Nữ Tổ trưởng nhiệt huyết quên tuổi tác
Vốn là giáo viên nghỉ hưu, lại là người nhiệt tình tham gia các hoạt động phong trào của thôn, xã nên năm 1995 bà Trần Thị Tạ được người dân thôn Hoạch An tín nhiệm “đề cử” và bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của Ngân hàng Phục vụ người nghèo, nay là NHCSXH. Vậy là 21 năm qua, bà Tạ đã trở thành “cánh tay nối dài” giúp cho sự kết nối giữa người nghèo với tín dụng chính sách xã hội thêm hiệu quả. Tuy nhiên, khi hỏi về quãng thời gian làm “cán bộ ngân hàng không chuyên” bà Tạ vẫn khiêm tốn nói rằng, nhờ có Hội Phụ nữ xã và NHCSXH huyện trực tiếp giúp đỡ nên bà đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, dẫn dắt Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Hoạch An hoạt động hiệu quả.
Những ngày đầu mới thành lập, Tổ tiết kiệm và vay vốn của bà Tạ chỉ có 20 thành viên với dư nợ chưa đến 250 triệu đồng, nhưng đến nay tổ đã thu hút 42 hộ nghèo, hộ cận nghèo tự nguyện tham gia sinh hoạt đều đặn với tổng dư nợ đạt trên 700 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay này, nhiều thành viên trong tổ đã có điều kiện phát triển SXKD, tạo việc làm, chăm lo việc học hành cho con em, vươn lên thoát cảnh nghèo khó, cuộc sống về tinh thần lẫn vật chất được cải thiện rõ rệt. Đơn cử như gia đình ông Trần Văn Đúng. Năm 2010, qua bình xét và hướng dẫn của Tổ tiết kiệm và vay vốn, gia đình ông Đúng được vay vốn 15 triệu đồng để đào ao, thả cá. Sự cần cù, chịu khó cùng với sự hướng dẫn của Tổ đã giúp cho đồng vốn sinh sôi. Hiện tại, sau khi đã trả hết nợ ngân hàng, gia đình ông Đúng còn mua thêm được máy phay đất, công nông chở vật liệu, cuộc sống ngày càng được cải thiện.
Chia sẻ về “bí quyết” vừa quản lý tốt nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ vừa được sự tín nhiệm của các thành viên, bà Tạ cho biết: “Ban quản lý tổ phải rất quan tâm đến việc bình xét công khai, dân chủ, đúng đối tượng vay vốn. Chính vì vậy, hiện tượng thiếu công bằng, mất đoàn kết trong bình xét vay vốn chính sách ở thôn Hoạch An đã không xảy ra”.
Không những thế, để nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, Tổ trưởng Trần Thị Tạ còn thường xuyên sắp xếp thời gian đến từng nhà tổ viên để tìm hiểu hoàn cảnh, đồng thời nắm bắt tình hình sử dụng vốn vay của họ, mặt khác đôn đốc, nhắc nhở kịp thời các hộ chấp hành tốt quy định về trả nợ, trả lãi đúng hạn. Với sự tâm huyết của bà Tạ, đến nay, Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Hoạch An không có trường hợp tổ viên nào để nợ quá hạn, lãi tồn đọng.
Không chỉ là nơi chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho tổ viên, Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Hoạch An lâu nay đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa chung của bà con. “Tổ tiết kiệm và vay vốn như “ngôi nhà” thứ hai của chúng tôi. Tại đây, chúng tôi không chỉ trao đổi những thông tin liên quan đến việc vay vốn, sử dụng vốn mà còn tổ chức sinh hoạt văn nghệ kết hợp với phổ biến tuyên truyền cách thức sử dụng vốn vay, đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất, thông qua các buổi sinh hoạt, tổ thường giới thiệu đến bà con các mô hình đã sử dụng vốn vay ưu thành thành công để tổ viên có thể học tập theo. Vì vậy, các buổi sinh hoạt của tổ thường diễn ra vui vẻ, sinh động, được đông đảo mọi người hào hứng tham gia”, bà Tạ chia sẻ.
Đánh giá vai trò của những Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn trong việc quản lý, giám sát nguồn vốn tín dụng chính sách, Giám đốc NHCSXH huyện Thanh Oai, Nguyễn Xuân Hưởng cho biết: “Sự nhiệt tình trong công tác và cách thức quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách như Tổ trưởng Trần Thị Tạ đã trở thành những gương sáng góp phần tích cực vào kết quả giảm nghèo bền vững và hoàn thành nhanh các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở xã Hòa An”.
Bài và ảnh Anh Thư
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Người CCB không cam chịu nghèo khổ
- » Ý chí thoát nghèo của người phụ nữ dân tộc Dao nơi miền sơn cước
- » Từ một tấm lòng nhiệt huyết
- » “Ăn nên làm ra” từ nguồn vốn vay ưu đãi
- » Vẹn cả đôi đường
- » Nữ Tổ trưởng tận tình vì công tác giảm nghèo
- » Người “chị cả” hết lòng vì chị em
- » Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tiêu biểu ở huyện Đan Phượng
- » Người phụ nữ không cam chịu nghèo khổ
- » Hành trình đuổi nghèo từ... 5 triệu đồng