Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng

25/03/2016
(VBSP News) Bằng ý chí quyết tâm thoát nghèo cùng sự hỗ trợ kịp thời của vốn vay ưu đãi của Nhà nước, từ hai bàn tay trắng, đến nay gia đình anh Nguyễn Hùng Kiềm ở thôn Thống Nhất, xã Đông Hà, huyện Quản Bạ (Hà Giang) đã gây dựng được cơ ngơi mà nhiều người trong xã mơ ước.
Dịch vụ làm bún, phở của nhà anh Nguyễn Hùng Kiềm

Dịch vụ làm bún, phở của nhà anh Nguyễn Hùng Kiềm

Từ hộ nghèo, năm 2011 gia đình anh Nguyễn Hùng Kiềm ở thôn Thống Nhất, xã Đông Hà, huyện Quản Bạ được Nhà nước cho vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi để mua 2 con trâu về nuôi. Nhờ sự chăm sóc đúng cách, trâu của gia đình cứ dần sinh sản và được tăng thêm vài con nữa, gia đình anh đã bán bớt trâu để đầu tư nuôi thêm lợn, gà.

Anh Kiềm tâm sự: “Nhà tôi lúc ấy khó khăn lắm, lại chưa biết làm gì để phát triển kinh tế gia đình. Gia đình cũng muốn mua trâu về nuôi, nhưng nuôi trâu cần vốn lớn nên nhiều hộ nghèo như tôi chưa mạnh dạn vay vốn, bởi lo không trả được tiền vay ngân hàng. Từ khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, thấy thủ tục vay vốn đơn giản, lãi suất thấp, nên tôi đã làm thủ tục xin vay vốn. Do trâu là loài gia súc phù hợp với điều kiện chăn nuôi ở địa phương, việc nuôi trâu có nhiều thuận lợi như nguồn thức ăn dễ kiếm từ rau rừng, cỏ, cây lá tự nhiên…, khi trâu được bán, cũng cho khoản lợi nhuận khá cao từ 8 - 10 triệu đồng/con”.

Sau 4 năm chịu khó, việc chăn nuôi của nhà anh Kiềm phát triển khá tốt. Bán trâu đi, anh trả được hết tiền vay NHCSXH và cũng được xét thoát khỏi diện hộ nghèo, đời sống gia đình sung túc hơn trước, con cái được đi học đầy đủ.

Từ khi biết cách làm kinh tế, gia đình anh Kiềm không ngừng nỗ lực vươn lên, mở rộng quy mô chăn nuôi. Tháng 10/2015, anh tiếp tục vay 50 triệu đồng vốn hộ cận nghèo từ NHCSXH để sửa sang chuồng trại, phát triển đàn trâu lên 5 - 6 con, kết hợp với chăn nuôi 20 con lợn thịt mỗi lứa và 3 con lợn nái, mỗi năm 3 lứa lợn xuất chuồng mang lại cho anh nguồn thu khoảng 20 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.

Ngoài việc cần cù chịu khó, anh còn ham học hỏi, tham khảo các mô hình sản xuất, các kỹ thuật giống mới ở địa phương, xem thông tin trên sách báo, truyền hình,… để nghĩ thêm cách phát triển kinh tế gia đình. Sau khi sửa sang lại chuồng trại, anh dùng tiền vay với vốn tự có mở rộng nhà cửa để làm thêm dịch vụ xay xát gạo cho bà con trong vùng. Nhận thấy nhân dân trong xã có nhu cầu mua bún, phở khá lớn, anh Kiềm tiếp tục mua thêm máy làm bún, phở khô về vừa bán sản phẩm, vừa tạo thêm công việc cho bà con trong thôn. Chính nhờ sự nhạy bén, dám nghĩ dám làm mà đến nay, gia đình anh Kiềm đã trở thành hộ kinh tế khá ở xã. Từ việc chăn nuôi đến trồng cấy và dịch vụ xay xát đem về thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.

Dù chưa phải là hộ có mô hình phát triển kinh tế lớn, nhưng có thể thấy nhiều triển vọng thoát nghèo bền vững, nhất là đối với nơi có điều kiện khó khăn như ở đây thì tinh thần chịu khó lập nghiệp như anh Nguyễn Hùng Kiềm là rất đáng quý. Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, đến nay, gia đình anh đã gây dựng được cơ ngơi mà nhiều người trong xã mơ ước.

Bài và ảnh Lê Hải

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác