Người thắp lửa xóa nghèo vùng cao Mù Cang Chải
Nói đến Mù Cang Chải - một huyện vùng cao nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái với 90% dân số là người dân tộc Mông, còn lại là dân tộc Thái, Kinh và các dân tộc khác thì khó khăn không kể xiết.
Và ai đến với mảnh đất này để lập nghiệp, để “chung lưng đấu cật” với bà con dân bản thì ắt hẳn người đó phải có trái tim nhân hậu và sự nhiệt huyết với nghề. Giám đốc NHCSXH huyện Mù Cang Chải - anh Bùi Văn Hóa là người như vậy.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Đồng bằng Bắc bộ, huyện Kiến Xương (Thái Bình), anh Bùi Văn Hóa cùng gia đình lên Tây Bắc lập nghiệp. Gắn bó với nghề đã 30 năm ở huyện vùng cao Giám đốc NHCSXH huyện Mù Cang Chải, Bùi Văn Hóa dường như quá đỗi quen thuộc với những chuyến đi như thế này. Những khúc cua tay áo, những ghềnh đá cheo leo, những con suối cuộn chảy vào mùa mưa lũ… dường như là một phần không thể thiếu, là “cơm ăn, nước uống” của cán bộ tín dụng NHCSXH. Cái khó do điều kiện thời tiết, địa lý anh không ngại, cái anh lo ngại là nguồn vốn tín dụng với bao mồ hôi, nước mắt, đến được với đồng bào mà không phát huy được hiệu quả. Vì thế, cũng như bao cán bộ tín dụng địa bàn khác, không chỉ “mang tiền Chính phủ, cho bản làng vay đủ”, các anh còn phối hợp tốt với chính quyền, tổ chức hội, cầm tay chỉ việc, hướng dẫn bà con sử dụng vốn đạt hiệu quả cao nhất.
Điều mà anh cùng các cán bộ nơi vùng đất nổi tiếng với “ruộng bậc thang” đau đáu là làm thế nào để đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây sử dụng đồng vốn đúng mục đích, sinh lãi.
Chính vì vậy, NHCSXH huyện Mù Cang Chải đã cùng với các ban, ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao KHKT, lồng ghép việc vay vốn chính sách với áp dụng KHKT vào lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp cho bà con, giúp cho bà con biết xây dựng các mô hình kinh tế, thoát nghèo, nâng cao đời sống.
Giám đốc Bùi Văn Hóa còn thường xuyên “cắm bản” để kiểm tra, giám sát cơ sở nhằm nắm bắt tình hình, phát hiện những tồn tại để chấn chỉnh kịp thời, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc.
Không những vậy, anh còn làm tốt công tác tham mưu cho UBND huyện Mù Cang Chải chỉ đạo tốt việc phân bổ nguồn vốn kịp thời, chính xác, giúp cho chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội của địa phương đạt kết quả cao. Anh cũng luôn phát huy vai trò trách nhiệm của người lãnh đạo đơn vị trong việc tổ chức cho cán bộ tham gia phong trào thi đua yêu nước, yêu ngành, nâng cao kiến thức và đạo đức nghề nghiệp để phục vụ người nghèo tốt hơn. Bản thân anh Hóa là người đề ra và chấp hành nghiêm chỉnh, làm gương sáng cho cán bộ, viên chức trong đơn vị noi theo.
Đến thăm gia đình ông Hảng Ông Xay ở bản Phình Hồ, xã Dế Xu Phình, chúng tôi được ông kể rất nhiều chuyện về NHCSXH, về Giám đốc Bùi Văn Hóa. Ông Hảng Ông Xay cho biết: “Trước đây, gia đình tôi rất nghèo, cuộc sống bữa no bữa đói. Từ khi được sự tư vấn, giúp đỡ của ông Bùi Văn Hóa, gia đình tôi đã vay vốn. Nhờ đồng vốn được vay, cùng với sự nỗ lực của gia đình, đến nay cuộc sống gia đình tôi đã được cải thiện rất nhiều. Gia đình tôi biết ơn NHCSXH nhiều lắm, trong đó có cá nhân ông Bùi Văn Hóa”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, gia đình ông Hảng Ông Xay được vay 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo và 8 triệu đồng hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn để nuôi bò sinh sản và đào mương dẫn nước nguồn về trồng rau màu. Với sự cần cù chịu khó, cộng với sự giúp đỡ, hướng dẫn sử dụng đồng vốn của anh Hóa, hồi đầu năm vừa qua, gia đình ông Xay đã thu về 100 triệu đồng, tạo được cuộc sống no đủ, vui vẻ cho gia đình.
Cùng ở xã Dế Xu Phình có gia đình chị Giàng Thị Chu. Năm 2012, được sự động viên của các tổ chức hội, của Giám đốc Bùi Văn Hóa, gia đình chị Chu đã vay 20 triệu đồng vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện để chăn nuôi.
Số tiền vay tuy không nhiều so với nhu cầu sản xuất nhưng đã hỗ trợ đúng lúc, giúp gia đình chị Chu mua một cặp bò và làm chuồng trại kiên cố. Nhờ đồng vốn chính sách mà kế hoạch sản xuất của gia đình chị mới thực hiện trọn vẹn, thoát được cảnh nghèo khó. Hiện nay đã phát triển đàn bò lên 8 con.
Đến nay, tổng dư nợ của NHCSXH huyện Mù Cang Chải đạt 155 tỷ đồng, tăng so với đầu năm là 18 tỷ đồng; nợ quá hạn chỉ chiếm 0,03% trên tổng dư nợ. Nguồn vốn của NHCSXH đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện.
Thành công trên cho thấy sự nỗ lực của cả tập thể NHCSXH huyện và cá nhân anh Bùi Văn Hóa - người “đứng mũi chịu sào” để chuyển tải nguồn vốn ưu đãi tới bà con dân bản. Chính vì vậy, cá nhân anh Hóa đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen và phần thưởng của Tổng Giám đốc NHCSXH, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái. Còn bà con dân bản tôn Bùi Văn Hóa “là một tấm gương về tinh thần tận tâm với người nghèo và tận tâm với công việc.”
Bài và ảnh Anh Thư
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Người “vác tù và hàng tổng” của thôn Đá Đinh 2
- » Nữ Tổ trưởng nhiệt huyết quên tuổi tác
- » Người CCB không cam chịu nghèo khổ
- » Ý chí thoát nghèo của người phụ nữ dân tộc Dao nơi miền sơn cước
- » Từ một tấm lòng nhiệt huyết
- » “Ăn nên làm ra” từ nguồn vốn vay ưu đãi
- » Vẹn cả đôi đường
- » Nữ Tổ trưởng tận tình vì công tác giảm nghèo
- » Người “chị cả” hết lòng vì chị em
- » Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tiêu biểu ở huyện Đan Phượng