Người CCB không cam chịu nghèo khổ

05/07/2016
(VBSP News) Xuất ngũ trở về địa phương vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, CCB Quách Văn Giai ở thôn Nà Cóc, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) đã nỗ lực vươn lên làm giàu. Từ hai bàn tay trắng, gia đình ông đã xây dựng được mô hình phát triển kinh tế tổng hợp, nay cho thu nhập ổn định tới cả 100 triệu đồng mỗi năm.
CCB Quách Văn Giai duy trì nuôi hàng chục con lợn thịt mỗi lứa

CCB Quách Văn Giai duy trì nuôi hàng chục con lợn thịt mỗi lứa

Giữa khu vực trang trại chăn nuôi và trồng trọt của CCB Quách Văn Giai là một căn nhà rộng chừng 150m2 được xây dựng kiên cố, bên trong nhà gia đình ông đã sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt có giá trị. Pha ấm trà nóng mời khách, ông Giai tâm sự, những ngày mới xuất ngũ trở về địa phương, kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn. Do nắm được tiềm năng, lợi thế ở địa phương ông đã cùng bàn bạc với vợ mạnh dạn vay vốn của họ hàng để đào ao thả cá và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Kinh tế gia đình dần ổn định, tuy nhiên do thiếu vốn nên gia đình mới chỉ chăn nuôi nhỏ, hiệu quả kinh tế chưa cao.

Đến khoảng năm 2004, sau một năm huyện Pác Nặm được tái lập, gia đình ông đã vay vốn NHCSXH để đầu tư mở rộng chuồng trại chăn nuôi lợn. Ban đầu gia đình chỉ nuôi ít, sau khi có kinh nghiệm và kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi thông qua các lớp tập huấn của xã tổ chức, gia đình đã nâng tổng đàn lợn lên ổn định từ 50 đến 60 con. Lợn thương phẩm được thị trường trong huyện ưa chuộng, do gia đình sử dụng thức ăn chăn nuôi là những sản phẩm sạch, chủ yếu là ngô, chuối, dây khoai lang… Có thu nhập từ chăn nuôi lợn, CCB Quách Văn Giai tiếp tục mở rộng diện tích ao nuôi cá với hơn 2.000m2 mặt nước, nuôi thêm hàng trăm con vịt, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình. Chưa dừng lại ở đó, người CCB này còn đầu tư chăn nuôi trâu bán chăn thả, trồng thêm các loại cây ăn quả như hồng không hạt, vải thiều, mận…

Chia sẻ về khó khăn cũng như kỹ thuật chăn nuôi, ông cho biết: “Những năm đầu khi mới thực hiện mô hình, gia đình cũng gặp không ít rủi ro. Là địa bàn vùng cao nên mùa lạnh vật nuôi dễ bị ảnh hưởng do rét đậm, rét hại. Nuôi lợn nái và lợn thịt cần nhiều kiến thức để phòng, chữa bệnh; đối với lợn nái, khâu chăm sóc còn vất vả và đòi hỏi nhiều kinh nghiệm hơn…”.

Theo ông để đàn vịt khỏe mạnh, cho năng suất cao thì quan trọng nhất là khâu vệ sinh phòng dịch, cần phải có biện pháp tiêm phòng định kỳ, tiêu độc khử trùng chuồng trại thường xuyên. Ngoài ra phải chú ý đến chế độ ăn uống của vịt.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Hội CCB huyện Pác Nặm, Ma Thế Xương cho biết: “Với bản tính cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm cộng với tinh thần ham học hỏi, CCB Quách Văn Giai đã phát triển kinh tế hộ gia đình có hiệu quả, vươn lên thoát khỏi cái nghèo, từng bước làm giàu. Ông là một trong những tấm gương sáng trong học tập và làm theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Bộc Bố nói riêng và ở huyện Pác Nặm nói chung”.

Nhờ những thành tích trong phát triển kinh tế, gương mẫu trong các hoạt động xã hội, CCB Quách Văn Giai đã nhiều năm liền được UBND huyện, tỉnh tặng Giấy khen và Bằng khen. Năm 2010, CCB Quách Văn Giai vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích trong phát triển kinh tế tại địa phương. Nhưng có lẽ niềm vui lớn hơn cả là từ việc phát triển kinh tế hiệu quả, gia đình CCB này đã có điều kiện cho hai người con được học tập thành tài.

Bài và ảnh Văn Lạ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác