Người “vác tù và hàng tổng” của thôn Đá Đinh 2

17/08/2016
(VBSP News) “Bà con đã tín nhiệm bầu mình thì phải làm cho hết trách nhiệm, đừng để phụ lòng tin của mọi người” - Đó là phương châm làm việc của Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Đá Đinh 2, xã Tả Phời, TP Lào Cai (Lào Cai).
Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Châu Văn Phúc

Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Châu Văn Phúc

Quả ngọt từ ý chí quyết tâm

Chúng tôi về thôn Đá Đinh 2, xã Tả Phời, TP Lào Cai vào những ngày này. Nhìn xóm làng khang trang sau những ngọn đồi, sườn núi phủ một màu xanh tít tắp, ai cũng mừng về sự đổi thay ấy.

Trong ngôi nhà gỗ được làm theo kiểu truyền thống của người dân miền núi với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, hai bên tường được “trang trí” toàn là Bằng khen, Giấy khen hộ sản SXKD giỏi của thành phố, của Chủ tịch UBND tỉnh… anh Châu Văn Phúc tự hào khoe với chúng tôi, đó là gia tài có giá trị nhất của mình.

Vừa rót chén trà xanh, anh bắt đầu câu chuyện “làm giàu” của mình: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện khó khăn của thôn do thiếu vốn, thiếu sức kéo trong sản xuất nông nghiệp và thiếu lao động. Lúc đó trong thôn, nhà nào cũng khó khăn như nhau nên cũng chẳng biết mượn tiền ai để mua trâu về cày. Nhìn các con bữa đói thì nhiều, bữa lo thì hiếm tôi cũng xót lắm mà chẳng biết làm thế nào”.

Trong lúc đang loay hoay tìm sinh kế, năm 2008, chính quyền và Hội Nông dân xã đến vận động bà con trong thôn tham gia thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn để được vay vốn NHCSXH với lãi suất thấp, không phải thế chấp tài sản. Như vớ được “phao cứu sinh”, không mất nhiều thời gian suy nghĩ, anh liền về viết đơn xin gia nhập.

“Lúc được NHCSXH tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng vốn hộ nghèo, chúng tôi vừa mừng lại vừa lo, bởi đây là khối tài sản rất lớn. Vợ chồng tôi bàn bạc làm gì để có hiệu quả kinh tế, cuối cùng thống nhất sẽ đầu tư vào cặp trâu sinh sản vừa lấy sức kéo, vừa có thể bán nghé khi trâu sinh, lại thêm địa hình miền núi đất đồi dốc nên cỏ nhiều, không lo về nguồn thức ăn cho trâu”, anh Phúc bồi hồi nhớ lại. Trời không phụ người khó, việc chăn nuôi của gia đình anh Phúc thuận lợi. Con Trâu ban đầu sinh ra lứa nào đều nuôi được, bán được.

Năm 2013, sau khi đã trả xong nợ gốc cho ngân hàng, đang đà “làm ăn” tốt, anh tiếp tục vay NHCSXH 30 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn để mở rộng chuồng trại nuôi gà, vịt và cải tạo ao nuôi cá hỗn hợp.

Hiện nay, trừ chi phí, bình quân mỗi năm gia đình anh Phúc thu về khoảng trên 100 triệu đồng. Đầu năm 2016, gia đình anh đã trả hết nợ cho NHCSXH. Từ hộ nghèo trở thành hộ khá giả, gia đình anh Phúc có “của ăn của để”, có sẵn vốn lớn để đầu tư sang các đối tượng khác mà không cần phải vay vốn ngân hàng nữa, con cái cũng được ăn học đầy đủ.

Tổ trưởng miệng nói, tay làm

Không chỉ là hộ SXKD giỏi, anh Châu Văn Phúc còn là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn điển hình của địa phương. Chia sẻ về chặng đường tham gia quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách, anh Phúc kể, năm 2008, anh được bà con tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng, không phải nhiệm vụ lớn lao gì nhưng với một người nông dân chân lấm tay bùn, chỉ thành thạo việc đồng áng, chưa bao giờ nghĩ đến việc tính toán lỗ, lãi với những con số. Lo lắng về trách nhiệm là vậy, nhưng làm thế nào để bà con trong thôn khi nhận được đồng vốn về phát triển có lãi, không bị xâm tiêu, nợ quá hạn, ảnh hưởng đến tổ, ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng còn là điều làm anh lo lắng hơn cả.

Anh Phúc xác định, để làm tốt công việc được giao và lấy được uy tín của bà con trong thôn, trước hết mình phải cố gắng học hỏi, tham dự các lớp tập huấn đầy đủ, làm đến đâu chưa hiểu thì trao đổi kinh nghiệm với các Tổ trưởng khác, mạnh dạn hỏi cán bộ ngân hàng trong các buổi họp giao ban định kỳ. Công việc tiếp theo là tạo được lòng tin, ủng hộ của bà con trong thôn, tập hợp được mối đoàn kết của mọi nhà để cùng giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo.

Năm 2009, đúng thời điểm này, xã Tả Phời đẩy mạnh triển khai phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ. Anh tâm sự: “Muốn bà con trong tổ làm theo thì chính bản thân gia đình mình phải gương mẫu làm trước”. Theo đó, anh đã huy động toàn bộ tiền trong gia đình để mở rộng ao cá của gia đình lên 2.000m2, nuôi đủ loại trắm cỏ, chép, trôi, rô phi đơn tính…

Miệng nói, tay làm, anh Phúc đã chứng minh cho mọi người thấy có thể làm giàu trên chính ruộng đồng của quê mình, vậy nên khi anh tuyên truyền, vận động bà con mạnh dạn vay vốn NHCSXH đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng vụ đã được bà con hưởng ứng.

Trong thôn đã có khoảng 70% số hộ cải tạo, tận dụng diện tích mặt nước nuôi cá, đồng thời chuyên canh cây rau, màu kết hợp chăn nuôi khác. Giờ đây, nhiều khu ao rộng vài hécta được xây dựng kiên cố, áp dụng quy trình chăn nuôi khoa học mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho người dân không phải là chuyện hiếm ở thôn Đá Đinh 2. Cuộc sống đổi thay nhiều, tỷ lệ hộ khá ngày càng tăng, hộ nghèo giảm.

Đến nay, dư nợ 4 chương trình tín dụng trong thôn Đá Đinh 2 đạt 663 triệu đồng với 25 tổ viên đang vay.

Tâm sự về công việc của người “vác tù và hàng tổng”, anh Châu Xuân Phúc cười: “Bà con đã tín nhiệm bầu mình thì phải làm cho hết trách nhiệm, đừng để phụ lòng tin của mọi người”.

Bài và ảnh Phương Minh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác