Người thương binh dưới chân núi Ngàng

12/09/2016
(VBSP News) Theo lời giới thiệu của Hội CCB huyện Yên Bình (Yên Bái) về gương thương binh điển hình làm kinh tế giỏi, chúng tôi tìm đến thăm mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của gia đình ông Nông Ngọc Trình là thương binh hạng 4/4 ở thôn Yên Mỹ, xã Xuân Lai để tìm hiểu cách làm giàu của ông.
Ông Trình chăm sóc đàn bò lai sind

Ông Trình chăm sóc đàn bò lai sind

Xuất phát từ thành phố Yên Bái, sau hơn 2 giờ đồng hồ, chúng tôi đã có mặt ở xã Xuân Lai. Vi vu trên con đường bê tông uốn lợn, cách trung tâm xã chừng 2km, trang trại của ông Trình đã hiện ra giữa bạt ngàn cây trái.

Vì đã hẹn trước nên chúng tôi vừa tới nơi, ông Trình đã hồ hởi ra tận đầu đường đón khách. Mời chúng tôi ngồi nghỉ tạm bên lán, ông kể về ngày đầu khởi nghiệp của mình. Vốn là người Tày chính gốc ở nơi này, năm 1974 theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai trẻ Nông Ngọc Trình đã lên đường nhập ngũ.

Ba năm trong quân ngũ, đến năm 1977 ông lại cùng quân đội Việt Nam tình nguyện sang giúp nước bạn Lào giành độc lập và bị thương tại Công Pông Chàm (Lào) với tỷ lệ thương tật 21%. Sau đó trải qua nhiều đơn vị công tác trong quân đội, đến năm 1989 ông phục viên trở về tham gia công tác xã hội tại địa phương rồi lập gia đình.

Những ngày đầu sau khi xuất ngũ, cuộc sống vô cùng khó khăn, lần lượt hai người con ra đời trong khi đó cả gia đình ông phải ở nhờ căn nhà tập thể của giáo viên Trường THCS Xuân Lai. Đồng lương của hai vợ chồng không đủ để trang trải cuộc sống sinh hoạt gia đình mỗi khi có công việc lớn. Không đầu hàng trước số phận, với trọng trách là Chủ tịch Hội Nông dân lại là thương binh, là người lính cụ Hồ, ý chí và nghị lực đó đã thôi thúc ông phải vươn lên thoát nghèo bằng mọi cách.

Sẵn có chủ trương giao đất giao rừng, nhận thấy đất đai dưới chân núi Ngàng màu mỡ mà bao năm qua bỏ không, năm 1998 ông đã mạnh dạn nhận hơn 3ha đất trống để phát triển kinh tế đồi rừng. Dựng tạm căn lán bên chân đồi, tranh thủ những lúc nhàn rỗi hai vợ chồng ông lại tập trung phát quang những diện tích lau lách để trồng keo và bồ đề. Khi rừng cây chưa khép tán, ông trồng xen sắn ngô, mỗi năm 2 vụ ngô và một vụ sắn ngoài việc phục vụ nhu cầu phát triển chăn nuôi cho gia đình, phần còn thừa bán cũng thêm thắt đồng ra đồng vào.

Cứ vậy, lấy ngắn nuôi dài, sau 6 năm hơn 2ha keo và 1ha bạch đàn cũng đã cho thu hoạch, vụ đầu tiên thu hoạch, trừ chi phí ông thu lãi 40 triệu đồng. Có lợi thế làm bên Hội Nông dân xã, được đi tham quan nhiều mô hình làm kinh tế giỏi ở nhiều địa phương, năm 2011, ông mạnh dạn vay thêm 30 triệu đồng từ NHCSXH huyện để mở rộng quy mô phát triển kinh tế của gia đình.

Từ số tiền vay cộng với tiền tích góp của gia đình, ông đầu tư xây thêm hệ thống chuồng trại để nuôi lợn nái và nuôi gà thả vườn, vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm của các mô hình tiêu biểu khác trong xã, lúc đầu gia đình ông chỉ nuôi thử nghiệm hơn 200 con gà và 2 con lợn nái để tìm hiểu thị trường đầu ra.

Không nuôi nhốt mà nuôi theo hình thức thả vườn, bởi vậy gà thịt của gia đình ông được nhiều hộ dân trong xã tin tưởng lựa chọn, tiếng lành đồn xa, nhiều thương lái ở những nơi khác đã tìm đến đặt mua với số lượng lớn. Từ thành công bước đầu đã tiếp thêm nghị lực để ông mở rộng quy mô phát triển chăn nuôi của gia đình.

Với khát vọng tiếp tục vươn lên làm giàu, có chút tiền lãi từ đồi rừng và chăn nuôi, năm 2014, sau khi đã trả hết nợ vay NHCSXH, ông tiếp tục đầu tư vào đồi rừng và chăn nuôi và mua máy cày bừa cầm tay để phục vụ sản xuất và làm dịch vụ thuê cho các hộ dân trong thôn, trong xã. Đồng thời, ông Trình dành thời gian đi tham quan một số mô hình nuôi bò bán công nghiệp ở một số tỉnh miền xuôi nhận thấy điều kiện thực tế ở địa phương có thể phát triển tốt mô hình, vậy là đầu năm 2015, ông mạnh dạn đầu tư 40 triệu đồng mua 2 con bò cái lai sind về để nuôi và nhân giống, đến nay đàn bò của gia đình ông đã có 5 con.

Nhờ chăm chỉ làm ăn và biết cách tính toán, từ chỗ chỉ có hơn chục triệu đồng thì nay mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông đã có mức thu nhập bình quân từ 150 - 200 triệu đồng/năm. Mạnh dạn dám nghĩ dám làm, mô hình kinh tế tổng hợp của thương binh Nông Ngọc Trình ở chân núi Ngàng, xã Xuân Lai, huyện Yên Bình đã được nhiều người dân trong xã, trong huyện tìm đến học tập và làm theo.

Không chỉ biết làm giàu cho mình, hiện tại CCB Nông Ngọc Trình còn giúp các hộ dân trong thôn, trong xã về vốn, cây con giống để cùng nhau phát triển kinh tế gia đình. Nhiều hộ dân trong thôn, trong xã được ông giúp đỡ vốn, con giống đã vươn lên thoát nghèo.

Bài và ảnh Thanh Tân

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác