“Ăn nên làm ra” từ nguồn vốn vay ưu đãi
Đến trung tâm xã Đồng Yên hỏi về nhà ông Nguyễn Quang Thuộc, một gia đình tiêu biểu trong phát triển kinh tế nhờ vốn vay ưu đãi, ai cũng nhiệt tình chỉ đường: “Ông Thuộc là người dân tộc Tày ở thôn Thượng An à? Nhà ông Thuộc giàu lên nhờ nuôi lợn à? Nhà ở chỗ này này”… Đó là những điều mà bà con trong xã nhận xét về ông Thuộc, người làm kinh tế tiêu biểu của xã này.
Trong ngôi nhà xây khang trang, rộng rãi, sạch đẹp, ông Thuộc và vợ thay nhau kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện làm kinh tế của gia đình mình với biết bao thử thách, khó khăn. Nhiều năm trước đây, gia đình ông bà cũng là hộ nghèo, cuộc sống chỉ trông chờ vào vài sào ruộng; chăn nuôi thì manh mún với vài con lợn, gà.
Ông Thuộc cho biết, muốn phát triển kinh tế thì phải có vốn để mua giống mới, vì giống lợn địa phương lớn chậm, có năm giá lợn hơi thấp còn bị lỗ. Qua tìm hiểu bạn bè và được cán bộ xã tuyên truyền, gia đình ông vay NHCSXH huyện Bắc Quang 25 triệu đồng. Có vốn trong tay, ông tìm mua giống lợn nái ở dưới xuôi; gây nái sinh sản con giống rồi nuôi bán thịt. Đàn lợn nhà ông dần tăng, sau mỗi lứa, ông bán rồi đầu tư xây chuồng trại, mua thêm giống lợn siêu nạc ở Phú Thọ và tìm nguồn lấy cám ở dưới xuôi. Ông nói, mua lợn giống với giá 800 nghìn đồng/con/6kg; sau nuôi 4 tháng, bán được khoảng hơn 4 triệu đồng/con; mỗi năm ông nuôi khoảng 3 lứa, tiền lãi được khoảng 100 triệu/năm. Năm 2005, đàn lợn nhà ông có lúc lên đến gần 20 con; cứ thế, ông nuôi gối và tăng dần số lượng đàn. Giống lợn ông nuôi là lợn áp siêu, không phải nấu cám nên ông vẫn tranh thủ làm được nhiều việc khác. Với diện tích đất, ao hiện có của gia đình, ông đầu tư nuôi thêm gà, vịt và mở quán bán hàng tạp hóa.
Được ông Thuộc dẫn đi xem cơ ngơi chăn nuôi, chúng tôi không khỏi khâm phục ông. Người dân ở đây cho biết: Khu này, nhà ông Thuộc là hộ đầu tiên mạnh dạn mua giống lợn siêu nạc về nuôi; mới đầu, ông rủ vài người bạn về đầu tư nuôi chung, nhưng ai nấy đều sợ. Đến khi không một ai đồng tình, mình ông quyết định “liều” tự lặn lội đi Phú Thọ tìm giống và mua về nuôi; đến nay, ông ấy sắp giàu nhất khu này rồi.
Rời nhà ông Thuộc, chúng tôi tiếp tục đến nhà ông Nguyễn Văn Toản ở thôn Minh Thành, thị trấn Việt Quang. Một lần nữa, chúng tôi thêm ấn tượng về cơ ngơi của ông Toản. Quê gốc của ông ở Bắc Giang, lên Hà Giang định cư năm 2000. Năm 2012, gia đình được vay 20 triệu đồng vốn ưu đãi từ NHCSXH để mua lợn giống về nuôi, cải tạo vườn trồng cây ăn quả. Với nền tảng kinh tế có trước, cùng sự tính toán làm ăn, đến nay, gia đình ông Toản có gần 100 gốc thanh long ruột đỏ, 20 cây mít Thái, hơn 100 con gà Đông Tảo, 2ha chè, 200 cây bưởi da xanh và bưởi diễn cùng mấy chuồng lợn rừng và lợn siêu nạc…
Nhờ sự cần cù, chịu khó có kế hoạch tài chính rõ ràng, việc làm ăn của gia đình ông Toản, ông Thuộc đều khá thuận lợi, trở thành tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi của đồng bào DTTS huyện Bắc Quang. Khi được hỏi về bí quyết làm kinh tế giỏi, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay cho các hộ xung quanh, ông Toản và ông Thuộc đều có chung tâm sự: “Điều quan trọng, mỗi người phải có kế hoạch phát triển kinh tế rõ ràng, dám nghĩ, dám làm và chịu khó học hỏi cái mới thì đồng vốn mới được sử dụng hiệu quả”.
Bài và ảnh Mỹ Hằng
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Vẹn cả đôi đường
- » Nữ Tổ trưởng tận tình vì công tác giảm nghèo
- » Người “chị cả” hết lòng vì chị em
- » Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tiêu biểu ở huyện Đan Phượng
- » Người phụ nữ không cam chịu nghèo khổ
- » Hành trình đuổi nghèo từ... 5 triệu đồng
- » Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng
- » Giàu lên từ đồng vốn ưu đãi
- » Đi lên từ gian khó
- » Chuyện làm giàu của người nông dân Lý Lành Pá