Sự ra đời, phát triển của Đảng 85 năm qua và vai trò lãnh đạo của Đảng hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII

24/06/2015
(VBSP News) Năm nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tưng bừng kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng ta ra đời, đánh dấu bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam. Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta giành được những thắng lợi vĩ đại: “Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, thành lập nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà; thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; thắng lợi của sự nghiệp đổi mới và từng bước đưa đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội”. Trong không khí nô nức thi đua yêu nước của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân lập nhiều thành tích để chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Website NHCSXH điểm lại những thành tựu của Đảng trên hành trình vinh quang 85 năm rèn luyện và trưởng thành.

Sự ra đời, phát triển của Đảng 85 năm qua và vai trò lãnh đạo của Đảng hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII

Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là “một pho lịch sử bằng vàng”

Đảng Cộng sản Việt Nam - chính Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam ra đời trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp. Đảng ra đời giải quyết sự bế tắc về lý luận và đường lối của cách mạng Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX.

Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta, từng bước thiết lập chế độ thống trị tàn bạo, phản động của chủ nghĩa thực dân trên đất nước ta trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế - văn hóa- xã hội. Với chính sách khai thác thuộc địa triệt để của thực dân Pháp, xã hội Việt Nam đã có những biến đổi lớn. Chính sách thống trị của Pháp và bọn tay sai đã tạo ra trong xã hội Việt Nam hai mâu thuẫn cơ bản: mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc ta với thực dân Pháp xâm lược và mâu thuẫn giữa nhân dân ta, chủ yếu là giữa nông dân, với giai cấp địa chủ phong kiến- chỗ dựa cho bộ máy thống trị và bóc lột của chủ nghĩa thực dân Pháp. Yêu cầu đặt ra cho cách mạng Việt Nam là đấu tranh giành độc lập dân tộc phải gắn chặt với đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ.

Từ sự thất bại không tránh khỏi của các phong trào chống Pháp do các sĩ phu yêu nước và các nhà cách mạng có xu hướng tư sản lúc đó, dân tộc ta đã hướng đến con đường cứu nước mới. Chính lúc dân tộc Việt Nam cần một đường lối chính trị đúng đắn, một đội tiên phong dẫn đường, một bộ tham mưu lãnh đạo thì Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đảng ta ra đời là sự kết hợp của chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Từ khi xuất hiện trên vũ đài chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tỏ rõ là một đảng cách mạng chân chính nhất, có sức hội tụ lớn nhất mọi sức mạnh của dân tộc, của giai cấp, sớm trở thành đội tiên phong của giai cấp và của dân tộc trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, phong kiến. Có thể nói, sứ mệnh lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam là do thời đại, do giai cấp và dân tộc quy định.  Trong Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo được Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua đã xác định: Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội là con đường cách mạng duy nhất đúng để thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam với Cương lĩnh, đường lối cách mạng đúng đắn chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành, đủ sức lãnh đạo cách mạng.

Ngay khi vừa mới ra đời, với đường lối cách mạng cứu nước đúng đắn, Đảng ta đã quy tụ đoàn kết xung quanh mình tất cả các giai cấp và các tầng lớp yêu nước, xây dựng nên lực lượng cách mạng to lớn và rộng khắp đấu tranh chống thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai.Qua 15 năm lãnh đạo cách mạng, với một nghệ thuật lãnh đạo và tổ chức khởi nghĩa tài tình, Đảng ta lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công trọn vẹn.Chỉ trong thời gian ngắn, nhân dân Việt Nam đã đập tan xiềng xích nô lệ của chế độ thực dân và lật nhào chế độ phong kiến tay sai thối nát tồn tại trong gần một thế kỷ. Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước của dân, do dân và vì dân. Dân tộc ta bước sang kỷ nguyên mới- kỷ nguyên độc lập tự do, dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đánh giá ý nghĩa lịch sử của sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.

Ngay khi vừa mới ra đời, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã phải đối mặt với ba thứ giặc hung dữ: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Giữa tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, từ 2/9/1945 đến 19/12/1946, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vững vàng chèo lái đất nước chống lại 3 thứ giặc, chuẩn bị những điều kiện cần thiết để bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ gian khổ.

