- » Niềm vui có nước sạch của người dân tỉnh Quảng Trị
- » Thỏa những ước mơ
- » Tất cả vì nhiệm vụ cao cả
- » Động lực từ những mô hình giải quyết việc làm hiệu quả
- » “Cuộc chiến” thoát nghèo của nông dân vùng Bắc Tây Nguyên