Người phụ nữ không cam chịu nghèo khổ
Sinh năm 1969, trong một gia đình nghèo khó. Không giống như bao người phụ nữ dân tộc thiểu số vùng cao ngại va chạm, không muốn tham gia các hoạt động xã hội; Chị Xiệm sinh ra và lớn lên quanh quẩn bên gia đình, thôn bản, nương rẫy… Rồi đến tuổi lấy chồng, sinh con lại đánh vật với bát cơm, manh áo. Được chị em trong bản động viên, chị Xiệm tham gia vào Hội Phụ nữ, được học tập, tiếp thu đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ngoài ra còn được các cấp, ngành tạo điều kiện cho đi thăm quan, học tập kinh nghiệm về phát triển kinh tế gia đình tại nhiều địa phương khác.
“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, trở về nhà sau những chuyến đi thăm quan đầu óc mình sáng ra, muốn làm theo. Nhưng nhà nghèo, không vốn, không đất, làm cách nào để gia đình có cuộc sống ổn định, các con được học hành?”, chị trăn trở. Để giải bài toán khó, chị mạnh dạn bàn với chồng con phải tìm cách tháo gỡ, từng bước xây dựng mô hình kinh tế gia đình.
Nhớ lại những ngày “vạn sự khởi đầu nan”, chị Xiệm kể, từ đồng vốn ít ỏi của gia đình, chị đặt niềm tin vào mấy chị trong Ban chấp hành Hội Phụ nữ. Thông qua đó, chị mạnh dạn vay 15 triệu đồng lãi suất thấp của Chính phủ về mua đất trồng cam, chè. Những năm đầu thu hoạch từ vườn cam và đồi chè không được bao nhiêu vì diện tích ít, trồng cam phải 4 năm sau mới cho thu hoạch. Thuận vợ, thuận chồng, chị Xiệm không nản. Ngược lại, chị kiên trì vượt khó, theo đuổi mục đích xây dựng, phát triển mô hình kinh tế gia đình: tập trung sức lực đầu tư, cải tạo đất đồi, từng bước mở rộng diện tích trồng cam, chè kết hợp chăn nuôi lợn, gà, trồng rau, cây lương thực theo mô hình trang trại “khép kín”, “lấy ngắn nuôi dài”. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, chấp nhận cả những rủi ro, thất bát do thiên tai, dịch bệnh gia súc, gia cầm; khi được mùa mất giá, lúc được giá mất mùa…Điều gì mới chưa biết, chưa hiểu chị tìm cách học hỏi đến cùng qua những người lớn tuổi có kinh nghiệm, qua cán bộ khuyến nông, cán bộ thú y; tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT, tập huấn đầu bờ từ cách bón phân, loại phân, cách phun thuốc, loại thuốc bảo vệ thực vật đến kỹ thuật trồng cam sao cho đúng cách (400 cây/ha đối với đất bằng, 500 cây/ha đối với đất dốc).
Với sự cần cù, năng động, biết vận dụng KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi, đồng vốn vay NHCSXH sinh sôi, diện tích trồng cam, chè được mở rộng. Những năm gần đây nguồn thu của gia đình chị Xiệm tăng lên rõ rệt. Năm 2010 đạt 240 triệu đồng (chưa trừ chi phí), trong đó vườn cam thu 140 triệu đồng, vườn chè 100 triệu đồng. Từ năm 2013 - 2015, bình quân thu trên dưới 1 tỷ đồng/năm. Từ nguồn thu hàng năm, chị Xiệm tiếp tục mở rộng diện tích cam, chè, tăng thêm đàn gia súc, gia cầm, đến nay trang trại chị Xiệm có 3.000 gốc cam (tương đương 6ha), 2ha chè đã cho thu hoạch. Ngoài đầu tư trồng mới, gia đình mua được xe ô tô và xây dựng ngôi nhà sàn khang trang, nuôi con học đại học. Hỏi sao không xây nhà tầng? Chị Xiệm nói vui mà thật “Người Dao mình chỉ thích ở nhà sàn thôi”!
Khi được hỏi về kinh nghiệm, cách làm để có được như ngày hôm nay chị Xiệm chia sẻ: “Quả ngọt” có được như ngày hôm nay bắt đầu từ đồng vốn vay ưu đãi đấy, sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả, chi tiêu tiết kiệm. Hơn 10 năm qua, cả nhà nỗ lực khai hoang, cải tạo đất, không ngừng học hỏi kinh nghiệm, lựa chọn mô hình phù hợp với điều kiện thực tế, áp dụng quy trình kỹ thuật tiến bộ vào trồng, chăm sóc cam; đặc biệt trong các khâu cắt tỉa, tạo tán, bón phân hữu cơ vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học.
Không chỉ nghĩ cho riêng mình, hiểu và thông cảm với những hoàn cảnh nghèo đói, thiếu việc làm, chị Xiệm đã tạo điều kiện giúp cho 4 lao động nhàn rỗi ở địa phương có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định tại trang trại của gia đình. Xưa chị gửi niềm tin vào Hội Phụ nữ, nay Hội Phụ nữ lại gửi niềm tin vào chính chị. Chị động viên mọi người: “Biết làm ăn, không nghèo nữa thì phụ nữ mình sẽ được mọi người trong gia đình, hàng xóm coi trọng lắm đấy”!
Nhiều năm qua, chị Đặng Thị Xiệm và gia đình được UBND xã Vĩnh Hảo công nhận là “Mô hình phát triển kinh tế gia đình hiệu quả” của xã, là gương điển hình “Phụ nữ làm kinh tế giỏi” của Hội Phụ nữ tỉnh Hà Giang, được chọn về dự Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến SXKD giỏi do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức, lại được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và vinh dự chụp ảnh kỷ niệm với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Chị Đặng Thị Xiệm - người phụ nữ dân tộc Dao, thật xứng đáng là tấm gương tiêu biểu “Không cam chịu đói nghèo, vượt khó làm giàu” trên quê hương vùng cao núi đá Hà Giang.
Bài và ảnh Khánh Hồ
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hành trình đuổi nghèo từ... 5 triệu đồng
- » Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng
- » Giàu lên từ đồng vốn ưu đãi
- » Đi lên từ gian khó
- » Chuyện làm giàu của người nông dân Lý Lành Pá
- » Người “kết nối” cho dòng chảy nguồn vốn chính sách
- » Điểm tựa lưng cho người nghèo thôn Khoán Púng
- » Chị Dương Thị Cảnh làm kinh tế giỏi
- » Nữ Tổ trưởng luôn tích cực vì tổ viên nghèo
- » Tích cực đưa ra sáng kiến vì người nghèo