Chín năm kháng chiến chống Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mạnh là chính, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, dân tộc ta đã giành chiến thắng vẻ vang mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử (tháng 5/1954). Chiến thắng này mãi mãi ghi vào lịch sử dân tộc ta như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa của thế kỷ XX, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn không tránh khỏi của chủ nghĩa thực dân.Đánh giá ý nghĩa thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới”.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cách mạng Việt Nam bước vào thời kỳ mới với đặc điểm là đất nước tạm chia làm hai miền với hai chế độ chính trị- xã hội đối lập nhau. Con đường phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam như Đảng ta xác định là tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: vừa tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, xây dựng miền Bắc thành căn cứ địa vững mạnh của cách mạng cả nước vừa tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, chống đế quốc Mỹ và tay sai, giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà.

Trong cuộc đọ sức quyết liệt này, đế quốc Mỹ đã huy động và sử dụng một lực lượng quân sự và phương tiện chiến tranh khổng lồ hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng nước ta. Song, trải qua 21 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chiến đấu kiên cường, lại được sự đồng tình ủng hộ của các lực lượng tiến bộ trên thế giới, đã lần lượt đánh thắng các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ ở miền Nam. Bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội.

Thắng lợi oanh liệt mùa xuân năm 1975 đã kết thúc vẻ vang 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, chấm dứt ách thống trị tàn bạo hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước; bảo vệ thành quả của chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc ta, mở ra thời kỳ mới- thời kỳ độc lập thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.

Bước vào thời kỳ cả nước quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, cách mạng Việt Nam có những thuận lợi, song cũng không ít khó khăn, mà khó khăn lớn nhất là nền kinh tế nước ta chủ yếu là sản xuất nhỏ, năng suất lao động thấp, hậu quả chiến tranh để lại nặng nề. Chủ nghĩa đế quốc và bọn phản động luôn tìm mọi cách phá hoại. Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã và đang trải qua nhiều diễn biến phức tạp; Chủ nghĩa xã hội thế giới gặp phải những khó khăn, thử thách lớn, lâm vào khủng hoảng, thoái trào, đặc biệt từ khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ. Quá trình đó đã tác động, ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong 10 năm (1975- 1985), cách mạng Việt Nam đã vượt qua những khó khăn trở ngại, thu được những thành tựu quan trọng. Chúng ta đã nhanh chóng hoàn thành việc thống nhất đất nước về mọi mặt, đánh thắng các cuộc chiến tranh biên giới bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa- xã hội, nhân dân ta đã có những cố gắng to lớn trong công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, bước đầu bình ổn sản xuất và đời sống nhân dân. Chúng ta tập trung sức bắt tay xây dựng nhiều công trình kinh tế trọng điểm: đường sắt Bắc- Nam, thủy điện Hòa Bình, xi măng Hoàng Thạch, cầu Thăng Long… Tuy nhiên, những thành tựu về kinh tế- xã hội còn thấp so với yêu cầu kế hoạch và công sức bỏ ra, nền kinh tế có mặt mất cân đối nghiêm trọng, tỷ lệ lạm phát cao quá mức, cuộc khủng hoảng kinh tế- xã hội ngày càng gay gắt.

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (12/1986) đã nghiêm khắc kiểm điểm sự lãnh đạo của mình, khẳng định những mặt làm được, phân tích rõ những sai lầm, khuyết điểm, đặc biệt là khuyết điểm chủ quan, duy ý chí trong lãnh đạo kinh tế, đề ra đường lối đổi mới toàn diện, mở ra bước ngoặt trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2.000 và nhiệm vụ kinh tế- xã hội 5 năm 1991- 1995, cụ thể hóa hơn nữa đường lối đổi mới ở nước ta.

Năm 2011, trong tình hình đất nước bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, sửa đổi) đã được thông qua, định hình rõ nét mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng.

Sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện, dưới sự chèo lái tài tình, linh hoạt của Đảng, đất nước ta vượt qua một giai đoạn thử thách gay go, vươn lên đạt những thắng lợi nổi bật trên nhiều mặt. Có thể coi công cuộc Đổi mới là cuộc cách mạng toàn diện và sâu sắc nhất trong thời kỳ mới.

Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, nền kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển nhanh theo hướng thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế. Trong hoàn cảnh khủng hoảng tài chính và suy thóai kinh tế trên quy mô thế giới, Việt Nam vẫn tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Chính trị - xã hội ổn định. Quốc phòng và an ninh được giữ vững. Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên rất nhiều, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp. Đó là sự nỗ lực phi thường của toàn thể nhân dân, của Đảng, Nhà nước ta. Từ thực tiễn phong phú và sáng tạo của công cuộc đổi mới, nhận thức về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng tỏ hơn; hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới, về xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã hình thành trên những nét cơ bản.

Chặng đường vẻ vang 85 năm qua của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã khẳng định: Sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam không tránh khỏi có những lúc thoái trào, có lúc phạm sai lầm, khuyết điểm. Tuy nhiên, điều quan trọng là Đảng sớm phát hiện ra những sai lầm, khuyết điểm của mình, công khai tự phê bình, nhận khuyết điểm trước nhân dân, quyết tâm sửa chữa và sửa chữa có kết quả. Vì vậy, Đảng vẫn được nhân dân tin cậy, thừa nhận Đảng ta là đội tiên phong chính trị, người lãnh đạo chân chính duy nhất của cả dân tộc.

Trong quá trình 85 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng được tôi luyện, trưởng thành và đã xây dựng nên nhiều truyền thống quý báu, thể hiện bản chất tốt đẹp: Bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu lý tưởng cách mạng; tinh thần độc lập tự chủ và sáng tạo, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, trung thành với lợi ích giai cấp, lợi ích dân tộc, gắn bó mật thiết với nhân dân, kiên định nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng, giữ gìn đoàn kết nội bộ, đoàn kết quốc tế…

Những truyền thống đó là sự kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, của giai cấp công nhân Việt Nam và giai cấp công nhân quốc tế trên một tầm cao mới của thời đại, là sức mạnh bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng. Đó là kết quả của quá trình vun trồng, xây đắp bền bỉ, là sự hy sinh phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ Đảng viên của Đảng góp phần tạo nên. Những truyền thống đó có ý nghĩa dân tộc và quốc tế sâu sắc, thể hiện tinh thần cách mạng triệt để, trình độ trí tuệ ngày càng được nâng cao của Đảng ta.

Ôn lại lịch sử và truyền thống của Đảng không phải chỉ để tự hào về Đảng mà quan trọng hơn là góp phần giữ vững, kế thừa và phát huy những truyền thống của Đảng, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, có đủ năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu ngang tầm đòi hỏi của thời đại mới, đưa ngọn cờ vinh quang của Đảng lên tầm cao mới.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII - sự kiện chính trị trọng đại của đất nước

85 năm là một quá trình rèn luyện và trưởng thành đầy vinh quang và thử thách. Qua mỗi thời kỳ phát triển, trước những nhiệm vụ mới, Đảng đều tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc để quyết định những vấn đề trọng đại. Cho đến nay, Đảng đã tiến hành 11 kỳ Đại hội để đề ra cương lĩnh chính trị, tổng kết những thành tựu đạt được cũng như đề ra phương hướng hoạt động cho chặng đường tiếp theo.

Quý I/2016, Đảng ta sẽ tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Đây là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước để giải quyết những nhiệm vụ đặt ra cho cách mạng Việt Nam trong quá trình Hội nhập sâu rộng. Đại hội sẽ tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2010 - 2015, xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong những năm tiếp theo, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và bầu Ban Chấp hành Trung ương, nhiệm kỳ 2016-2021.

Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XII của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; tình hình chính trị trên thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch tăng cường các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Đại hội Đảng bộ các cấp là cơ hội để tất cả mọi Đảng viên nhìn lại quá trình phát triển, những thành tựu, hạn chế của từng cấp ủy đảng, từng đảng bộ cũng như toàn Đảng trong thời gian qua và đóng góp, bày tỏ ý nguyện vào dự thảo văn kiện của Đại hội Đảng bộ cấp trên và của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Đây còn là cơ hội để các cấp Đảng bộ bầu ra cấp ủy đủ uy tín và năng lực lãnh đạo trong nhiệm kỳ mới - trước thời cơ và vận hội mới.

Ngọc Hà Hòa

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác