“Cung cấp gói tín dụng chính sách ưu đãi chính là tạo động lực để thoát nghèo bền vững”

29/06/2015
(VBSP News) Đó chính là tâm sự của đảng viên Lê Văn Dũng - Phó Giám đốc Ban Kế toán và Quản lý tài chính NHCSXH. Gắn bó với ngành từ năm 2007, trong suốt thời gian công tác tín dụng chính sách đã đưa người cán bộ ấy đặt chân tới nhiều vùng miền của Tổ quốc, đến những bản làng khó khăn, xa xôi nhất để trao chiếc “cần câu cơm” cho người nghèo.
Đảng viên Lê Văn Dũng (trái) thăm hộ vay vốn

Đảng viên Lê Văn Dũng (trái) thăm hộ vay vốn

Anh cho biết, đi nhiều, trải nghiệm nhiều mới thấy việc cung cấp gói tín dụng chính sách này thực sự có ý nghĩa. Bởi ở nhiều nơi, nhiều vùng, nhất là những nơi đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa xôi hẻo lánh, tâm lý trông chờ, ỉ lại của người dân (đa phần là người nghèo) còn khá lớn. Vì thế, với việc cho họ vay một khoản tín dụng chính sách ưu đãi cũng đồng nghĩa với việc tạo ra động lực để họ làm việc, lao động. “Khác với một khoản trợ cấp, cho không, khi đã vay một khoản nhất định, họ sẽ nghĩ đến việc trả nợ, do đó phải tự động có ý thức lao động, tìm kiếm cách sử dụng nguồn vốn vay sao cho có tiền để trả nợ và tích lũy. Đó mới là ý nghĩa thực sự, là giải pháp để thoát nghèo một cách bền vững”, anh nói.

Là cán bộ Trung ương, nhưng thời gian hoạt động của anh chủ yếu ở NHCSXH địa phương - là những chuyến tăng cường: đầu tiên, ngay từ những ngày đầu chập chững vào ngành là tăng cường làm cán bộ Kế toán NHCSXH huyện KonPlong (Kon Tum) - một huyện miền núi 30a của Tây nguyên; rồi sau đó tăng cường làm công tác tín dụng tại huyện Đông Hải (Bạc Liêu), tiếp đến tăng cường làm Trưởng phòng Kế toán NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc, rồi về NHCSXH TP. Hải Phòng giữ chức vụ Trưởng phòng Kế toán; sau những ngày tháng lên núi, xuống biển gắn bó với người nghèo, anh trở về Trung ương giữ vị trí Phó Giám đốc Ban Kế toán và Quản lý tài chính. Với cái duyên với chữ “tăng cường”, chỉ 2 năm sau, anh tiếp tục được điều động làm Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi từ tháng 12/2012 đến tháng 1/2015 (một tỉnh có 50% số huyện là hải đảo và huyện nghèo 30a, trong đó có 2 huyện 30a không có ngân hàng nào hoạt động ngoài NHCSXH).

Tâm sự với chúng tôi, anh vui vẻ cho hay: Có lẽ, tham gia làm công tác tín dụng chính sách này, “cái lãi” nhất với những người cán bộ NHCSXH là có thể tự hào đi khắp nơi đều có anh em, bạn bè. Anh nói: “Với đặc thù là “ngân hàng của người nghèo, ngân hàng phục vụ người nghèo, chúng tôi có dịp đến những vùng đất xa xôi, khó khăn nhất, thậm chí đến những nơi chưa có bất cứ một hoạt động tín dụng, ngân hàng nào và gần như NHCSXH là đơn vị duy nhất cung cấp dịch vụ tín dụng. Nhất là, với mô hình đưa ngân hàng về tới tất cả các xã trên mọi miền tổ quốc, hoạt động của chúng tôi gắn bó mật thiết với nhân dân và đi dân nhớ, ở dân thương”.

Năm 2007, ngay từ những ngày đầu làm việc tại NHCSXH, người cán bộ tín dụng đó đã được quan tâm đào tạo, điều động về làm cán bộ kế toán tại Phòng giao dịch. Những bỡ ngỡ của năm tháng đầu tiên trong ngành, môi trường mới, lại là huyện 30a (huyện KonPlong), nhưng nhờ sự mày mò, nghiên cứu và học hỏi từ cơ sở, nên… đã có được những nhìn nhận cơ bản, nắm bắt đầy đủ về nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức, mạng lưới hoạt động cũng như điều hành tại cơ sở.

Một thuận lợi nữa của anh chính là đã được làm việc tại cả 3 cấp của NHCSXH, Trung ương - tỉnh - huyện. Vì vậy, anh đã học tập và ý thức được sứ mệnh của NHCSXH để từ đó triển khai, áp dụng cho cơ sở tiến hành tổ chức một cách thuận lợi nhất đồng thời nắm bắt được những tâm tư, khát vọng của cán bộ cơ sở trong triển khai nhiệm vụ cũng như nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Cũng không thua kém các Ngân hàng thương mại trong ứng dụng công nghệ quản lý mới, anh cũng là một trong những thành viên tiên phong của Dự án hiện đại hóa tin học sang tận Ấn Độ để học hỏi và triển khai hệ thống Core Banking, dù chỉ tham gia được những ngày đầu, nhưng cũng đã góp phần nhỏ bé trong việc triển khai thành công phần mềm mới Intellect tại NHCSXH.

