Dư nợ cho vay ủy thác ở Vĩnh Long đạt gần 1.294 tỷ đồng

28/02/2014
(VBSP News) Tính đến 31/1/2014, dư nợ cho vay uỷ thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội (Hội Nông dân, Hội CCB, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên) ở tỉnh Vĩnh Long đạt gần 1.294 tỷ đồng, chiếm 99,8% tổng dư nợ.
Hộ cận nghèo ở Vĩnh Long đến các Điểm giao dịch xã nhận vốn vay

Hộ cận nghèo ở Vĩnh Long đến các Điểm giao dịch xã nhận vốn vay

Theo đánh giá của Lãnh đạo Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Vĩnh Long, trong thời gian qua, các hội, đoàn thể các cấp đã quan tâm triển khai, thực hiện nghiêm túc nghiệp vụ cho vay uỷ thác nguồn vốn tín dụng ưu đãi, do đó: hiệu quả của công tác này không ngừng được củng cố và nâng cao. Trước tiên phải kể đến Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh đã làm tốt các chương trình vay vốn tín dụng chính sách với trên 44 nghìn hộ vay để đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, hỗ trợ cho hàng nghìn hội viên phụ nữ thoát nghèo.

Điển hình như chị Sơn Thị Sa Ma xã Đông Bình, huyện Bình Minh là hộ dân tộc Khmer nghèo, không có đất canh tác. Vợ chồng chị luôn sống bằng nghề làm thuê, vác mướn để trang trải việc ăn học cho các con.

Năm 2000, nhờ được vay 10 triệu đồng của NHCSXH huyện, chị Sa Ma đã nuôi 2 con bò vỗ béo. Ngoài ra, vợ chồng chị còn tranh thủ sớm tối đan thảm lục bình và nuôi 2 hầm cá. Nhờ sự giúp đỡ của hội, đoàn thể và được vay vốn ưu đãi, năm 2013, gia đình chị thoát nghèo, thu nhập ngót 50 triệu đồng từ tiền bán bò và cá thịt. Dự định tháng sau, chị sẽ hoàn trả ngân hàng số nợ còn lại, để tiếp tục vay chương trình giải quyết việc làm, đầu tư phát triển chăn nuôi heo nái, bò lai Sind.

Cùng với đó, Hội Phụ nữ xã Long Mỹ, huyện Mang Thít đã quản lý gần 5,6 tỷ đồng vốn vay tín chấp của NHCSXH để hỗ trợ cho nhiều hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh và tham gia phong trào “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, giúp chị em nghèo có điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 4,96%.

Với nguồn vốn uỷ thác từ NHCSXH, Hội CCB TX. Bình Minh cũng đã giúp cho hàng trăm hội viên phát huy bản chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” vươn lên thoát nghèo bền vững. CCB Hà Thanh Bình, thương binh hạng 4/4, ngụ phường Đông Thuận sử dụng vốn vay ưu đãi xây dựng mô hình VAC tổng hợp trên diện tích 2000m2. Hiện gia đình ông đã vươn lên làm giàu và còn mua được 8 công đất trồng chuyên canh cây mận da xanh kết hợp với chăn nuôi heo, gà giống. Mô hình kinh tế này đã đem về lợi nhuận cho ông vài chục triệu đồng/năm, tạo cơ sở cho ông thoát nghèo bền vững.

Cũng từ sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp Đoàn Thanh niên với NHCSXH ở tỉnh Vĩnh Long đã tạo cơ hội thuận lợi cho đoàn viên thanh niên vay vốn ưu đãi dễ dàng, sử dụng vốn vay vào mục đích phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp ngay trên đồng đất quê hương. Tiêu biểu có anh Trần Ngọc Thảo ở xã Long Mỹ, huyện Mang Thít đã dùng 15 triệu đồng vay của NHCSXH đầu tư nuôi đến 6 con heo nái. Do thực hiện tốt kỹ thuật chăn nuôi, phòng dịch bệnh đầy đủ, mỗi năm anh bán được mấy chục con heo giống khoẻ mạnh, thu lời gần 50 triệu đồng.

Trong quá trình thực hiện công tác uỷ thác vay vốn của NHCSXH, các hội, đoàn thể ở tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo quản lý tốt nguồn vốn vay, xử lý nợ quá hạn, đến hạn, nợ rủi ro và các khoản nợ bị chiếm dụng… đồng thời, phối hợp cùng NHCSXH củng cố, nâng cao hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Năm 2014 là năm cuối thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, NHCSXH tỉnh Vĩnh Long sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các hội, đoàn thể tiến hành rà soát hộ nghèo, cận nghèo nhằm tạo điều kiện được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước và đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay của từng hội viên các hội và hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, để nâng cao chất lượng tín dụng uỷ thác.

Bài và ảnh Hữu Hạnh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác