Chuyện làm giàu của người nông dân Lý Lành Pá
Sinh ra trong một gia đình nghèo và phải chịu cảnh mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Năm 1995 người thanh niên trẻ Lý Lành Pá khi ấy mới tròn 18 tuổi quyết định tách ra ở riêng với khát khao thoát khỏi cảnh đói nghèo cơ cực. Lăn lộn với đủ nghề để kiếm sống, hy vọng thoát nghèo của anh Lý Lành Pá chỉ được nhen nhóm vào cuối năm 1998, khi anh được vay 3 triệu đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng Phụcvụ người nghèo lúc đó để mua trâu về nuôi.
Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, cùng với số vốn tích góp được anh vừa nuôi trâu vỗ béo vừa nuôi sinh sản. Số tiền lãi từ nuôi trâu vỗ béo cũng đủ giúp gia đình anh Lý Lành Pá trang trải cuộc sống hàng ngày và một phần để mở rộng quy mô chăn nuôi. Đến năm 2009, anh vay 10 triệu đồng vốn chính sách để mua trâu sinh sản. Nhờ chịu khó tìm tòi học hỏi đến năm 2010 là hộ nghèo nhất của thôn, gia đình anh Pá đã thoát nghèo và vươn lên có cuộc sống khấm khá.
Anh Lý Lành Pá chia sẻ: “Sở dĩ mình lựa chọn mô hình phát triển chăn nuôi là vì có nguồn thức ăn dồi dào. Mặt khác để chăn nuôi có hiệu quả thì quan trọng là phải biết cách chăm sóc, phòng bệnh cho trâu và tiêm phòng theo đúng định kỳ cho đàn”.
Để thuận tiện hơn cho việc chăn nuôi của gia đình, anh Lý Lành Pá đã trồng hơn 1000m2 cỏ các loại như cỏ voi để làm thức ăn, nhờ đó vào mùa đông thời tiết khắc nghiệt thì đàn trâu nhà anh vẫn có đầy đủ nguồn thức ăn mà không cần phải chăn thả. Đến nay, tổng đàn trâu nhà anh Lý Lành Pá luôn duy trì từ 15 - 20 con, một gia tài không nhỏ đối với một người nông dân mà xuất phát điểm hầu như không có gì. Ngoài chăn nuôi trâu thì gia đình anh Pá cũng rất tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp, hiện nay gia đình anh có hơn 5000m2 ruộng trồng lúa trong đó có 3000m2 ruộng lúa 2 vụ đảm bảo nguồn lương thực cho 6 nhân khẩu của gia đình. Bên cạnh đó, anh còn trồng gần 3,5ha ngô với thu hoạch mỗi năm từ 6 - 7 tấn ngô hạt, số ngô này anh bán một nửa, số còn lại dành làm thức ăn cho chăn nuôi.
Trong khoảng 2 năm trở lại đây, mỗi năm gia đình anh Pá có nguồn thu nhập từ 100 đến 130 triệu đồng. Anh Lý Lành Pá cho biết thêm: “Trong thời gian tới tôi mong muốn sẽ tiếp tục được vay vốn để mở rộng quy mô chăn nuôi lên nhiều hơn nữa vì điều kiện nơi đây vẫn còn có thể đáp ứng được. Ngoài ra, cũng mong muốn các cấp ngành quan tâm mở các lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho bà con ở thôn bản, nhất là các kỹ thuật về chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho trâu bò để anh và bà con yên tâm phát triển, từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu”.
Với nghị lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống không những thoát được nghèo mà gia đình anh Lý Lành Pá còn trở thành một trong những hộ khá của địa phương, bản thân anh đã vinh dự nhận được tặng danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhiều năm liền và trở thành tấm gương điển hình cho phong trào phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo tại địa phương. Mô hình phát triển chăn nuôi, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay của anh Lý Lành Pá rất đáng để nhân rộng góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi công cuộc giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Bài và ảnh Nguyễn Nghĩa
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Người “kết nối” cho dòng chảy nguồn vốn chính sách
- » Điểm tựa lưng cho người nghèo thôn Khoán Púng
- » Chị Dương Thị Cảnh làm kinh tế giỏi
- » Nữ Tổ trưởng luôn tích cực vì tổ viên nghèo
- » Tích cực đưa ra sáng kiến vì người nghèo
- » “Cung cấp gói tín dụng chính sách ưu đãi chính là tạo động lực để thoát nghèo bền vững”
- » “Xử lý nợ rủi ro phải đúng đối tượng”
- » Nữ Giám đốc tâm huyết với người nghèo
- » Nữ cán bộ tích cực “làm theo” lời Bác
- » Nơi người nghèo không cần vay nóng