Nói về người cán bộ này, lãnh đạo NHCSXH cho biết: Ở cương vị và vai trò nào, đồng chí Dũng cũng luôn hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đáng chú ý, trong thời gian 2 năm luân chuyển công công tác tại chi nhánh Quảng Ngãi với vai trò là Giám đốc kiêm Bí thư chi bộ, trong bối cảnh nhiều lĩnh vực còn mới mẻ như công tác tổ chức cán bộ, điều hành kế hoạch, tín dụng, cá nhân đồng chí Dũng đã có những trưởng thành vượt bậc. Trong thời gian công tác tại đây, đồng chí đã phát huy hiệu quả của công cụ đòn bẩy tài chính trong quản lý, điều hành hoạt động của chi nhánh. Thông qua giao đơn giá tiền lương, phát động thi đua khen thưởng đã tạo động lực khuyến khích sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của tập thể và từng cán bộ, viên chức. Việc đánh giá dựa trên kết quả cuối cùng trong thực thi nhiệm vụ của từng cá nhân, đơn vị, từ đó phát hiện những nhân tố mới, tấm gương điển hình để bồi dưỡng và nhân rộng. Vì vậy, đã tạo được môi trường để tất cả cán bộ có cơ hội phát huy tài năng, đóng góp cho sự phát triển của NHCSXH và được đãi ngộ thích đáng với những cống hiến, thông qua khen thưởng kịp thời, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bổ nhiệm.

Trong hoạt động của chi nhánh, phong trào thi đua được phát động tới mọi cán bộ, viên chức, đặc biệt quan tâm đến cán bộ trực tiếp, kể cả phát động thi đua đối với đội ngũ làm công tác bảo vệ trong thi đua đảm bảo an toàn trong dịp nghỉ lễ, tết. Tất cả các đợt phát động thi đua đều xây dựng các tiêu chí cụ thể, định lượng, minh bạch, các đơn vị, cá nhân tự tính được tiền thưởng đạt được. Việc phát động thi đua khen thưởng còn được triển khai đối với các thành viên Ban đại diện, các tổ chức hội nhận ủy thác, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn và hộ vay tiêu biểu trong phát huy hiệu quả sử dụng vốn vay.

Với những giải pháp triển khai công tác thi đua khen thưởng như trên, chỉ trong 2 năm, tăng trưởng tín dụng của chi nhánh đạt 17%. Tỷ lệ nợ quá hạn từ 0,87% cuối năm 2012, sau 2 năm giảm còn 0,33% tại thời điểm 31/12/ 2014. Toàn tỉnh không còn xã có nợ quá hạn trên 2% và không còn huyện có nợ quá hạn trên 1%, trong đó có 1 huyện không có nợ quá hạn. Tỷ lệ thu lãi luôn đạt trên 99%, tỷ lệ khoán tài chính luôn đạt cao, đảm bảo tiền lương cho cán bộ trong đơn vị.

Cũng trong năm 2014, chi nhánh đã được Hội đồng Khoa học NHCSXH nghiệm thu 3 sáng kiến, trong đó cá nhân anh Dũng làm trưởng một nhóm nghiên cứu và triển khai thành công sáng kiến “Phát hành Thẻ xanh ưu tiên trong giao dịch tại xã” - phát cho các khách hàng chuẩn bị đầy đủ, chính xác các chứng từ giao dịch với NHCSXH, đối với Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn yêu cầu thêm tiêu chí thu lãi và tiền tiết kiệm đầy đủ. Giải pháp này đã tạo phong trào thi đua giữa các Tổ tiết kiệm và vay vốn, nâng cao trách nhiệm của Tổ trưởng, chất lượng hoạt động của tổ, từ đó lượng tín dụng được nâng cao và rút ngắn thời gian giao dịch tại xã.

Phương châm công tác của người cán bộ này là “Luôn sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào, ở đâu cũng luôn cố gắng tìm tòi học hỏi và tìm các giải pháp sáng kiến để nâng cao hiệu quả trong công tác”. Với anh, công tác tín dụng chính sách này tuy gắn bó chưa dài nhưng gần như đã trở thành một lẽ sống. Anh luôn tâm niệm chỉ cần luôn giữ trong mình sự nhiệt huyết, tận tụy với người nghèo, chỉ đạo và bám sát cơ sở đến từng hộ vay vốn, phối hợp làm tốt công tác truyền thông, tranh thủ sức mạnh của hệ thống chính trị xã hội, đặc biệt chính quyền địa phương, tổ chức hội, đoàn thể và mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn thì chẳng có khó khăn nào là không vượt qua được.

Đau đáu một tấm lòng vì người nghèo và công tác tín dụng chính sách, anh tâm niệm “Gắn bó với nghề, với người nghèo, nhiệm vụ nào càng khó khăn thì càng quyết tâm làm. Và quả tình, mỗi một chuyến thực tế tới những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, không chỉ cá nhân tôi mà nhiều đồng nghiệp của tôi đều chung cảm nhận, càng thấm thía hơn giá trị và ý nghĩa công việc mình làm, thấy được niềm vui khi hỗ trợ được người nghèo, người khó khăn có cơ hội thoát nghèo”, anh Dũng nói.

Cũng theo anh, việc giúp đỡ cho người nghèo cũng gần như mình đi làm việc từ thiện và tính chất công việc tự thân tạo ra một mạng lưới quan hệ thân tình rộng khắp, đi đâu cũng có anh em, bạn bè với sự bao bọc, che chở khi bà con nhìn thấy Logo hình búp sen hồng của NHCSXH trên ngực áo mình… “Tôi cho rằng, cái cần nhất với mỗi người cán bộ tín dụng chính sách chính là trách nhiệm và tâm huyết với người nghèo”, anh tâm sự.

Hà - Anh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác