Cao Phong chuyển dịch cơ cấu cây trồng
Gia đình anh Quách Hoàng Nam ở xóm Cun, xã Thu Phong trước đây là một hộ nghèo. Do ít đất, thiếu vốn, sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên thu nhập thấp, không đủ ăn. Từ khi có chủ trương giao đất, giao rừng, được tuyên truyền, vận động anh đã mạnh dạn nhận 4ha đất đồi rừng, cải tạo, lập trang trại sản xuất theo mô hình VAC, Có đất, có sức làm, thông qua Hội Nông dân anh được vay 30 triệu đồng vốn vay ưu đãi từ NHCSXH huyện, qua các đợt tập huấn của Trung tâm khuyến nông, khuyến lâm huyện, được trạng bị thêm kiến thức làm ăn, kinh tế gia đình ngày càng phát triển. Hiện nay, với 3ha trồng mía, hàng trăm gốc na, trong chuồng thường xuyên nuôi 100 con lợn… thu nhập hằng năm của gia đình khá cao. Anh Nam đã thoát nghèo bền vững, trả hết nợ gốc và lãi ngân hàng. Mô hình trang trại của anh Nam đã và đang là địa chỉ tham quan, học tập của nhiều nông dân ở huyện Cao Phong.
Để giúp hội viên có vốn sản xuất, Hội Nông dân xã Thu Phong đã nhận ủy thác từ NHCSXH 5,3 tỷ đồng. Trong thời gian qua, nguồn vốn này đã góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế trang trại, gia trại là hướng đi đang được Đảng ủy, chính quyền và các hội, đoàn thể ở xã quan tâm, vận động nhân dân thực hiện.
Năm 2006, Huyện ủy Cao Phong ra Nghị quyết 04: “Phát huy lợi thế của địa phương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi”, cùng với cây mía, cây cam, quýt “lên ngôi”. Tại cánh đồng Nà Bái, xã Dũng Phong, cách đây vài năm vẫn còn trồng các loại cây như ngô, khoai nay đã được thay bằng những vườn cam, quýt, hiện đang trong thời gian sinh trưởng, phát triển tốt. Với 15ha cam, quýt được quy hoạch thành vùng, hy vọng chỉ sau một vài năm nữa hứa hẹn sẽ là mô hình làm giàu cho người dân địa phương.
Chị Trần Thị Tám, ở thôn Hải Phong, xã Bắc Phong nhà trồng 1ha cam và quýt ngọt. Năm 2011, chị được vay 20 triệu đồng trong chương trình Giải quyết việc làm của NHCSXH, trồng mới 4.000m2 cam, quýt. “Nhờ được vay thêm vốn mà kế hoạch làm ăn mới của gia đình được thực hiện, Thời hạn vay 3 năm đủ để tôi tích lũy vốn, mở rộng sản xuất, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống”, chị Tám tâm sự. Tại thị trấn Cao Phong, hơn 700ha đất nông nghiệp được quy hoạch thành vùng cam. Bình quân mỗi hộ dân ở thị trấn trồng 5.000m2 cam, thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm, góp phần nâng thu nhập bình quân lên 22 triệu đồng/người/năm (cao nhất tỉnh Hòa Bình). Toàn thị trấn có khoảng 30% số dân trồng từ 1 ha cam trở lên, có thu nhập gấp đôi mức bình quân. Từ cây cam nhiều gia đình ở thị trấn vùng cao này đã trở thành tỷ phú.
Ông Phạm Văn Long - Chủ tịch UBND huyện cho biết: Cao Phong hiện có 2.500ha mía tím; gần 1.000ha cam, trong đó có hơn 500ha kinh doanh, cho sản lượng khoảng 16.000 tấn. Tết Giáp Ngọ vừa rồi, cam Cao Phong được mùa, trúng giá, cả huyện đạt doanh thu gần 100 tỷ đồng. Mía và cam 2 cây trồng thế mạnh của Cao Phong, góp phần nâng mức thu nhập bình quân toàn huyện đạt 19,6 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2013 giảm xuống còn dưới 19,8%. Tỷ lệ nợ quá hạn NHCSXH thấp 0,34%/tổng dư nợ.. “Đó là kết quả của quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng”, ông Long khẳng định.
Năm 2014, NHCSXH huyện Cao Phong chú trọng triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, phấn đấu nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 2,894 tỷ đồng, dư nợ các chương trình tín dụng đạt 149,980 tỷ đồng, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng Nông thôn mới ở huyện vùng cao của tỉnh Hòa Bình.
Bài và ảnh Minh Quốc
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Niềm vui khi có nước sạch
- » Tạo lực giúp đỡ người dân vùng cao thoát nghèo
- » NHCSXH huyện Đắk Mil (Đắk Nông) đảm bảo đủ nguồn vốn cho vay
- » Tín dụng chính sách tại tỉnh Điện Biên đạt trên 1.330 tỷ đồng
- » Vốn vay ưu đãi giúp thanh niên miền núi lập thân, lập nghiệp
- » Thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi
- » Nông dân Bắc Ninh thêm vốn sản xuất
- » Chặng đường thoát nghèo bền vững ở Yên Bái
- » Chắp cánh cho những ước mơ
- » Mùa xuân no ấm về tận vùng cao