Ý chí thoát nghèo của người phụ nữ dân tộc Dao nơi miền sơn cước

24/06/2016
(VBSP News) Với kinh nghiệm 8 năm làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, chị Phàn Thị Thủy - người phụ nữ dân tộc Dao đã luôn nỗ lực chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ đến cho nhiều hộ gia đình, đặc biệt là hộ đồng bào DTTS trên địa bàn thôn Sủng Khể, xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) không những giúp họ thoát nghèo mà còn thoát nghèo bền vững và trở thành những tấm gương làm kinh tế giỏi...
Mô hình chăn nuôi ngựa bạch hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi

Mô hình chăn nuôi ngựa bạch hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi

Đến với thôn Sủng Khể không khó để tìm đến được gia đình nhà chị Phàn Thị Thủy, người mà bà con trong thôn yêu mến gọi bằng “mẹ”.  Bao năm qua nhờ có “mẹ” mà nhiều gia đình thuộc diện nghèo đã biết cách sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay của NHCSXH để đầu tư vào cây, con giống, ngành nghề phù hợp dần thoát khỏi cái nghèo.

Tìm lời giải cho bài toán thoát nghèo

Là con út trong gia đình có 3 anh em, bố mất sớm, mẹ thì già yếu, gia cảnh lại khó khăn vì thế tuổi thơ ấu của chị Thủy luôn là những bữa cơm ăn không đủ no, áo không đủ ấm. Đến khi 18 tuổi chị “bắt” được chồng về ở rể, đôi vợ chồng trẻ luôn đau đáu một nỗi niềm làm sao để thoát khỏi cảnh nghèo khó đã đeo bám mình từ tấm bé.

Năm 2004, khi tham gia và trở thành khuyến nông viên của xóm, bản thân được hướng dẫn nhiều kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt, với chị cánh cửa mở ra tương lai tươi sáng hơn đã dần ẩn hiện. Có kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi nhưng chị lại gặp bế tắc trên con đường thoát nghèo do không có vốn làm ăn.

Lời giải cho bài toán thoát nghèo đã được tìm ra khi năm 2005, gia đình chị lần đầu tiên được vay nguồn vốn ưu đãi. Khỏi phải nói, chị đã mừng đến mức nào khi có vốn trong tay, vợ chồng chị đồng thuận dùng số tiền vay được để mua ngựa giống và cỏ giống.

Là người tiên phong ở thôn trong việc trồng cỏ giống và đầu tư vào mô hình nuôi ngựa bạch hiệu quả, giờ đây nhìn những trảng cỏ xanh ngút mắt, phủ xanh đồi núi đá, chỉ tay về phía đồng cỏ xanh trước nhà và đàn ngựa bạch, mắt chị ánh lên niềm vui. Ngày trước, khi mình “bày” cho nhiều người trong thôn cách làm, họ chưa tin, chưa làm nên mình phải đi tiên phong. Có làm, có kết quả họ mới tin và làm theo, chị Thủy tâm sự.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, đến nay gia đình chị đã có đa dạng giống cây trồng và vật nuôi với hơn chục con trâu, bò, ngựa bạch, lợn đen mỗi loại và cả những ruộng ngô, mía, chè… Ngoài ra, gia đình chị còn tích cực tham gia vào dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng được triển khai theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Từ 94ha cây sa mộc, gia đình chị Thủy trồng ban đầu, giờ gia đình đã có 103ha.

Luôn xác định công tác bảo vệ và phát triển rừng là một nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của thôn nhằm phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và chống xói mòn. Ngoài ra thông qua hoạt động trồng và bảo vệ rừng gia đình tôi đã tạo công ăn việc làm cho gần trăm lao động tại thôn đến làm thuê, góp phần tăng thu nhập cho người dân trong thôn, chị Thủy vui vẻ chia sẻ thêm.

Trước ý chí thoát nghèo và tấm gương giàu nghị lực về phát triển kinh tế hộ gia đình cũng như trách nhiệm đối với cộng đồng trong việc trồng và bảo vệ rừng, năm 2008, chị Thủy được bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hiện tại, Tổ tiết kiệm và vay vốn do chị Thủy quản lý có 35 tổ viên, dư nợ 735 triệu đồng với 5 chương trình tín dụng chính sách. Vốn vay, chủ yếu được tổ viên sử dụng vào phát triển chăn nuôi bò, ngựa, trồng cỏ cho gia súc.

Nguồn thu nhập từ chăn nuôi, trồng trọt nhiều hộ gia đình đã biết tiết kiệm để tái đầu tư, sản xuất tăng thêm nguồn thu nhập, dần thoát nghèo bền vững và từng bước vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất “ngẩng mặt lên thấy đá” này. Từ “hai bàn tay trắng”  quanh năm phải đi làm thuê, năm 2010 tổ viên Tráng Thị Cả vay 5 triệu đồng hộ nghèo về nuôi bò. Năm 2011, gia đình chị tiếp tục vay thêm 20 triệu để mua thêm bò giống. Đến nay, gia đình chị đã trả hết số vốn vay ngân hàng và lại có thêm “tài sản” là 4 con bò và 2 con trâu.

Cũng như gia đình chị Cả, gia đình chị Tráng Thị Sàng cũng là tấm gương tiêu biểu vươn lên phát triển kinh tế. Cùng với số tiền vay ít ỏi ban đầu là 5 triệu đồng năm 2010 hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn để mua dê và lợn. Tuy nhiên, để thật sự thoát nghèo bền vững, cần phải có nguồn thu ổn định và lâu dài. Nghĩ là làm, gia đình chị tiếp tục vay thêm 20 triệu đồng để mua thêm bò về nuôi. Đến nay, gia đình chị đã thoát nghèo và có nguồn thu nhập ổn định…

Người phụ nữ có tấm lòng tương thân, tương ái

Với nhiều người dân thôn Sủng Khể, chị Thủy như người mẹ thứ hai của họ vậy, bởi khi loay hoay chưa biết cách trồng cây gì, nuôi con gì đều được chị Thủy hướng dẫn tỉ mỉ cách làm. Thường xuyên đến từng nhà tổ viên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ khó khăn với tổ viên trong hành trình đầu tiên để vươn lên thoát nghèo, thậm chí chị còn mang tiền tiết kiệm của gia đình mình đến tận nhà  giúp đỡ những gia đình có khó khăn về kinh tế, đồng thời chị còn giám sát quá trình sử dụng vốn vay của tổ viên sao cho đúng mục đích và phát huy hiệu quả. Phải là người “nói được, làm được” thì dân mới tin mới làm theo, chị Thủy vui vẻ cho biết.

Người dân tộc Dao ấy, dù chỉ mang nặng đẻ đau có một người con nhưng giờ chị lại có tới bốn người con nuôi. Nhìn đứa bé con mới đầy tháng tuổi bị gia đình bỏ rơi, khát sữa là “mẹ” Thủy không cầm lòng được lại mang về nuôi, bà Cháng Thị Cả - tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn do chị Phàn Thị Thủy quản lý chia sẻ thêm về người Tổ trưởng của tổ mình.

Quá trình gắn bó lâu dài và hiệu quả với nguồn vốn tín dụng chính sách của chị Phàn Thị Thủy đã góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo, đặc biệt là với các hộ đồng bào DTTS nghèo của xã Lũng Chinh nói riêng và huyện Mèo Vạc nói chung. Với những đóng góp tích cực chị Thủy vinh dự là một trong những đại biểu tiêu biểu của tỉnh Hà Giang được Chủ tịch nước gặp mặt và biểu dương trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cùng nhiều Giấy khen cấp huyện và tỉnh.

Bài và ảnh Ninh Phương

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác