Nơi người nghèo không cần vay nóng

21/06/2015
(VBSP News) “Cần tiền làm vốn buôn bán, chăn nuôi thì đến Hội Phụ nữ hướng dẫn, giúp vay vốn của NHCSXH, không nên vay nóng, chơi hụi để rồi tan cửa, nát nhà” - đó là câu cửa miệng dõng dạc, nhưng chân tình, sâu sắc và đầy trách nhiệm của chị Nguyễn Thị Reo - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Thới, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) với các hội viên phụ nữ nghèo trong buổi sinh hoạt của phụ nữ định kỳ.
Vốn ưu đãi đã giúp gia đình chị Lê Thị Phương đầu tư vào chăn nuôi vươn lên thoát nghèo

Vốn ưu đãi đã giúp gia đình chị Lê Thị Phương đầu tư vào chăn nuôi vươn lên thoát nghèo

Hai giờ chiều, giữa cái nắng gay gắt của những ngày hè đỏ lửa, chúng tôi tìm về Nhà văn hóa thôn An Châu, xã Bình Thới. Tại đây đang diễn ra buổi hướng dẫn thủ tục để chị em phụ nữ nghèo tiếp cận với đồng vốn ưu đãi. Gặp chị Lê Thị Phương, một hội viên nghèo, là khách hàng “thân thiết” của ngân hàng, chúng tôi mới cảm nhận hết được tấm chân tình của bà Reo và hiệu quả thiết thực của chính sách này mang lại cho hội viên phụ nữ nghèo.

Cuộc đời của người phụ nữ này là những hồi ức thấm đẫm nước mắt. Trở thành góa phụ khi ở cái tuổi đẹp nhất của đời người. Hơn 30 tuổi, thân cò lặn lội nuôi 3 con và 6 người thân bị mù và bại liệt. Trong nhà cái gì có giá trị, cũng bán sạch để chữa trị cho bố, mẹ, anh trai chồng và bố, mẹ, chị gái ruột, nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm.

Chị Phương bảo rằng trong nhà mình không hề có mùa xuân. Nhà có mấy sào ruộng, mặc mưa nắng gió sương, chị phải nai lưng ra làm. Những khi công việc rảnh tay là chị chạy khắp làng trong, xóm ngoài để làm thuê nhằm kiếm thêm ít tiền, nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo, khổ vẫn khổ. Rồi bố, mẹ, anh trai chồng và bố, mẹ, chị gái ruột lần lượt qua đời. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, nhưng bằng nghị lực phi thường chị đã mạnh mẽ gượng dậy để làm chỗ dựa vững chắc cho các con.

Hoàn cảnh khó khăn nên mỗi khi túng thiếu chị phải đi vay nóng vài ba triệu đồng với lãi suất trên 12%/tháng. Lãi thì cao mà thu nhập của chị chẳng đáng là bao trong khi phải nuôi 3 đứa con ăn học nên chị phải chạy vay chạy mượn để trả. Tới ngày trả lãi, chị lại thấp thỏm lo âu người ta tới đòi nợ, không có trả họ lại xiết nợ thì rõ khổ… Chỉ đến khi câu chuyện của chị đến tai chị Reo, ngay lập tức, chị Reo đã tìm đến nhà chị Phương tận tình khuyên nhủ “đoạn tuyệt” với vay nóng, hướng dẫn thủ tục tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, chỉ dẫn cách làm ăn. Cũng từ đây, cuộc đời chị đã bước sang một trang mới, khép lại quá khứ nghèo nàn túng quẩn. Điều mà có nằm mơ, chị cũng chưa bao giờ dám nghĩ đến.

Năm 2010, từ đồng vốn vay ưu đãi, chị đã mua 1 con bò cái về nuôi. Bò mẹ đẻ bò con, đến nay, chị đã xuất chuồng được 5 con nghé con, mang về thu nhập gần 40 triệu đồng tiền lãi. Hết thời hạn vay chị Phượng lại gom tiền tích góp được hoàn trả cho ngân hàng. Có vốn, cộng với việc chăm chỉ làm ăn, đến nay, chị Phương đã sửa được nhà, cuộc sống khấm khá hơn trước rất nhiều.

Chị Phương ngẹn ngào: “Mình không bao giờ quên câu nói dõng dạc mà quyết đoán của chị Reo khi đến nhà mình, chị bảo không được vay nóng, tại sao Nhà nước cho vay vốn ưu đãi lại không vay để rồi vay nóng, lãi mẹ đẻ lãi con rồi tan cửa, nát nhà. Nếu không có nguồn vốn ưu đãi và sự nhiệt tình giúp đỡ của chị Reo, cuộc sống của gia đình mình còn lâu mới được như ngày hôm nay”.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Thới Nguyễn Thị Reo (ngoài cùng bên phải) thăm hỏi, động viên hội viên tích cực sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Thới Nguyễn Thị Reo (ngoài cùng bên phải) thăm hỏi, động viên hội viên tích cực sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo

Không chỉ chị Phương mà ở cái miền quê đất lúa chân chất này, đã có hàng ngàn hộ gia đình được chị Reo khuyên nhủ “đoạn tuyệt” với vay nóng, giúp tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi. Và cũng nhờ thế mà người nghèo nay đã vươn lên thoát nghèo.

Từ khi được nhận ủy thác quản lý, sử dụng đồng vốn đó. Hội Phụ nữ xã Bình Thới luôn đi đầu, mạnh dạn giúp hội viên tiếp cận với đồng vốn, giúp bà con giảm nghèo và đi lên làm giàu trên mảnh đất của quê hương. Hội Phụ nữ tiến hành khảo sát nắm danh sách hộ nghèo trong toàn xã, vận động chị em gia nhập Tổ tiết kiệm và vay vốn, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của chị em, phân loại hộ nghèo để có biện pháp giúp đỡ phù hợp với từng đối tượng. Đến nay, dư nợ tại xã đạt trên 12 tỷ đồng với gần 1.350 hộ vay. Nhờ sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả nên thu nhập kinh tế gia đình năm sau đều tăng hơn so với năm trước. Chị em có điều kiện trả lãi, trả gốc đến hạn, tham gia gửi tiền tiết kiệm đuề đặn, đặc biệt không có nợ quá hạn, từng bước đã thoát nghèo, góp phần giảm hộ nghèo của xã từ 23% năm 2010 đến năm 2014 giảm xuống chỉ còn 8,66%. Xã Bình Thới cũng là một trong những điểm sáng của Quảng Ngãi trong việc sử dụng đồng vốn vay có hiệu quả.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Thới Nguyễn Thị Reo, chia sẻ: “Hạnh phúc lớn nhất của tôi là thấy hộ vay làm ăn hiệu quả, cải thiện được đời sống. Nguồn vốn ưu đãi thực sự có ý nghĩa sâu sắc với hộ nghèo, vì thế mình sẽ nỗ lực để giúp người dân được vay vốn  ưu đãi, mang đến niềm vui với nhiều người nghèo hơn nữa”.

Bài và ảnh Ái Kiều

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác