Chàng trai dân tộc Mông làm kinh tế giỏi trên cổng trời Quản Bạ

10/09/2016
(VBSP News) Được sự quan tâm của Chính phủ với các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn, thời gian qua, đời sống đồng báo DTTS ở xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ nói chung và các bản người dân tộc Mông trong tỉnh Hà Giang nói riêng đã được nâng lên, từ cách nghĩ đến cách làm, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, trong đó có Giàng Mí Páo, chàng trai dân tộc Mông, sinh năm 1986 ở thôn Xín Suối Hồ, là một trong những điển hình như vậy.
Mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng của Giàng Mí Páo

Mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng của Giàng Mí Páo

Được Chủ tịch UBND xã Cán Tỷ, Nguyễn Văn Chinh giới thiệu, chúng tôi tìm về mảnh đất Xín Suối Hồ, một trong những thôn xa nhất của vùng đất cổng trời. Ấn tượng khi lần đầu gặp Giàng Mí Páo, đó là một chàng thanh niên rắn rỏi, nước da xạm nắng cùng những cái bắt tay nhiệt tình. Nhà Páo rộng và xung quanh nhà treo nhiều loại Giấy khen mang tên anh. Dãy chuồng bò và lợn được nuôi không hở một ngăn, cỏ chăn nuôi chất đầy trước cổng…

Ngôi làng nơi Páo sống nằm lọt thỏm giữa một thung lũng được bao quanh bởi những dãy núi hùng vĩ. Do đặc thù địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, đất sản xuất nông nghiệp ít nên từ bao đời nay, đồng bào nơi đây luôn bị cái đói, cái nghèo đeo bám dai dẳng. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, những bữa ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm ám ảnh Páo từ những ngày còn nhỏ.

“Suốt ngày hai vợ chồng vào rừng nhặt củi về bán và hái rau rừng ăn cho qua ngày. Sau khi sinh cháu đầu lòng, cuộc sống càng khó khăn hơn, vợ chồng thường xuyên lục đục, cãi cọ nhau; nhiều đêm trăn trở tìm cách thoát khỏi cái nghèo cái đói cứ đeo đẳng,… Thiết nghĩ cả hai vợ chồng cùng khỏe mạnh, chịu thương, chịu khó lao động mà cứ lận đận, cùng khổ mãi không thoát khỏi cảnh đói nghèo”, Giàng Mí Páo tâm sự.

Trước đây, do bà con trong thôn chủ yếu nuôi bò thả rông, tự kiếm ăn hoặc theo người lên nương, vào núi kiếm cỏ dại, chưa chú ý tiêm phòng, chăm sóc khi trời rét, dẫn đến đàn trâu bò giảm, hiệu quả không cao. Sau khi đi một số nơi tìm hiểu, Páo nhận thấy mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo và sinh sản theo hình thức nhốt như ở Mèo Vạc - địa phương có điều kiện tương đồng với Quản Bạ, mang lại hiệu quả cao, đặc biệt Quản Bạ có nguồn cỏ voi dồi dào, ngoài ra các phụ phẩm nông nghiệp khác như: lá ngô, cám ngô… cũng rất nhiều, có thể tận dụng làm thức ăn cho bò nên chi phí đầu tư thấp, bò chóng lớn, có đầu ra ổn định nên hiệu quả kinh tế mang lại rất cao.

“Tìm được “con đường” phát triển kinh tế đã khó, thực hiện nó còn khó hơn bởi tôi chưa có kinh nghiệm thực tế, nhưng với điều kiện tự nhiên của địa phương lúc đó thì chỉ có cách nuôi bò mới giúp gia đình mình thoát nghèo được. Tôi đem ý định phát triển kinh tế của mình bàn với vợ và rất vui vợ tôi hưởng ứng - Giàng Mí Páo kể - vì vậy, năm 2008, thông qua Đoàn Thanh niên địa phương, gia đình đã được vay 10 triệu đồng vốn ưu đãi từ chương trình hộ nghèo của NHCSXH huyện Quản Bạ để đầu tư nuôi bò. Có vốn, vợ chồng tôi đã lên tận huyện vùng cao Mèo Vạc để chọn mua giống bò vàng. Vì giống bò vàng ở Mèo Vạc có sức chống chịu tốt với thời tiết khắc nghiệt vùng cao nguyên đá. Hàng ngày, hai vợ chồng thay nhau vào rừng hái lá, cắt cỏ, thu dọn phân bò tận dụng để bón cho ruộng lúa”.

Bên cạnh đó anh còn trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho bò, đặc biệt anh còn chủ động tiêm phòng đầy đủ và theo dõi thường xuyên sức khỏe của đàn bò. Chính vì vậy, dù nhiệt độ trên vùng núi đá xuống rất thấp nhưng nhờ có nguồn thức ăn dự trữ và chuồng trại được che chắn cẩn thận nên đàn bò của gia đình anh vẫn khỏe mạnh.

Những lứa đầu bò đẻ gia đình Páo để nuôi và chăm sóc nhằm nhân rộng đàn bò, sau đó con bê lớn được bán để lấy tiền tái đầu tư cho đàn bò. Chỉ trong vòng 4 năm, từ con bò ban đầu đã phát triển thành đàn 4 con. Không dừng lại ở đó, năm 2011 sau khi trả hết nợ cho NHCSXH, Giàng Mí Páo quyết định vay thêm 15 triệu đồng để mua thêm bò và chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cỏ voi để chăn nuôi. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh thu về 30 triệu đồng. Từ hiệu quả thiết thực đó, nhiều hộ dân trong vùng đã học hỏi làm theo và bắt đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Người dân thực hiện mô hình được anh Páo hỗ trợ về giống cỏ và giúp đỡ về cách chăm sóc khi nuôi bò nhốt vỗ béo.

Việc chăn nuôi của nhà anh Páo phát triển khá tốt. Năm 2015, bán bò đi, anh trả được hết tiền vay NHCSXH và cũng được xét thoát khỏi diện hộ nghèo, đời sống gia đình sung túc hơn trước.

“Hiện tại, vợ chồng tôi vừa chăn nuôi vừa kinh doanh hàng tạp hóa, đồ điện tại nhà. Vợ thì có riêng máy khâu làm nghề may vá phục vụ bà con dân bản. Tôi thiết nghĩ nhờ có chính sách tín dụng ưu đãi mà NHCSXH đang thực hiện, gia đình tôi mới có công việc làm, có điều kiện để lo cho con cái được học hành và nâng cao mức sống của gia đình”, Giàng Mí Páo phấn khởi nói.

Phát triển SXKD, thoát nghèo, làm giàu cho cả gia đình từ những đồng vốn ưu đãi, chàng trai dân tộc Mông Giàng Mí Páo còn tích cực hướng dẫn bà con trong thôn cách thức nuôi bò và trồng cỏ hiệu quả. Cách làm của Páo được bà con nhân dân trong thôn tin tưởng làm theo. Theo đánh giá của Chủ tịch UBND xã Cán Tỷ, việc Páo vận động thành công bà con chuyển từ chăn nuôi trâu, bò thả rông sang nuôi nhốt, chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang cây trồng năng suất hơn là bước “đột phá” không phải ai vay vốn chính sách rồi về cũng làm được. Thế nhưng, Giàng Mí Páo chỉ bảo: “Mình biết rồi thì hướng dẫn lại cho bà con thôi. Phải trồng thật nhiều ngô, giống lúa tốt, vừa làm thức ăn cho gia súc, vừa bán để mua gạo ăn. Muốn bà con nghe theo, mình phải làm trước mới được. Những gì mình giúp mọi người vì thương bà con dân bản thôi”.

Với sự nỗ lực vươn lên lập thân, lập nghiệp, tìm tòi hướng đi mới trong phát triển kinh tế, Giàng Mí Páo trở thành gương sáng để của bà con trong thôn Xín Suối Hồ cùng học, cùng làm, từ đó giúp người Mông trên cao nguyên đá phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và góp sức cho sự phát triển chung của tỉnh Hà Giang.

Bài và ảnh Trang Uyên

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác